Văn hóa - Nghệ thuật Thông tin văn hóa Xóm Huế ở rừng Trà My
Nói là xóm nhưng tập trung chủ yếu ở thị trấn Trà My, rồi nằm rải rác ở thôn Lâm Bình Phương, xã Trà Sơn, lại có mấy nhà ở xã Trà Giang kế bên. Nhưng bà con sở tại và chính người Huế ở thị trấn này của huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), như thể mặc định là họ không tách rời, tất cả đều… gom lại là xóm Huế.
Tôi tưởng ông Hồ Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng hương Huế ở đây, là người Huế đầu tiên bộ hành vào xứ núi heo hút này, nhưng hóa ra là nhầm. “Mô, tau đi sau…”, ông Hòa cười khà khà. Ông Hòa gốc phường Xuân Phú ở đường Nguyễn Lộ Trạch. Năm 1979, tốt nghiệp Trường ĐH Nông Lâm, mang tấm giấy giới thiệu nhiệm sở vào Trà My làm việc ở phòng nông lâm của huyện, ông đâu ngờ đời mình “đóng đinh” đến chừ, khi đã gần 70, và nói như ông “tau muốn về quê chứ, nhưng con cái ở quanh, thôi, coi như một đời cũng xong”. Thì xong, khi chốn an cư hiện tại, nếu gợi cảm xúc bình yên cho mình, thì đâu cũng là quê hương. Đi làm rồi dạy cho trường lâm nghiệp huyện, con cái đứa làm phòng lao động huyện, đứa làm dầu khí ở TP. Hồ Chí Minh, vợ chồng già với vườn tược mênh mông đủ loại cây trái, heo, gà, sống an vui, thậm chí dư giả tuổi già, thì thiên di làm chi cho mệt. “Ừ, rứa được rồi, mà để tau dẫn mi đi gặp con bà Sen, bả là… tiền hiền khai khẩn xóm Huế tau đó”, ông khoe!
Bà Sen đã mất. Ông Trần Minh Mãn (ngụ tổ Đồng Bào, thị trấn Trà My), con lớn của bà nhớ lại: “Sau giải phóng mô được 6-7 tháng, nhà tôi có ông anh làm công nhân trên ni nhắn về nói là làm ăn được, vô thử. Mẹ tôi vô trước dò tình hình, rồi mẹ con tất cả 8 người bồng bế, rời quê ở Phú Lương, Hương Thủy vào. Chính gốc nhà tui ở Lộc Điền, nhưng chạy lên Phú Lương thời gian ngắn. Tôi, lúc đó 15 tuổi theo mẹ đi làm rẫy, mua giày dép đổi lấy gạo, sắn ở Trà Bui bây chừ…”.
Ông ngả người ra ghế, như vừa nhớ lại về cố xưa ký ức của một thời cực khổ khôn xiết. Phận tha hương cầu thực, có ai sướng đâu, nhất là khoảng thời gian đó, cả nước chìm trong khốn khó. Tranh tre nứa lá, bà con xúm lại dựng giùm nhà trên đồi hoang. Cỏ, rắn, muỗi, thú vật ở chung với người. Vợ ông là người ở Vinh Hà, Phú Vang. Người Lộc Điền vốn giỏi làm nghề cá, nên sau đó ông chuyển nghề, bắt đầu lênh đênh trên sông Trường, sông Tranh. Chồng đánh bắt, vợ mang đổi lúa, gạo. Ông bấm đốt ngón tay: “12/40 hộ gốc Huế ở đây là làm cá đó. Chính sông nước ở đây nuôi tụi tôi. 30 năm ròng rã làm cá, chỗ mô trên hai sông nớ có ghềnh, vực, tôi biết hết. Ôi thôi, kể chi hết cực khổ của lốc, xoáy bất thần, rồi lũ quét, nước dâng. Rứa mà trời thương kẻ khổ rồi ráng làm ăn, tụi tôi vượt qua hết”.
Qua hết rồi những ngày tháng chông gai. Hỏi để nhắc và nhớ một đoạn đường đời mang mùi, màu của nước mắt và mồ hôi lặn vào trong. “Ừ, nhớ lại mà sợ, tay trắng vợ chồng tôi nuôi bầy con 5 đứa, con trai lớn đang dạy ĐH Khoa học Huế, con gái đi dạy và có chồng ở Đà Nẵng, đứa làm bưu điện huyện, con bé sau vừa tốt nghiệp sư phạm chưa đi làm, còn thằng ni - ông chỉ vào cậu con trai đứng cạnh - vừa học nghề ở Đồng Nai mới ra trường…”. Giọng ông bình thản mà như cố nén, gương mặt giãn ra, vẻ mãn nguyện chân chất của một đời cúi xuống nhọc nhằn phận người, phận làm cha mẹ.
Ông Hồ Ngọc Hòa nói rằng, ông Mãn đây nổi tiếng cả huyện, ai cũng biết. “Thì tôi nghe họ nói: Ai ở Trà My giỏi bằng ông Mãn - giọng đều đều như thế chẳng có chi phải đắc ý - lớn tuổi nên 10 năm qua tôi chuyển qua làm ghe để bán”. Ông vỗ tay vào mạn sườn chiếc ghe tôn. “Ai bày chú làm?”, tôi hỏi. “Có ai bày mô. Tôi để ý họ làm rồi về tự làm thôi. Làm nghề ghe phải hai người, nhưng tôi làm một mình. Định mở công ty để làm ghe lớn đó, nhu cầu có mà, đất làm xưởng tôi có thiếu đâu, nhưng để tính…”. “Chú có hay về quê không?”. “Mình là đích tôn mà, một năm thì 5-6 dạo về Lộc Điền lo lễ lạt. Già rồi, muốn về quê, nhưng con cái lớn ở đây hết…”.
Dân Huế hễ xa quê thì lắm người thành đạt. Đó là lời bạn tôi, một dân Huế cố cựu giờ đã xa xứ, tổng kết. Tôi không biết, nhưng nghe ông Hòa, ông Mãn nói, hầu hết bà con ở Bắc Trà My này với chừng 100 khẩu đều vững vàng kinh tế, con cái thành đạt, nổi tiếng học giỏi xứ này, với một loạt cử nhân, bác sĩ, giáo viên rải đi khắp nơi, thì đó là chỉ dấu của một đời cần lao, ý chí sắt đá quyết đổi đời của con nhà khó. Điều đó tôi đã thấy trong mắt ông Mãn và nụ cười ông Châu Văn Ngọ. Một chiếc bàn cũ chi chít dấu hằn, ngổn ngang kìm, búa, đục, khuy, vây quanh là giày dép cái lành cái đứt, rồi mũ bảo hiểm hư, xoong nồi méo… Gia sản ông Ngọ đó. Chỗ ông ngồi… hành hiệp là chiếc dù lớn che đủ một góc bên hông chợ Bắc Trà My. Gác vào chiếc bàn là một cây nạng. Chiến tranh đã lấy của ông chân trái. “Răng chú biết làm nghề ni?”. “Sư phụ tôi là người Thái Nguyên, 35 năm trước thấy tôi cực quá, ổng truyền nghề cho, rứa là làm tới chừ”. “Năm 1977, tôi vô đây với bà chị. Bà con dẫn đi làm lưới, chứ tôi quê Thủy An, Hương Thủy có biết sông nước mô, nhưng chân đau quá, tôi chuyển qua làm cái ni, làm miết tới chừ”. Ông bỗng cười xòa : “Mấy cô bác sĩ ở bệnh viện huyện ra đây sửa giày, dép, tôi nói mấy chị là bác sĩ có kìm, đục, kéo, thì tôi cũng là bác sĩ giày dép, phụ tùng y chang”. “Ủa, mà chú rứa, cô ưng chú là răng hè?”. “À - ông cười. Gặp thì tôi nói thiệt, là tui ri, ưng khổ ráng chịu. Rứa mà bả ưng, chắc bả khôn, chân cẳng ri thì đừng hòng mà tung hoành được… Thôi, chuyện cũ kể không hết đâu. Chừ 6 đứa con đứa nào cũng thành đạt rồi, thiệt đời tôi có muốn chi hơn đâu, rứa là mãn nguyện rồi…”.
Mắt ông bỗng ậng nước. Tôi nghe như có gió thổi từ sông Tranh, sông Trường thổi trên gương mặt người đàn ông 68 tuổi. Đất thương người nghèo quyết chí an cư, sống hiền hòa, biết phận mình và luôn đi về nẻo thiện, khi trong khởi thủy đất trời bao giờ cũng sẵn lòng hiếu sinh. Tôi hỏi ông Mãn rằng, bà con ở đây có ai xung đột với người địa phương không, thì ông nói rằng không hề có, chẳng ai phân biệt ngụ cư hay cố cựu. Dân đâu cũng là dân. Còn bà con Huế ở đây thì sao? Ông Hồ Ngọc Hòa nói : “Chúng tôi có hội đồng hương, biết nhau hết, gắn chặt lắm. Cuối năm là dân Huế họp, tổng kết, trao giải thưởng cho học sinh đứa mô học giỏi, thăm đau, tang chế, không sót ai hết, hỗ trợ nhau lúc khó khăn”. Ông Mãn xen vào: “Hay lắm nghe, có mấy người ở mô không biết, tới đây, xưng là gốc Huế, xin vô hội…”.
Bà vợ ông Hòa là gốc Quảng Nam, nhưng lớn lên ở TP. Hồ Chí Minh, về đây đi dạy, nên nghĩa vợ chồng, mấy chục năm ở Trà My vẫn nói giọng Nam bộ, xoa tay vẻ có lỗi khi tiễn khách: “Không trúng mùa sầu riêng, chứ không thì biếu anh em làm quà, thôi hẹn gặp lại…”.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/xom-hue-o-rung-tra-my-a109288.html