Văn hóa - Nghệ thuật Thông tin văn hóa Lê Tấn Thanh & những khoảnh khắc đẹp qua ống kính
Đến với nhiếp ảnh chưa lâu nhưng tay máy trẻ Lê Tấn Thanh sớm tạo được dấu ấn qua những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc đẹp của thiên nhiên, đời sống.
Tại lễ trao giải thưởng văn học nghệ thuật Cố đô lần thứ VI (2013 - 2018), nhiều người khá bất ngờ khi tay máy trẻ Lê Tấn Thanh giành giải A chuyên ngành nhiếp ảnh với tác phẩm “Đồng hỏa Hoàng cung”. Bức ảnh là khoảnh khắc Thanh “bắt” được khi các diễn viên biểu diễn múa lửa, một hoạt động diễn xướng nằm trong nghi thức “Lễ đổi gác” tại sân Điện Thái Hòa vào dịp Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức chương trình “Đại Nội về đêm” năm 2017. Tác phẩm này cũng từng đạt giải nhì tại cuộc thi ảnh “Huế - Những góc nhìn mới” năm 2017.
Tấm ảnh gây ấn tượng bởi nó lạ, đẹp với ánh sáng rực rỡ từ ánh lửa và ánh đèn. Khoảnh khắc ấy, những người múa lửa nhòe đi và background hình ảnh Đại Nội phía sau lung linh rõ nét. Thanh bảo, chụp được bức ảnh này là nhờ may mắn nhưng đây là một kỹ thuật khó trong nhiếp ảnh, anh phải đưa máy ảnh lên cao 2,5m mới ghi lại được khoảnh khắc này.
Sinh năm 1987, Lê Tấn Thanh mới “bén duyên” với nghệ thuật nhiếp ảnh từ năm 2017 nhưng gặt hái được khá nhiều thành công. Tình cờ cầm máy rồi đam mê, Thanh dành thời gian học hỏi kỹ thuật qua mạng, từ những nghệ sĩ nhiếp ảnh đàn anh trước khi “dấn thân” vào làng nhiếp ảnh.
Thanh chia sẻ: “Khi mới đến với ảnh nghệ thuật, tôi cũng như nhiều người khác phải tự học hỏi để biết cách tư duy về ánh sáng, bố cục, điểm mạnh trong tác phẩm nhiếp ảnh. Điều may mắn là tôi được những đàn anh đi trước tận tình chỉ bảo, chia sẻ kinh nghiệm, giúp tôi rất nhiều trong việc nắm vững kỹ thuật. Với nhiếp ảnh, việc chọn góc nhìn và tư duy sáng tạo rất quan trọng”.
Cảnh sắc quê hương, cuộc sống đời thường của con người, nhất là hệ sinh thái, sinh hoạt của người dân đầm phá Tam Giang là những chủ đề thu hút tay máy trẻ Lê Tấn Thanh. Khung cảnh đầm phá tuyệt đẹp mỗi sớm bình minh kéo anh ra khỏi nhà từ lúc 3-4 giờ sáng để kịp canh những tấm hình đẹp. Thanh đang ấp ủ bộ ảnh chủ đề về cuộc sống của người dân đầm phá. Để lựa một bức ảnh ưng ý chụp khoảnh khắc bình minh trên đầm Chuồn, Thanh phải canh me hơn 1,5 tháng và chụp gần 2.000 tấm ảnh. Khung cảnh Huế về đêm cũng là chủ đề Thanh đang theo đuổi.
Mày mò thực hành, Lê Tấn Thanh dần nâng cao tay nghề khi có nhiều tác phẩm có kỹ thuật chụp và góc nhìn đẹp. Anh chú trọng đến sự trau chuốt, đầu tư công phu cho mỗi tấm hình và biết cách phá vỡ những nguyên tắc về bố cục để tạo ra những bức ảnh ấn tượng. “Ra đầm”, tác phẩm đoạt HCĐ cuộc thi ảnh Nghệ thuật Quốc tế lần thứ 10 tại Việt Nam năm 2019 (VN-19) là một nét chấm phá trên nền bức tranh biển Lăng Cô xinh đẹp. Giữa những làn mây trắng xóa bồng bềnh, mờ ảo, những dãy núi cao xanh trùng điệp, đầm Lập An đẹp say đắm lòng người, khiến ai đến cũng muốn níu giữ mãi những giây phút yên bình giữa cõi mộng mơ ấy.
Trong một cơn mưa tầm tã, Thanh bắt gặp được vẻ đẹp, sự hy sinh thầm lặng của người công nhân quét rác. Bức ảnh “Người thầm lặng” ra đời, đặc tả công việc rất đỗi bình thường mà tận tụy của những người giữ gìn cho thành phố sạch đẹp. Tác phẩm này giành giải nhất tại cuộc thi ảnh “Con người và môi trường cuộc sống” do Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tổ chức năm 2018.
Công việc thiết kế đồ họa cộng với việc gia đình bận rộn nên Thanh không có nhiều thời gian dành cho nhiếp ảnh, nhưng anh thường xuyên tranh thủ thời gian sáng sớm để rong ruổi trên các cung đường của thành Huế mộng mơ, chờ những khoảnh khắc đẹp. Niềm đam mê với nhiếp ảnh cộng với tính cách thích trải nghiệm khiến Thanh luôn muốn lưu giữ những khoảnh khắc đẹp của thiên nhiên, của cuộc sống bằng cách riêng của mình. Niềm vui khi được góp một phần nhỏ quảng bá du lịch, con người qua những hình ảnh về Huế lại thôi thúc Thanh lên đường sáng tác mỗi ngày.