Văn hóa - Nghệ thuật Thông tin văn hóa Nhiều thiết chế văn hóa chờ được đầu tư
TTH - 'Nếu không được đầu tư cho các dự án nâng cấp, xây dựng mới hệ thống thiết chế văn hóa thì trong vài năm tới, bộ mặt và diện mạo về văn hóa khó có gì thay đổi. Ngành văn hóa rất trăn trở, lo lắng và mong tỉnh thực sự quan tâm để có sự đầu tư xứng đáng', ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao cho hay.
Thiếu và xuống cấp
Ngày 23/6/2021, UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Lịch sử tại 268 Điện Biên Phủ với kinh phí 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án vẫn chưa được bố trí vốn trong giai đoạn đầu tư công trung hạn 2021-2025. Vì vậy, việc đầu tư kinh phí để xây dựng bảo tàng tại địa điểm mới chưa thể triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả. Bảo tàng vẫn đang phải sử dụng di tích Quốc Tử Giám làm trụ trở làm việc và hệ thống trưng bày. Sau khi tiếp nhận cơ sở mới, đơn vị đã tiến hành trưng bày các hiện vật thể khối lớn. Tuy nhiên, hiện việc di chuyển bảo tàng chỉ mới hoàn thành giai đoạn 1, diện mạo của một bảo tàng ở địa điểm mới vẫn chưa hình thành, cơ sở vật chất chưa được chỉnh trang, cải tạo.
Một cán bộ bảo tàng chia sẻ: “Cơ sở vật chất ở di tích Quốc Tử Giám không đủ điều kiện để trưng bày, bảo quản nên bảo tàng gặp rất nhiều khó khăn trong suốt thời gian dài hoạt động. Việc di dời bảo tàng đến địa điểm mới cũng chưa đâu vào đâu, chúng tôi phải chia người trực, làm việc ở hai cơ sở trong điều kiện thiếu nhân lực”.
Bảo tàng Mỹ thuật Huế được thành lập từ tháng 12/2018 trên cơ sở sắp xếp, kiện toàn Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị. Đến nay, Bảo tàng Mỹ thuật Huế vẫn chưa có trụ sở riêng, đang sử dụng một phần diện tích của Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng làm trụ sở; diện tích chật hẹp, công năng không phù hợp và gây khó khăn cho các hoạt động. Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật chưa có, nhiều tác phẩm chưa được trưng bày, vẫn phải lưu giữ, bảo quản tại kho nên chưa phát huy được giá trị.
Ngoài bảo tàng, các thiết chế văn hóa khác, như: nhà hát, trung tâm văn hóa cũng đang trong tình trạng xuống cấp. Khuôn viên nhà, đất của Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế tại số 23 đường Nhật Lệ qua thời gian dài sử dụng hiện xuống cấp trầm trọng, không đáp ứng được yêu cầu của một nhà hát nghệ thuật. Hiện nay, nhà hát chỉ đáp ứng được yêu cầu tập luyện, không thể tổ chức biểu diễn.
Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh được sử dụng trong thời gian dài, mặc dù đã được đầu tư sửa chữa nhưng xuống cấp, không đảm bảo yêu cầu sử dụng, cần được đầu tư xây dựng lại. Thư viện Tổng hợp tỉnh được đầu tư khá quy mô nhưng hiện được phê duyệt phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư theo quy hoạch sử dụng đất, sẽ phải di dời đến địa điểm mới…
Cần sớm được đầu tư
Để bảo tồn, khai thác, phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống và đương đại cùng kho tàng di sản phong phú của Cố đô Huế, quan trọng phải có sự đầu tư thích đáng về nhiều mặt, trong đó hệ thống thiết chế văn hóa là một trong những nhân tố quyết định. Thiết chế văn hóa chưa xứng tầm của một trung tâm văn hóa là trăn trở nhiều năm nay của những người làm văn hóa, các văn nghệ sĩ.
Nhà thơ Võ Quê cho rằng: “Để phát triển, đi lên trên nền tảng di sản văn hóa, tỉnh cần đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa tương xứng, nhất là hệ thống bảo tàng, trung tâm triển lãm, hội nghị... Mấy chục năm nay, hệ thống thiết chế văn hóa ở trung tâm thành phố đã xuống cấp, lạc hậu, trong khi đây là bộ mặt của một thành phố văn hóa. Vừa qua, việc Bảo tàng Văn hóa Huế bị xóa là một mất mát đáng tiếc”.
Đến nay, Thừa Thiên Huế vẫn chưa có một hệ thống thiết chế văn hóa xứng tầm, rất hạn chế, nếu không nói là thiếu, yếu và lạc hậu; tiêu biểu là hệ thống nhà hát, bảo tàng, thư viện, trung tâm văn hóa, trung tâm hội nghị quốc tế… Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Lịch sử chưa có trụ sở ổn định, nhiều hiện vật, cổ vật, tác phẩm quý chưa có nơi trưng bày để phát huy giá trị. Ca Huế được xác định là sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, nhưng một nhà hát chuyên nghiệp dành cho ca Huế cũng chưa có. Trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, điện ảnh là một trong những thế mạnh nhưng Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh quá xuống cấp, lạc hậu… Đó là chưa kể, hệ thống thiết chế cơ sở thiếu và lạc hậu.
Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị xác định rõ, Thừa Thiên Huế đi lên bằng văn hóa, di sản, ngành văn hóa rất hy vọng sẽ có sự quan tâm, đầu tư kể cả về chính sách, con người và thiết chế. Tuy nhiên, trên thực tế, đến nay gần như chưa có dự án đầu tư nào của ngành văn hóa – thể thao được đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn trong giai đoạn 2021-2025 đã được HĐND tỉnh thông qua.
Vừa qua, tỉnh đã thông qua đề án hỗ trợ đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích đã được xếp hạng (nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế) trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 với kinh phí dự kiến khoảng 267 tỷ đồng. Thế nhưng, trong kế hoạch giai đoạn 2021-2025 lại không được bố trí vốn. Một số di tích đã có kế hoạch trùng tu cụ thể, nhưng không thể triển khai vì chưa được bố trí nguồn vốn.