Văn hóa là động lực phát triển

Văn hóa luôn được xem là nền tảng tinh thần, là động lực phát triển kinh tế - xã hội đối với bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới. Đối với Việt Nam, văn hóa giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển đất nước, góp phần định hình ý thức và giá trị con người, sức mạnh dân tộc.

Văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực, mục tiêu của phát triển

Văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực, mục tiêu của phát triển

Đảng ta đã xác định “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”; thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh “Văn hóa soi đường quốc dân đi”. Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững đất nước. An Giang luôn xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực, mục tiêu của phát triển; phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định biên giới.

Những năm qua, An Giang tích cực triển khai quán triệt, tuyên truyền, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; bảo tồn và phát huy thế mạnh, đặc trưng văn hóa An Giang. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng lên. Nhận thức của các cấp, ngành về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, văn học - nghệ thuật (VHNT) chuyển biến tích cực, tạo điều kiện tổ chức tốt các hoạt động VHNT phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.

An Giang đã ban hành Đề án “Xây dựng và phát triển VHNT tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, mục tiêu đưa VHNT An Giang phát triển, phù hợp định hướng phát triển VHNT của đất nước. Nhất là, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) và Chương trình hành động 20-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới”, lĩnh vực văn hóa, VHNT tiếp tục được chú trọng thông qua việc đầu tư nguồn lực, ban hành chương trình, đề án, chính sách liên quan.

Theo đó, tỉnh đã quan tâm hiện tốt quy định về lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn hóa, VHNT trên địa bàn; duy trì tổ chức gặp mặt, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của văn nghệ sĩ, kịp thời lãnh đạo, triển khai hiệu quả nhiệm vụ xây dựng và phát triển VHNT. Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch, đề án có giá trị lâu dài đối với văn hóa, VHNT. Đồng thời, chỉ đạo các cấp, ngành xây dựng, ban hành văn bản lãnh, chỉ đạo thực hiện phù hợp điều kiện, đặc thù của cơ quan, đơn vị, địa phương. Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh và hội VHNT cấp huyện tiếp tục khẳng định vai trò là lực lượng nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết văn nghệ sĩ; đồng hành, định hướng sáng tạo nghệ thuật, rèn luyện bản lĩnh chính trị và kỹ năng nghề nghiệp cho lực lượng hội viên.

Công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước với Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh, phân hội chuyên ngành, hội VHNT cấp huyện gắn kết chặt chẽ, thường xuyên. Hoạt động sáng tác khá sôi động với nhiều tác phẩm mang hơi thở của cuộc sống, có giá trị về nội dung và nghệ thuật, phản ánh quá trình xây dựng và phát triển vùng đất, con người An Giang đến với bạn bè trong nước lẫn quốc tế…

Trước bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước hiện nay, bên cạnh những thuận lợi, hoạt động VHNT tỉnh nhà sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cùng với đó là tồn tại, hạn chế trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội; sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, tác động không nhỏ vào nhận thức, tư tưởng, tình cảm của lực lượng hội viên, văn nghệ sĩ, đặt ra nhiều khó khăn.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền, Đảng đoàn Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện hiệu quả nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về lĩnh vực văn hóa, VHNT; góp phần thúc đẩy việc thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra trên lĩnh vực văn hóa, VHNT.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Thị Hồng Loan cho rằng, văn hóa nói chung, VHNT nói riêng có vị trí, vai trò quan trọng đối với quá trình hình thành phẩm chất đạo đức và nhân cách con người. VHNT là lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm, tinh tế của văn hóa; có tác dụng bồi dưỡng tâm hồn, thể hiện khát vọng chân - thiện - mỹ.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị huyện, thị, thành ủy và Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đảng đoàn Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh quan tâm tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai nghiêm túc nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy trong lĩnh vực văn hóa, VHNT theo hình thức phù hợp. Qua đó, để đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh tiếp tục có những tác phẩm giá trị cao về nghệ thuật, tư tưởng, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, giữ vững quốc phòng - an ninh, góp phần xây dựng quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng ngày càng giàu đẹp, văn minh.

HỮU HUYNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/van-hoa-la-dong-luc-phat-trien-a408982.html