Văn hóa - Nghệ thuật Thông tin văn hóa Những bức ảnh xúc động kể chuyện đại dịch
Đại dịch đã cơ bản được khống chế nhưng kí ức về nó vẫn luôn ám ảnh với mọi người. Với những người thiện nguyện lao vào tâm dịch để giúp đỡ đồng bào đó là những giây phút khó quên và nếu được chọn lại họ vẫn chọn đi theo tiếng gọi con tim, lao vào chỗ hiểm nguy để cứu người.
“Đó là kí ức khó quên đối với cá nhân tôi"-ông Phan Thế (ở đường Đặng Huy Trứ, phường Phước Vĩnh, TP. Huế) – người đảm nhận việc khâm liệt những hoàn cảnh không may qua đời vì đại dịch xúc động.
Giữa dòng người đông đúc dịp tổng kết hai năm hành trình hoạt động của Hội Phản ứng nhanh 75 (PUN75), nét mặt ông Thế vẫn trầm ngâm, lặng lẽ. Người đàn ông tuổi gần 60 đi dọc theo những bức ảnh được trưng bày trong không gian tổng kết ở khách sạn Sài Gòn Morin để xem lại những “thước phim quay chậm” như vừa mới hôm qua.
Giữa rất nhiều những bức ảnh ấy, ông bắt gặp chính mình trong bộ trang phục bảo hộ y tế kín mít cùng các cộng sự đang tẩm liệm cho một hoàn cảnh không may qua đời khi đại dịch đang trong giai đoạn khốc liệt.
“Ngày thường tôi hay trợ giúp liệm cho những hoàn cảnh nghèo khó qua đời. Khi dịch tới, mấy anh em PUN75 đề nghị tôi hỗ trợ, vừa liệm những người không may mất vì dịch, vừa huấn luyện anh em công việc không ai mong muốn này”, ông Thế nhớ lại.
Thời điểm đó, cứ hễ nhận điện thoại từ PUN75, ông Thế lên đường ngay. Biết trước phải làm gì nên ông luôn chuẩn bị sẵn sàng tâm thế. “Khi đó, tôi cũng được tạo điều kiệm tiêm đầy đủ liều vắc xin để phục vụ công việc, nên ít nhiều cũng tự tin – ông Thế nói– Quy trình xử lý thi hài người mất, khâm liệm cũng theo quy định nên mình phải thực hiện nghiêm ngặt. Sau đó sẽ bàn giao cho lực lượng khác đưa vào Đà Nẵng để hỏa thiêu”.
Công việc ấy cấp bách và với tính cách thiện nguyện, lao vào chỗ nguy hiểm để giúp đồng bào đã không cho ông thời gian suy nghĩ. Ông xem đó là “trách nhiệm” của mình với bà con trong những lúc hoạn nạn. Và ông kể, có lúc bản thân phải giấu vợ công việc mình làm, cứ thế cho đến khi liệm xong người thứ 6 thì ông ngã bệnh, phải nhập viện cấp cứu do bệnh nặng.
Cũng như ông Thế, rất nhiều người đã xúc động khi xem lại những hình ảnh được nhiếp ảnh gia Trương Vững chụp lại vào thời điểm dịch bệnh vừa được giới thiệu đến công chúng. Chính nhiếp ảnh gia Trương Vững cũng là người đồng hành lao vào tâm dịch để ghi lại những khoảnh khắc đau thương.
Xem những tác phẩm ấy, ai ai cũng bảo rằng, chúng ta đã từng đi qua những ngày tháng đại dịch kinh khủng. Nhưng qua những đau thương ấy mới thấy được sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau với tình người vô cùng quý báu. Đó chẳng khác gì là sức mạnh để cộng đồng, con người vượt qua những khó khăn.
“Nhìn lại những bức ảnh của nhiếp ảnh gia Trương Vĩnh để thấy mình may mắn, để thấy tình người trong lúc hoạn nạn quý giá biết nhường nào”, anh Nguyễn Vinh nói với giọng rưng rưng sau khi xem các tác phẩm ảnh của nhiếp ảnh gia kì cựu người Huế.
Để có hơn 30 tác phẩm giới thiệu đến với người xem, nhiếp ảnh gia Trương Vững kể rằng, anh có hơn một năm cùng các anh em PUN75 đi đến nhiều nơi, nhiều thời khắc khác nhau từ sáng sớm, cho đến đêm khuya.
Ngoài những hình ảnh đau thương như hỗ trợ thân nhân của người mất tẩm liệm, là những bức ảnh hỗ trợ bà con di chuyển trên quốc lộ 1A, rồi những chuyến đưa xe đưa bà con vào khu cách ly, hỗ trợ bình oxy cho những trường hợp khẩn cấp…
Đâu đó là những nụ cười tự tin của các tình nguyện viên PUN75 hay những hình ảnh tiếp nhận hàng hóa hỗ trợ. “Những hình ảnh này chỉ là một phần nhỏ so với công sức của các anh chị em tình nguyện viên đã làm”, nhiếp ảnh gia Trương Vững trải lòng.
Bài, ảnh: N. MINH