Văn hóa - Nghệ thuật Thông tin văn hóa Tiền chưa chắc mua được
TTH - Bản hòa ca của chim chóc hay hình ảnh những cánh cò chao nghiêng trên mái phố, nó như những gam màu, những hương sắc điểm tô khiến 'bức tranh du lịch Huế' càng thêm tỏa rạng, cuốn hút…
Mấy lần có người nhà nằm viện hoặc đến khám tại Bệnh viện Giao thông vận tải - nơi mà người dân vẫn quen gọi với cái tên tiền thân quen thuộc là Bệnh viện Đường sắt, tôi đã ngạc nhiên và thú vị khi chiều chiều hàng đàn chim sẻ rủ nhau kéo về trú ngụ trong tán cây sanh mọc ngay giữa sân bệnh viện. Tiếng chim rộn ràng, ríu ran khiến cho không gian trở nên an yên dễ chịu, và cũng như là dịu đi những cơn đau, những mệt mỏi của các bệnh nhân và người nhà đang phải điều trị, chăm sóc tại bệnh viện.
Và rồi, dù không ai khiến, tôi cũng đã chủ động bắt chuyện với anh cán bộ bảo vệ và “đề đạt nguyện vọng” để họ quan tâm gìn giữ, tuyệt đối đừng cho ai vào quấy phá, đánh bắt đàn chim mà tôi nghĩ xứng đáng là tài sản độc đáo và quý giá của bệnh viện. Rất vui khi được người bảo vệ cho biết, điều đó đã được bệnh viện xác định, quán triệt từ lâu…
Từ Bệnh viện Đường sắt, lại nghĩ rộng ra về thành phố Huế. Đứng chân nơi “tọa độ” mưa nhiều, bão lắm. Xứ sở mà sự khắc nghiệt về thời tiết đã từng được ví von: Nắng thì đất hóa đá còn mưa thì đá cũng hóa bùn. Nhưng với sự cần mẫn và tình yêu cỏ cây, người dân nơi đây đã biến Huế thành thành phố có mật độ cây xanh che phủ thuộc hàng đầu trong cả nước. Quý hơn nữa, cái mật độ xanh ấy còn đang ngày mỗi được nhân lên cả về chất và lượng. Tỷ lệ thuận với cây xanh là sự trong lành của môi trường sống cũng đang ngày càng cải thiện. Và chim chóc từ đâu cũng đang lần hồi rủ nhau trở về với núi Ngự sông Hương. Không chỉ có se sẻ, chim sâu mà cả nhiều loài chim quý như sáo, vành khuyên, mỏ két, chúp mào, chích chòe, họa mi cũng đã thấy xuất hiện trên những tán xanh của công viên, trong Thành Nội, vườn trường, công sở hay thậm chí cả trên những hàng cây đường phố. Những sớm mai hay những trưa hè im vắng, tiếng những con chòe lửa, chòe than, chúp mào, họa mi… lảnh lót hòa ca khiến cho không gian Huế bỗng trở nên huyền hoặc, an yên đến nhường nào. Gần đây nữa là những đàn cò, vạc… kéo về kiếm ăn, cư ngụ. Hình ảnh những cánh chim chao nghiêng, bay lượn rợp trắng sông Hương và các mặt hồ trong Thành Nội được đăng tải và lan truyền khiến cho bao con tim cho dù có chai đá đến đâu cũng phải rung động, phải thao thức cùng miền Hương Ngự…
Đôi lúc tẩn mẩn ngồi nghĩ, bản hòa ca của chim chóc hay hình ảnh những cánh cò chao nghiêng trên mái phố, nó như những gam màu, những hương sắc điểm tô khiến “bức tranh du lịch Huế” càng thêm tỏa rạng, cuốn hút. Mà những gam màu, những hương sắc đó là vô giá, không phải có tiền mà có thể mua được. Thế nên, rất bất bình, rất phẫn nộ khi thỉnh thoảng lại thấy mấy cậu thanh niên ban đêm mang những chiếc sào dài ngoẵng với cái vợt to đùng gắn ở một đầu thọc lên những tán cây để vợt bắt những chú chim đang lúc say ngủ; hay trèo lên cây gắn những chiếc loa phát ra tiếng chim dẫn dụ, vô phúc cho chú chim nào nghe tiếng bay về ngó nghiêng tìm bạn, đến lúc bay lên thì đôi chân đã bị dính chặt vào cành cây do đã bị người ta bôi keo trước đó…
Năm ngoái, cả cộng đồng rất phấn khởi khi UBND tỉnh đã có chỉ thị cấm săn bắt các loài chim, thú hoang dã; trong đó có nội dung nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức ăn thịt chim trời... Ông Phan Ngọc Thọ, lúc ấy là Chủ tịch UBND tỉnh đã bày tỏ với các cơ quan báo chí về mục đích của việc ban hành chỉ thị, đó là để hạn chế đến mức thấp nhất và tiến tới chấm dứt tình trạng săn bắt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật rừng, các loài chim trời; từng bước xây dựng Huế trở thành đô thị với những lâm viên xanh, là nơi trú ngụ an toàn của các loài chim thú, tạo sức hấp dẫn cho du khách và cộng đồng. Rất tâm huyết và rất tuyệt vời. Tuy nhiên, việc chấp hành chỉ thị xem chừng vẫn còn khá hạn chế khi mà nhưng hình ảnh phản cảm như chúng tôi vừa kể thình thoảng vẫn còn bắt gặp giữa phố thị; khi mà mới đây, lực lượng chức năng đã thu giữ, tiêu hủy hàng ngàn que nhựa dính, hằng trăm con cò giả dùng để săn, bẫy chim trời (!)
Thừa Thiên Huế đang nỗ lực để phát triển theo hướng đô thị di sản, cảnh quan và thân thiện môi trường. Cả cộng đồng cũng đều đang phấn chấn ủng hộ chính quyền để làm cho Huế ngày càng xanh, sạch, sáng; làm cho Huế lung linh rực rỡ với 4 mùa hoa và mai vàng trước ngõ… Và việc bảo vệ đàn chim trời để chúng được an toàn, được thỏa thuê bay lượn, hát ca dưới vòm trời Huế, vì thế cũng là khát khao, mong mỏi của rất nhiều người.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/tien-chua-chac-mua-duoc-a106648.html