Văn hóa - Nghệ thuật Tác giả - Tác phẩm Phía sau nỗi buồn
Nếu sống để người khác cần khó hơn để được thương, thì ông đã làm được điều khó ấy. Xe quá khổ đi qua làm đứt dây điện trước nhà, nhưng sở điện chưa tới thì đã có ông tạm thời khắc phục để người xe qua lại an toàn. Ngày Tết, bà con khu phố chung tiền, định kêu thợ giăng đèn kết hoa ngõ phố, nhưng ý ông lại khác: “Chỉ cần tiền mua dây điện và lồng đèn, làm thì để đó, thuê thợ chi cho tốn”. Thế là người này ra tay, hì hục cả buổi trưa, hết leo trèo, lại đứng chỉ cho đám thanh niên cùng làm. Nhìn cổng nhà bà cụ độc thân ở đối diện có giàn bông giấy, rực rỡ mùa hè và xơ xác xả rác mùa đông, ông lo xa: “Rậm rạp thế kia dễ có rắn lục lắm”. Nói rồi ông tự nhận phần cắt tỉa mớ cành lá lẫn trong đám gai nhọn sắc như chông. Mỗi khi bão lăm le ngoài khơi, mấy nhà yếu thế lại nhờ ông vác bao cát đè mái tôn rồi chằng buộc bồn nước hay néo cột các cửa.
Trong nhà thì ông như kẻ khác, cũng bởi tính thích làm thủ trưởng tại gia. Nếu thời ông tìm vợ đã có chương trình “Bạn muốn hẹn hò” và khi lên sóng truyền hình ông bộc bạch tính gia trưởng thì chắc ế bền vững luôn. Vợ ông lắm lần than thân trách phận rồi thở dài: “Ván đã đóng thuyền…”. Nhà ấy lắm phen sóng gió và sau đó là khoảng lặng nặng nề. Vợ chồng bình đẳng hay cha mẹ làm bạn cùng con là những khái niệm xa lạ với người này. Vợ con trái ý cãi lời ông thì coi chừng.
Tệ hơn, người này còn nói chuyện với vợ bằng… tay, mấy bà ở chung tường ghé tai thì thào như thế. Biết vậy nhưng chẳng ai can gián khi người vợ tự trói mình bằng quan niệm “xấu chàng hổ ai” và việc đó hình như chỉ nhất thời hồ đồ. Tuổi trẻ đi qua tuổi già ào đến, ông phần nào mát tính hơn, riêng sự hay ghen thì lâu lâu lại bùng phát bừng bừng như cháy rừng mùa nắng. Ông kiên trì nuôi dưỡng tính ghen xuyên qua hai thế kỷ, bất chấp tuổi tác. Ai biết chuyện đều bất bình với ông chồng và đứng về phía người vợ hiền thục.
Chị từ ngoài kia vào đây theo chồng, bỏ nghề thợ may ở quê để mỗi sáng đạp xe chở nước bún về nuôi heo, chiều đi nhặt ve chai, tối đan mây thuê, lại nấu rượu bỏ cho các quán. Chị quần quật, miệng mũi lắm lúc tranh nhau thở, thời giờ đâu mà tơ tưởng gái trai, lại tôn chồng như bề trên nên có cho chắc cũng chẳng đong đưa ngoài luồng. Để xoa dịu tính hay ghen của chồng, vợ tự vẽ vòng tròn quanh mình, đến ngại tiếp xúc với người khác giới, cả lúc xe hư cũng lầm lũi cuốc bộ dưới nắng mặc có anh kè xe bên cạnh cho quá giang.
Lúc nhỏ, thấy bố bắt nạt mẹ, con trai co rúm trong xó nhà, ôm mặt khóc; lớn lên chút ít, nó chen vào che cho mẹ, rồi đến lúc cậu vượt lên trước uy quyền người cha: “Bố không được làm thế!”. Ông giật mình, ngó sững; thằng bé trân mình, mím môi, ngó lại. Ông thu tay, quay mặt.
“Thương cho roi cho vọt” là một phần tất yếu với ông trong răn dạy con trai nên cái mông tội nghiệp của thằng bé lắm lần phải ngồi rón rén. Giữa năm lớp 11, nó bỏ nhà đi khi bố lên cơn thịnh nộ. Con đi rồi, ông cứ ra cổng ngóng mông lung rồi gọi điện hỏi tứ tung. Ngày con lò dò trở về, bố mừng muốn khóc nhưng giả thờ ơ, lạnh lùng.
Cả khi đã lập gia đình, con trai cũng ít chuyện trò với bố, cùng lắm thì nhắn qua trung gian là mẹ. Cậu là giám đốc công ty xây dựng, là chủ dãy phòng trọ cho thuê nhưng vẫn ở cùng bố mẹ, trong khi hai chị đã theo chồng. Cô vợ trẻ muốn ra riêng nhưng anh chồng không muốn rời bố mẹ, vì “hai cụ hay đau lắm”. Nhưng “xa thơm gần thối” đã đúng trong trường hợp này, không phải giữa mẹ chồng nàng dâu mà là bố và con trai. Chẳng biết nguyên do nhưng lâu lâu lại thấy ông bố to tiếng, vợ con im re co rúm như gà con gặp quạ. Đỉnh điểm, con trai không thể nín nhịn, bật lại lời bố và ngay sau đó dẫn vợ con ra đi, để lại tiếng khóc nghẹn của mẹ. Người bố hằm hằm, ném theo những lời đoạn tuyệt: “Đi luôn đi!”.
Con cháu đi rồi, nóng giận qua rồi, ông đờ đẫn. Ngôi nhà vắng lặng đến sợ. Ông ao ước được nghe tiếng bi bô của thằng cháu lên ba hay tiếng xe máy của con đi về. Ông đứng sững nhìn phòng ngủ của con trống trơn, lại hững hờ ngó phòng khách sạch đẹp thay vì bừa bộn đủ thứ do thằng cháu xả ra. Ông nhớ cả tiếng mở cổng lúc đêm muộn khi con dâu tăng ca về trễ hay tiếng khóc của cháu giữa khuya làm mất ngủ.
Bố xoa dịu nỗi buồn bằng cách đẩy nguyên nhân bất hòa về phía con, tất nhiên trong ý nghĩ. Chỉ hả lòng thoáng chốc, chỉ tạm thời như xoa thuốc giảm đau rồi nỗi nhớ con thương cháu lại thổn thức. Cô đơn hơn những ngày phong tỏa chống dịch, ông bỗng thèm nghe tiếng bấm chuông gọi cửa. Lắm lúc ông ngồi nơi phòng khách, nhìn mãi ra đường, ngóng chờ vu vơ.
Những buồn bực mang đi từ nhà thường để lại ngoài cổng công ty thời ông còn đi làm nhưng nay nỗi niềm ấy cứ kết tủa trong lòng, quẩn quanh trong nhà. Nhờ đến rượu vỗ về giấc ngủ nhưng giữa đêm ông lại thức, trằn trọc đến mỏi người rồi cay đắng nhận ra đang tự làm khổ chính mình. Người ta trao nhau yêu thương trong từng mái ấm, còn nhà này… Ông không dám nghĩ tiếp điều trái ngược, đắng cay.
May là những ngày buồn ấy, hai con gái thường dẫn cháu về thăm ông bà. Như ngầm có sự phân công, con cháu thay nhau về khiến nhà có thêm tiếng nói cười. Khi con dâu chở cháu nội về, ông vui đến ngỡ ngàng, chẳng cần giữ kẽ, chạy ra cổng bồng xốc lấy cháu. Ông đưa cháu ra công viên, mua đồ chơi, rồi cầm tay dắt đi quanh phố cứ như muốn khoe niềm vui. Những ngày con cháu đi học đi làm thì ông lại ngồi bên bàn cờ tướng với tổ trưởng dân phố ở cạnh nhà.
Tổ trưởng đương nhiên là sếp của bảy mươi hộ dân trong tổ, nhưng là lính của con trai ông. Nghỉ hưu, ông ấy nhận làm bảo vệ công ty xây dựng do con ông làm giám đốc, thường ở lại các công trình, theo dõi xuất nhập vật liệu và bảo vệ quá trình thi công. Gần đây, tổ trưởng bỗng dưng nổi hứng, hay nghỉ làm, qua rủ ông chơi cờ, lại rề rà cả buổi. Đáp lại câu hỏi sao rảnh rỗi bất chợt, ông ấy cười cười, lảng đi.
Tổ trưởng là cao thủ cờ tướng, không có đối thủ trong khu phố; so với ông ấy, ông dưới cơ hơn nhiều. Không chỉ một chọi một, tổ trưởng còn chấp cả đám kép phụ, chầu rìa xung quanh chỉ chỏ cho người chơi chính. Trước khi đi nước mới, ông thường nhắc “chắc chắn chưa” nhưng đối thủ vẫn hớ hênh nên xin khoan, hoãn liên tục.
Chơi với ông lần này, ông ấy bỗng ăn thua thất thường, cũng xuýt xoa tiếc nuối. Ông sướng tê người, cười như con trẻ khi lần đầu thắng ngang ngửa, không bị chấp một xe như trước; đã thế, ngồi vào bàn cờ là quên thời giờ, nỗi buồn thiếu vắng con cháu cũng vì thế vơi đi. Xen giữa những ván cờ, hai người già lại khề khà trà thuốc. Tổ trưởng hay kể về chàng giám đốc, rằng cậu ấy nhắn bố nhớ uống thuốc huyết áp mỗi sáng và đừng tắm buổi tối; rằng cậu đang đi kiểm tra công trình ở biên giới, tuần sau mới về đàm phán hợp đồng… Ông ra vẻ dửng dưng nhưng nghe chẳng sót lời nào về đứa con lâu rồi không gặp.
Chiều nay, tổ trưởng qua nhà ông với bộ âu phục đóng thùng cùng vẻ nghiêm trang đột ngột. Ông rủ chơi cờ nhưng ông ấy khoát tay, chỉ ngồi uống nước, rồi rút điện thoại chỉ đường cho ai đó đến nhà ông. Nghe tiếng xe máy, ông ấy lật đật chạy ra mở cổng rồi ôm cái hộp to đặt lên bàn, lại quay ra bê lẵng hoa vào. Chủ nhà ngơ ngác, khách tươi cười: “Ông biết hôm nay là ngày gì không?”. Ông lắc đầu, vẫn ngơ ngác. Khách kiên trì khích lệ: “Cố nhớ thử coi”. Sau tiếng “chịu” bất lực của gia chủ là lời khách vút cao: “Hôm nay là ngày sinh của ông”. Dứt lời, ông ấy mở nắp hộp để lộ cái bánh kem to có dòng chữ đỏ “Con chúc mừng sinh nhật bố”.
Chẳng hỏi, ông cũng biết người đem đến bất ngờ là con trai. Tổ trưởng cho hay, cậu ấy đi công tác xa không về kịp; lại cười cười úp mở rằng, chẳng phải ngẫu nhiên khi con cháu thay nhau về thăm ông bà những ngày qua… Ông sững sờ, lờ mờ nhận ra việc tổ trưởng hay đến chơi cờ, lại hay thua đáng ngờ, hình như cũng có sắp xếp.
Đêm, mãi vẫn không ngủ được, ông lò dò ngồi dậy, ngón tay run run bấm tìm số của con trai trên điện thoại…
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/phia-sau-noi-buon-a114599.html