Văn hóa - Nghệ thuật Mỹ thuật - Điêu khắc Địa chỉ của những người yêu nghệ thuật
Vào dịp tưởng niệm 2 năm ngày mất họa sĩ Vĩnh Phối (ngày 17/7), tư gia của họa sĩ tại 12 Bạch Đằng, TP. Huế được các con của ông tổ chức thành phòng tranh Vĩnh Phối, đón tất cả mọi người đến tham quan. Từ đó đến nay, phòng tranh họa sĩ Vĩnh Phối trở thành địa chỉ văn hóa của những người yêu thích nghệ thuật.
Phòng tranh giới thiệu đến công chúng 30 tác phẩm, được lựa chọn trong số hơn 100 tác phẩm gia đình đang lưu giữ. Đa phần các tác phẩm được họa sĩ Vĩnh Phối vẽ bằng chất liệu sơn dầu, hầu hết chúng đều không có tên. Nhiều bức tranh quý gần như lần đầu tiên được trưng bày, như những tác phẩm họa sĩ Vĩnh Phối vẽ về đề tài Đông Sơn thể hiện lòng yêu nước, tự hào dân tộc: “Hành trình về đất tổ”, “Hùng Vương dựng nước”, “Thuyền Đông Sơn”…
Gia tài họa sĩ Vĩnh Phối để lại là những tác phẩm xuất sắc đánh dấu những giai đoạn sáng tác khác nhau của ông. Một số bức được sáng tác trước 1975, một số được vẽ giai đoạn 1975-1986, 37 bức được sáng tác tại Ý, Pháp, Thụy Sĩ và những tác phẩm sau này. Mạch sáng tác của ông liên tục, dứt khoát và trải dài cho tận cuối đời. Những tình cảm, trăn trở trong từng giai đoạn cuộc đời được ông giải bày và gửi gắm trong tác phẩm với trái tim thuần khiết, bất chấp thời cuộc.
PGS. TS. Phan Thanh Bình, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế cho hay, những tác phẩm giá trị nhất của họa sĩ Vĩnh Phối đều nằm ở đây. Có những tác phẩm trưng bày ở phòng tranh này lần đầu tiên công chúng mới được biết. Nhiều người ngạc nhiên, hóa ra họa sĩ Vĩnh Phối vẽ rất nhiều phong cách, không chỉ là hiện thực, trừu tượng, bán trừu tượng mà đôi lúc ông vẽ cả tượng trưng. “Đó là một người thầy tận tâm, chân tình với đồng nghiệp và trách nhiệm cao trong đào tạo. Ông có chuyên môn cao nhưng chưa bao giờ tỏ vẻ mình là người được đào tạo ở một cái nôi nghệ thuật của thế giới. Bức ảnh tôi thích nhất của thầy Vĩnh Phối là bức ảnh thầy cạo đầu ngồi giữa Roma tham gia biểu tình chống lại chính quyền Sài Gòn đàn áp Phật giáo khoảng 1962-1963. Bức ảnh hiện lưu giữ ở Thư viện Quốc gia Việt Nam” ông chia sẻ.
Họa sĩ Vĩnh Phối là người sống trầm lắng nhưng những bức tranh trừu tượng ẩn dụ của ông lại đầy những va đập, xung đột và day dứt về cuộc sống. Một số bức trừu tượng ẩn dụ dù không có tên nhưng người xem vẫn cảm nhận được chiều sâu chiêm nghiệm cuộc sống của tác giả. Cũng trong không gian này, người xem được thấy một phong cách sáng tác khác của họa sĩ Vĩnh Phối. Trong “Không tên”, những nét vẽ mạnh mẽ kéo dài rồi gấp khúc, cào xé trên tấm toan. Đó là sự thể hiện nội tâm bị dồn nén, bùng cháy dữ dội, là day dứt, trăn trở của ông về cuộc sống.
Theo cảm nhận của nhà văn, nhà nghiên cứu Bửu Ý, họa sĩ Vĩnh Phối là người đề cao những nét riêng biệt, đặc sắc của nghệ thuật dân tộc nhưng vẫn không tách rời nghệ thuật Tây phương. Họa sĩ Vĩnh Phối điều động nét cọ thường linh hoạt, thuần thục nhưng dường như vì quá thông thuộc đường nét nên thường xuyên muốn tự làm khó mình bằng cách vặn vẹo cây cọ của mình.
Ngôi nhà của họa sĩ Vĩnh Phối trên đường Bạch Đằng là nơi ông đã sống một cuộc đời an nhiên, nơi in dấu các giai đoạn sáng tác trong sự nghiệp cầm cọ của ông, cũng là nơi đầy ắp kỷ niệm của nhiều thế hệ nghệ sĩ, học trò và bạn bè. Khi ông mất, các con của ông tâm nguyện tạo một không gian lưu niệm về người cha của mình.
Chị Nguyễn Phước Huyền Trang, con gái họa sĩ Vĩnh Phối, bày tỏ: “Không gian này đón tất cả những người yêu nghệ thuật đến xem, nghiên cứu, trao đổi, tìm hiểu về đời sống nghệ thuật hay ôn lại những kỷ niệm về họa sĩ Vĩnh Phối. Qua đó, những giá trị sáng tạo của ba tôi được lưu giữ, phát huy với những ý nghĩa nhân văn, thẩm mỹ sinh động như ông hằng mong muốn”.
Chị Nguyễn Phước Nam Trân, con gái út của họa sĩ Vĩnh Phối, cũng là người phụ trách phòng tranh, chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn tạo một không gian để lưu giữ kỷ niệm của ba, đồng thời là nơi để giới nghệ sĩ, đồng nghiệp, bạn bè, học trò, những người thân hữu quý mến ba tôi lui tới xem tranh, trò chuyện. Trước mắt, chúng tôi trưng bày 30 tác phẩm, những tác phẩm còn lại đang trong quá trình tập hợp, chọn lọc, sắp xếp, phân loại để trưng bày theo chủ đề, chất liệu, phong cách…”.