Văn hóa - Nghệ thuật Làm mới bằng cái đã có… từ xưa

Không chỉ là “rét nàng Bân” hay “rét tháng ba, bà già chết cóng”, tháng ba âm lịch ở Huế bắt đầu bằng một trận lụt bất thường gây nhiều âu lo. Nhớ vài đêm trước lúc diễn ra lễ hội điện Huệ Nam, Tiến sĩ Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế “chát” với tôi, bảo rằng mưa gió bất thường khiến cho Huế “bày ra cái chi cũng thành vô duyên”. Ý là Trần Đình Hằng lo sợ. Lễ hội đã phải lùi ngày và rút ngắn thời gian. Thế nhưng, mưa gió đã không cản trở được ý tưởng phục hồi lễ rước Thánh Mẫu bằng đường bộ lần cuối cùng được tổ chức cách đây nửa thế kỷ.

Ngay sau những ngày mưa lụt não nùng là trời quang, mây tạnh và trên những con đường phố Huế nổi tiếng từ Chi Lăng, qua Gia Hội và đi dọc theo đường Trần Hưng Đạo kéo dài đến 3 cây số, thật ấn tượng là đoàn người rước Thánh Mẫu đi bộ trong lễ hội điện Huệ Nam với những cờ xí, kiệu rước và cả những trang phục sặc sỡ sắc màu. Đã có không ít người dân là tín đồ Thiên Tiên Thánh giáo ở Huế hóa thân thành các nhân vật như Thánh bà, Tiên cô… để di chuyển theo đoàn. Và cũng trong đoàn rước Thánh Mẫu diễu hành kia, còn có rất nhiều du khách đến từ phương xa cùng rất nhiều người dân đổ ra đường theo dõi.

Điện Hòn Chén được khởi công xây dựng từ thời vua Gia Long. Đến thời vua Đồng Khánh, điện được đổi tên thành “Huệ Nam” với ý nghĩa “mang lại ân huệ cho người nước Nam”. Lễ hội điện Huệ Nam là một hoạt động tín ngưỡng dân gian của tín đồ suy tôn Thánh mẫu Thiên Y A Na. Theo truyền thuyết dân gian Chăm, nữ thần là con của Ngọc Hoàng sai xuống trần gian, có công tạo ra trái đất, cây cỏ và lúa gạo. Lễ hội là dịp mà tín đồ và du khách cả nước tề tựu để tôn vinh lòng hiếu hỷ đối với mẫu hệ, cũng là một nghi lễ văn hóa quan trọng góp phần vào những tinh hoa văn hóa Việt Nam. Cuối năm 2016, “Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, đưa vào hoạt động cung nghinh Thánh Mẫu Hội đồng Tứ phủ trên đường bộ, xuất phát từ Thánh đường Thiên Tiên Thánh giáo về Nghinh Lương Đình là cách tạo nên một điểm nhấn rất đặc biệt cho lễ hội. Hoạt động này nhằm tái hiện, xây dựng một lễ hội dân gian có quy mô lớn, phô diễn nét độc đáo của những trang phục cổ xưa đầy màu sắc, kết hợp với các hình thức diễn xướng, vũ điệu đặc trưng của Thờ Mẫu - một tín ngưỡng dân gian Việt Nam, tôn thờ các nữ thần và đề cao vai trò phụ nữ. Tôi nghĩ, đó cũng là cách đưa lễ hội điện Huệ Nam trở thành hoạt động mở màn cho lễ hội mùa hạ của Festival Huế, từ nay đổi thay theo hướng 4 mùa đều là lễ hội để thu hút khách du lịch đến với Cố đô.

Huế được xem là vùng đất của những lễ hội dân gian. Mỗi lễ hội trong đó là một câu chuyện kể, nhiều thích thú và lắm bất ngờ. Khai thác tiềm năng, phục hồi những giá trị đặc thù cổ xưa, thông qua sự kết nối là Festival Huế là cách để đưa các lễ hội Huế gần gũi hơn với cộng đồng, trở thành một sản phẩm du lịch đặc thù và hấp dẫn.

ĐAN DUY

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/lam-moi-bang-cai-da-co-tu-xua-a111737.html