Văn hóa - Nghệ thuật Tác giả - Tác phẩm Không chỉ là cuốn sách quý đối với nhà báo

NXB Đại học Quốc gia Hà Nội vừa ra mắt cuốn sách thứ 53 của tác giả Phan Quang với tựa đề: 'Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí'. Đầy ắp tính thời sự với phần lớn những bài viết sau năm 2000 (chỉ có 4 bài viết từ năm 1957), đây không chỉ là cuốn sách quý đối với nhà báo...

Bìa sách “Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí”

Bìa sách “Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí”

Nội dung cuốn sách rộng hơn tên sách

Là một tên tuổi có trí tuệ uyên bác, giao thiệp rộng, dù tên cuốn sách dường như chỉ định bàn về mối quan hệ giữa Hồ Chí Minh với báo chí, nhưng ngòi bút Phan Quang đã chuyển tải, giúp bạn đọc có cái nhìn xa rộng mà chi tiết về sự nghiệp, nhân cách Hồ Chí Minh.

Trong chùm bài về sự nghiệp, nhân cách Hồ Chí Minh, tác giả dẫn ra những nhận xét đánh giá về Hồ Chí Minh của các tên tuổi lớn được thế giới biết đến.

Mở đầu là bài tác giả lược dịch Lời dẫn của Jean Lacouture trong cuốn “Hồ Chí Minh” (NXB Le Seiil Paris, 1967): “Cụ Hồ thức tỉnh khi mọi người ngủ say”, ngoài nội dung “trích yếu” sự nghiệp Hồ Chí Minh từ khi gia nhập Đảng Cộng sản Pháp 1920 đến những năm trong ngục tù đối phương, rồi lãnh đạo “Cuộc đấu tranh với bao tổn thất đau thương… đối đầu hai cường quốc phương Tây”, nhà báo - nhà văn nổi tiếng của nước Pháp đã có những câu văn thật độc đáo khi miêu tả Hồ Chủ tịch: “Vóc dáng ông mảnh mai tới mức tưởng chừng con người ấy tồn tại được là nhờ sức mạnh tinh thần và ngọn lửa chiến đấu của một dân tộc cũng mảnh dẻ, thanh đạm và kiên cường như ông”. Chỉ một câu thôi, tác giả trong khi miêu tả Hồ Chí Minh đã tôn vinh cả dân tộc Việt Nam.

Phan Quang đưa bài vừa dẫn lên đầu sách vì ông đặc biệt quý mến Jean Lacouture (1921-2015) “Người được Bác Hồ cảm hóa”. Đây cũng là nhan đề bài viết dài 10 trang sách kể lại rất nhiều lần nhà văn Pháp gặp Cụ Hồ, mà ngay sau cuộc gặp đầu tiên ngày 7/3/1946 tại Bắc Bộ Phủ, “bị Cụ hút hồn luôn” và từ giới bảo thủ, ông trở thành một người cánh tả dấn thân, sống thọ 94 tuổi với 70 tác phẩm (có cuốn dày 3.000 trang), được phương Tây coi như người am hiểu nhất tình hình Việt Nam.

Và không chỉ Jean Lacouture, Cao ủy Pháp Jean Sainteny từng “là một con cáo già của chủ nghĩa thực dân”, là người thay mặt nước Pháp ký Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946, trong hồi ký “Một nền hòa bình bị bỏ lỡ” đã viết về Cụ Hồ như sau: “…Ngay từ buổi tiếp xúc đầu tiên… có ấn tượng con người khổ hạnh mà vẻ mặt cùng một lúc tỏa sáng trí thông minh và nghị lực này là một nhân cách hàng đầu chẳng bao lâu nữa sẽ tự nâng mình lên tầm nổi bật trên vũ đài thời cuộc Á châu…”.

Người có nhiều duyên nợ với báo chí

Còn nhiều những ý kiến đặc sắc của các tên tuổi trên thế giới viết về Hồ Chí Minh trong cuốn sách nhưng điều cần nói thêm là chúng ta biết được những điều đó nhờ có Phan Quang là người đọc “thiên kinh vạn quyển”.

Chính từ vốn kiến thức phong phú đó, cộng với trực giác và suy ngẫm qua những lần được tiếp xúc với Bác Hồ, qua nghiên cứu di sản Hồ Chí Minh, một số bài viết của Phan Quang trong cuốn sách đã đạt tới mức có tầm khái quát về Hồ Chí Minh (bài “Có Bác Hồ trong mọi ngày vui”, “Hòa quyện vào tinh hoa văn hóa nhân loại”…).

Với cương vị lãnh đạo chủ chốt nhiều cơ quan báo chí quan trọng của Trung ương mà ông từng đảm trách, các bài viết khác của Phan Quang trong cuốn sách vừa có cái nhìn tổng quát về quá trình hình thành và sự phát triển của báo chí Việt Nam, kể từ khi tờ “Thanh niên” do Nguyễn Ái Quốc sáng lập năm 1925 cho đến nay (bài “Cội nguồn và cống hiến” và “Người có nhiều duyên nợ với báo chí”…), vừa ấm áp những kỷ niệm trong cuộc đời làm báo suốt 7 thập kỷ của mình.

“Tờ giấy hồng điều” được Phan Quang ghi lại năm 2007, chỉ là một câu chuyện nhỏ mà chất chứa bao ý nghĩa sâu xa. Đó là việc anh công nhân truyền âm Lê Quang Lân gìn giữ tờ giấy hồng điều suốt mấy chục năm - kể cả việc phải cho vào lọ chôn xuống đất, phòng nhà cháy khi khu tập thể Bạch Mai bị B.52 ném bom cuối năm 1972. Tờ giấy đó, Bác Hồ đã viết tặng sư cụ chùa Trầm 8 chữ “Kháng chiến tất thắng /Kiến quốc tất thành”, khi Bác đến phòng bá âm của Đài Tiếng nói Việt Nam trong hang đá đọc bài thơ chúc Tết Đinh Hợi 1947.

Đọc những trang viết của Phan Quang, bạn đọc không chỉ được cung cấp một lượng thông tin chính xác và có thể nói là khá đầy đủ về lịch sử hình thành, quá trình hoạt động của báo chí Việt Nam, về “Tư duy và phong cách báo chí Hồ Chí Minh” (nhan đề một bài viết của Phan Quang), mà còn thích thú với nhiều tư liệu, chi tiết gắn với Hồ Chí Minh có lẽ còn ít người biết.

Trong bài “Kỷ niệm sâu sắc nhất đời tôi”, tác giả kể lại những lần được tháp tùng Hồ Chí Minh thăm các nơi để đưa tin, trong đó có chuyến đi vào đêm 30 Tết: “Bác đến thăm một gia đình liệt sĩ tập kết, lại có con đi bộ đội xa ở phố Lò Đúc, Hà Nội. Chủ nhà, bà Nguyễn Thị Khánh, người Thừa Thiên, tiễn Bác ra xe, xúc động quá, vừa rơi nước mắt vừa nói: “Kính chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu”. Bác cười: “Chúc Bác sống lâu sao lại khóc”?

Cũng trong bài này, Phan Quang kể lần được cử theo Hồ Chí Minh về tỉnh Hưng Yên năm 1958 thăm bà con nông dân, đang rất thích thú với một chi tiết trong bài tả Bác Hồ đi bộ dưới nắng chang chang, không ngờ Bác gọi lên gặp và hơi cao giọng: “Chuyện Bác Hồ đi bộ giữa cánh đồng thì có gì mà nói lắm thế!”. Phan Quang đã “ghi lòng tạc dạ” chuyện nhỏ này vì nó vừa chứng tỏ phẩm cách cao quý của Bác Hồ, vừa là bài học cho nhà báo về cách lựa chọn chi tiết khi ca ngợi, tôn vinh người khác - nhất là với các vị lãnh đạo.

Tác giả cũng cho chúng ta biết, từ năm 1963, trong khi theo dõi việc chỉ đạo phong trào nông nghiệp, Hồ Chí Minh đã thẳng thắn phê phán thói dối trá của một địa phương: “… Vì sao ruộng đã cấy xong được 8.800 mẫu, thì báo cáo là 5.658 mẫu? Ruộng bị hạn 2.560 mẫu thì báo cáo 6.115 mẫu? Vì sao các chi bộ cố ý báo cáo sai sự thật? Đó là một vấn đề, không nên để có những sự giả dối như vậy”? (Báo “Nhân dân” ngày 15/3/1963).

Xin dẫn thêm một câu trong bài “Đôi điều tâm niệm” - Tham luận của Phan Quang tại Hội thảo “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2008. Sau khi nêu phẩm chất “Ngòi bút Hồ Chí Minh tuyệt nhiên không bao giờ viết vì tiền tài, vì danh lợi, vì quyền lực…”, cuối bài, Phan Quang viết: “Chúng ta hãy cùng nhau phấn đấu, chớ để xảy ra tình trạng bất cứ người dân nào - trừ những kẻ bất lương - trong bất kỳ trường hợp nào có cái cớ để vin vào mà thốt lên: “Tôi sợ nhà báo lắm”!

Với các cương vị Phan Quang từng đảm nhiệm tại nhiều cơ quan báo chí, tác giả viết một câu ngắn như lời tâm sự, nhắn nhủ của người trong cuộc, nhưng cũng là sự cảnh tỉnh đối với đội ngũ báo chí phải luôn tu dưỡng rèn luyện mới xứng là đội ngũ kế tục sự nghiệp báo chí cách mạng vẻ vang mà Hồ Chí Minh là người mở đầu từ 21/6/1925…

Bài, ảnh: NGUYỄN KHẮC PHÊ

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/khong-chi-la-cuon-sach-quy-doi-voi-nha-ba-o-a73680.html