Văn hóa - Nghệ thuật Tác giả - Tác phẩm Liệt sĩ Trường Sơn ấm áp giữa nghĩa tình đồng đội
TTH - Gần gũi và thân thiết hơn cả với Trường Sơn, với gần hai vạn liệt sĩ đã nằm lại ở Trường Sơn là 'Hội Truyền thống Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh' (sau đây xin viết tắt là HTS) được chính thức thành lập ngày 13/5/2011 với Chủ tịch Hội là Thiếu tướng Võ Sở - người dẫn đầu đội quân chọc thủng tuyến đường mòn qua vĩ tuyến 17 từ năm 1959. Đến nay, HTS đã có 93 hội thành viên, với 300 ngàn hội viên - trong đó, Tỉnh hội Trường Sơn Thừa Thiên Huế được thành lập ngày 17/9/2017.
Cuốn sách “131 di tích & địa danh Trường Sơn” được HTS chỉ đạo biên soạn có giá trị đặc biệt, có thể xem như “Một bảo tàng Trường Sơn bằng văn tự” tồn tại mãi với hậu thế. Hơn 40 năm đã qua, không ít những chiến sĩ mở và giữ đường Trường Sơn đã “theo bước” vị tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên (1923-2019), không ít “di tích đường Trường Sơn đã mờ đi trên mặt đất và ngay cả trong ý thức của mỗi chúng ta” như “Lời giới thiệu chung” về các di tích Trường Sơn đã viết. Ngay cả với những di tích được xếp hạng và tôn tạo, không phải ai cũng có điều kiện đến tận nơi tìm hiểu. Với dung lượng gần 500 trang, sách gồm 4 phần, mỗi di tích được miêu tả khá chi tiết qua các mục: Tên, địa điểm, sự kiện - nhân vật, lịch sử, đặc điểm, xếp hạng - vinh danh, hiện trạng, kèm nhiều hình ảnh, bản đồ, cuốn sách là nguồn tư liệu quý đối với bạn đọc cả nước.
Do vị trí địa chính trị đặc biệt trong lịch sử dân tộc, đường Trường Sơn qua vùng đất “cán xoong Bình Trị Thiên” mà kẻ địch tưởng là có thể bẻ gãy, có nhiều di tích lịch sử nhất. Riêng Thừa Thiên Huế, có 4 di tích đã được xếp hạng là di tích Quốc gia hạng đặc biệt. Đó là “KM 0 Đường B45A”, “KM 0 Đường B71”, “KM 0 Đường B72”, “KM 0 Đường B73”. Cả 4 di tích đều ở nơi xa xôi hẻo lánh, bạn đọc hôm này ít có dịp biết đến, tưởng cũng nên “trích yếu”, cũng là cách tưởng nhớ đến những chiến sĩ đã quên mình mở thông huyết mạch nối hậu phương lớn với chiến trường Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và cả Khu V từ hơn nửa thế kỷ trước.
Trong 4 tuyến kể trên, đường B45A có lịch sử lâu đời nhất. “KM0 Đường B45A” nằm trên địa phận xã Hồng Vân, A Lưới là cách gọi theo “quy ước”, chứ thực tế, KM0 của đường B45A tại La Hạp; còn tại A Lưới là Km87. Từ năm 1961, bộ đội Trường Sơn đã mở tuyến gùi thồ từ làng Ho, vượt sông Sê Băng Hiêng đi tới La Hạp… Từ 1964-1965, bắt đầu mở thành đường cho xe cơ giới. Năm 1967, khi Mỹ đổ quân xuống động Con Tiên, các đơn vị công binh đã ngoan cường chiến đấu, quyết giữ vùng giải phóng tây Thừa Thiên; kỹ sư Trọng vừa tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa vào làm trợ lý Trung đoàn 10 đã hy sinh…
Di tích “KM 0 Đường B71”, thuộc xã Hồng Vân, A Lưới, nằm cạnh đường Hồ Chí Minh. Tuyến đường dài 70km, từ Hồng Vân xuống Hòa Mỹ (Phong Điền) được mở từ đầu năm 1967; đến năm 1972, chuẩn bị cho cuộc tiến công chiến lược 1972, Bộ Tư lệnh xác định tầm quan trọng của tuyến với cả mặt trận Quảng Trị, đã điều thêm lực lượng mở rộng, bảo đảm xe tăng, pháo lưu thông dễ dàng hơn. Ngày 26/7/1972 (tình cờ, tròn 50 năm trước, đúng kỷ niệm ngày thương binh, liệt sĩ) B.52 ném bom nhiều trận trúng đội hình xe của 2 tiểu đoàn, nhiều chiến sĩ thương vong… Trong chiến dịch Xuân 1975, đường B71 phát huy tác dụng to lớn, là đường tiến quân giải phóng các huyện phía Bắc Thừa Thiên…
“KM 0 Đường B72”, thực tế hiện nay là km140, đường 14 - vị trí tại Bốt Đỏ Đường Hồ Chí Minh; trước đây là km 43 Đường 45A thuộc xã Phú Vinh, A Lưới; điểm cuối là Bình Điền. Tuyến được mở đầu năm 1967, chuẩn bị cho chiến dịch Trị Thiên - Huế Xuân 1968. Đầu năm 1975, theo con đường này, bộ đội ta đã tiến công giải phóng quận lỵ Nam Hà, rồi tiến vào Huế…
Di tích “KM 0 Đường B73” giao với Đường Hồ Chí Minh tại địa phận xã A Roàng (A Sầu) huyện A Lưới, điểm cuối tại Khe Tre, Nam Đông được khảo sát từ tháng 2/1967, để chuẩn bị cho Tết Mậu Thân tại Đà Nẵng và Huế. Hiện nay, đường đã được nâng cấp và có tên Tỉnh lộ 74. Cả hai di tích“KM 0 Đường B73” và “KM 0 Đường B72” đều chưa có bia di tích…
Rất nhiều di tích Trường Sơn nổi tiếng đã khá quen thuộc với bạn đọc như “Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn” nơi an nghỉ của 10.263 liệt sĩ (trong đó chỉ có 68 phần mộ chưa có tên) hay “Cổng Trời - Cha Lo”, “Ngã ba Đồng Lộc”…; dưới đây xin giới thiệu di tích trọng điểm Trạ Ang có lẽ còn ít người biết đến. Đây là đoạn đường xung yếu, một bên vách núi dựng đứng, một bên vực sâu, từ km 10 đến km 14 đường 20 Quyết Thắng. Tại đây, có đợt chúng đánh liên tục 87 ngày đêm với 793 trận. Có ngày 27 máy bay B.52 và 30 loại máy bay khác ném bom ở đây. Trực chiến ở đây là Binh trạm 14, các đại đội TNXP Quảng Bình, Nghệ An, Thái Bình. Hàng trăm chiến sĩ bị thương và hy sinh. Sau đợt đánh phá ác liệt từ 1/7 đến 15/8/1968, đường bị tắc hoàn toàn, xe bị ứ lại hàng đoàn. Binh trạm 14 phải cho chiến sĩ kéo từng phuy xăng ngược suối Trạ Ang từ km 10 lên km 14. 60 phuy xăng, lên đến nơi chỉ còn 30 phuy, 29 chiến sĩ hy sinh, máu nhuộm đỏ suối Trạ Ang! Ngày 19/11/2001, trọng điểm Trạ Ang được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Hiện nay, đường Hồ Chí Minh nhánh tây giao cắt với đường 20 tại Trạ Ang…
Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7/2022, đền Tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn trên đường Quyết Thắng 20 rất hoành tráng sẽ được khánh thành. Tạp chí “Nông thôn Việt” đã vận động Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt và ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Sacombank tài trợ hơn 40 tỷ đồng xây dựng ngôi đền này tại trọng điểm Cà Roòng - ATP.
Đường Trường Sơn là biểu tượng ý chí thống nhất đất nước nên có thể nói ngôi đền vừa được xây dựng trên đường 20 cũng là nơi tưởng niệm hàng vạn liệt sĩ Trường Sơn.