Văn hóa - Nghệ thuật Tác giả - Tác phẩm Hoạt động ngoại giao nâng tầm Việt Nam trên trường quốc tế
TTH - Nhân đọc 'Ngoại giao chuyên biệt – Hướng đi, ưu tiên mới của ngoại giao Việt Nam đến năm 2030' - Chuyên luận của nhiều tác giả - TS. Vũ Lê Thái Hoàng chủ biên - NXB Chính trị Quốc gia Sự thật' – 2020
“Một cuốn sách hiếm hoi được nghiên cứu công phu nhằm đưa ra những phân tích, kiến nghị hữu ích về các lĩnh vực ngoại giao chuyên biệt khác nhau, những đóng góp có thể giúp Việt Nam định hình tâm thế, bản sắc trong thời gian tới…” (TS. Nguyễn Hồng Hiệp (Viện Yusof Ishak về nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore).
Đây là 1 trong 4 lời bình luận về cuốn sách của 4 nhà ngoại giao tầm cỡ. Với nhiều bạn đọc, tập chuyên luận này quả là “hiếm hoi” được truyền thông quảng bá. Thực ra, ngoại giao là hoạt động quan trọng hàng đầu của Nhà nước ta ngay từ khi lập quốc ngày 2/9/1945. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng trực tiếp đảm nhiệm nhiều sứ mạng ngoại giao với đại diện Chính phủ Pháp tại Hà Nội và không ngại hiểm nguy, vượt đại dương sang tận Paris để khẳng định quyết tâm thực hiện “Tuyên ngôn Độc lập” và tranh thủ thời gian hòa bình xây dựng chính quyền non trẻ.
Cuộc “đấu trí” trên trường ngoại giao tại hòa đàm Paris dẫn đến việc Mỹ phải rút quân khỏi Việt Nam cũng là sự kiện lịch sử. Điểm qua đôi điều như vậy để thấy đề tài ngoại giao rất đáng để tìm hiểu và cuốn sách giúp chúng ta hiểu sâu thêm các mặt hoạt động cụ thể, gắn với đời sống xã hội và giúp nâng vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Tác giả cuốn sách là 7 chuyên gia ngành ngoại giao - trong đó, chủ biên là TS. Lê Vũ Thái Hoàng, cựu học sinh Quốc Học Huế.
Sách gồm 9 chủ đề; trong đó, 2 chủ đề có tính bao quát được trình bày trong chương 1 và 2 nghiên cứu vị thế quốc gia và các định hướng ngoại giao chuyên biệt, cũng như việc xây dựng lòng tin và nền tảng hợp tác; 7 chủ đề còn lại là những vấn đề rất cụ thể, có tính chuyên biệt, gắn với nhiều mặt đời sống xã hội như: “Ngoại giao trung gian hòa giải”, “ngoại giao số”, “ ngoại giao công chúng”, “ngoại giao năng lượng”, “ngoại giao nước”, “ngoại giao y tế” và “ngoại giao vì bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ”.
“Lời tựa” của nhóm tác giả nhắc đến một số cụm từ trong lịch sử ngoại giao thế giới khá thú vị: “…độc giả chắc đã từng nghe đến “ngoại giao cây tre”, “ngoại giao pháo hạm”, được dùng để mô tả triết lý, bản sắc, phong cách ngoại giao của một số quốc gia; hay “ngoại giao bóng bàn”, “ngoại giao giao hưởng” nói về việc sử dụng những công cụ phi chính trị (thể thao, văn hóa…) để phá vỡ bế tắc, xây dựng lòng tin, thậm chí tạo đột phá trong quan hệ giữa các quốc gia”.
Các nhà ngoại giao Việt Nam từng phải đối phó hoặc sử dụng các kiểu “ngoại giao” kể trên để giành thắng lợi cho cuộc chiến đấu vì độc lập và tự do của Tổ quốc. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi sang Pháp dự hòa đàm năm 1946, trong lúc đợi gặp nhà chức trách Pháp, Người đã đến thăm một số văn nghệ sĩ nổi tiếng thế giới mà Người đã quen biết từ trước - trong đó có danh họa Tây Ban Nha Pablo Picasso, đi xem phòng tranh của ông… Đây cũng là cách Người khẳng định vị thế của Việt Nam… (Theo sách “Hồ Chí Minh trong trái tim văn nghệ sĩ thế giới”).
Việt Nam cũng như thế giới đã bước sang một giai đoạn mới, hoạt động ngoại giao phải “sáng tạo, thích ứng với thực tiễn mới trong hệ thống quốc tế”. Trước Cách mạng Tháng 8, Việt Nam hầu như chưa có tên trên bản đồ quốc tế. Người ta chỉ quen gọi là “An Nam” hoặc “Đông Dương”. Đến nay, sau những chiến thắng chống ngoại xâm “chấn động địa cầu” và cả trong đổi mới, xây dựng nền kinh tế tiến dần lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vị thế Việt Nam đã khác xưa rất nhiều.
Các tác giả cuốn sách nhấn mạnh vị thế quốc gia hiện nay và tương lai; ngoại giao chuyên biệt mới phát huy tác dụng trên trường quốc tế. Gần đây, chúng ta thường nói đến “ngoại giao Nhân dân” với hàm ý mỗi người dân trong điều kiện công tác của mình đều có thể làm “ngoại giao”.
Cũng chỉ ở vị thế “quốc gia tầm trung” mới có chuyện “ngoại giao số”. Chúng ta đều biết, nhân loại bước sang thế kỷ XXI với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (còn gọi là “4.0”), công nghệ thông tin, công nghệ số ngày càng đóng vai trò quan trọng.
Giữa đợt bùng phát đại dịch COVID-19 đang làm cả nước chấn động, nhờ “ngoại giao y tế” đã được “kích hoạt” từ các đợt dịch trước (như dịch SARS năm 2003, dịch Ebola năm 2014…), mặc dù các quốc gia khác cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Việt Nam đã tranh thủ được sự trợ giúp của quốc tế về vắc-xin và nhiều thiết bị y tế quan trọng khác. Nội hàm của “ngoại giao y tế” còn hướng đến nhiều mục tiêu khác như “phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc về sức khỏe, phát triển các mô hình chăm sóc sức khỏe toàn dân, trao đổi nhân lực y tế, đào tạo và nghiên cứu khoa học, tham gia sâu vào các chuỗi cung về dược phẩm, thiết bị y tế, nhân rộng mô hình du lịch chữa bệnh, dịch vụ chăm sóc sức khỏe người già…
Những vấn đề, mục tiêu các tác giả nêu ra ở các chương đều có căn cứ từ kinh nghiệm các nước tiên tiến như Mỹ, Nhật và những nước cùng vị thế như Việt Nam, nên tạo được độ tin cậy đối với bạn đọc. Chỉ điểm qua một số nội dung “ngoại giao chuyên biệt” trong “cuốn sách hiếm hoi” này, chúng ta đã hiểu thêm “mặt trận không tiếng súng” được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo từ sau Cách mạng Tháng 8 đến nay đã phát triển sâu rộng, liên quan đến nhiều mặt đời sống kinh tế, xã hội,“góp phần thiết thực phục vụ các mục tiêu chính trị, kinh tế và nâng cao vị thế của đất nước” trong xu thế hòa nhập, liên kết quốc tế ngày một rõ nét và mạnh mẽ hơn…