Văn hóa - Nghệ thuật Vườn mẹ trong lành

Tôi về với mẹ. Khu vườn đã vắng ba, song còn đó những cây đào ba trồng, vườn trước vườn sau mỗi xuân về đều trổ hoa. Có cây vươn cành qua thành, chìa ra đường lộ. Lá đào ngày hè chị và mẹ lâu lâu lại hái nấu nước gội đầu rất thơm. Chợt thấy quả xoài mẹ đặt trên dĩa. Tôi à lên, xoài của ba đây! Cây xoài là kỷ niệm giữa ba và mẹ.

Một người học trò của ba mang quả xoài lớn từ trong Nam ra làm quà biếu thầy mình, mẹ lấy hạt xoài đó gieo vào lòng đất, bây giờ thành cây xoài vươn cao cạnh cây mãng cầu Xiêm. Mùa đầu tiên cho trái ngọt, chua thanh. Mẹ nói cả thảy được 45 quả, sáng nay mẹ hái quả thứ hai cuối, tức trên cây chỉ còn một quả. Tôi liền ra ngóng lên và chụp hình làm kỷ niệm. Nhớ ba… Cả cây ổi gần giếng nữa, đã mấy mươi năm, thân gãy, giờ nhánh mọc lên thành một cây khác. Hồi còn nhỏ, anh em tôi được giao ra sông lấy bùn về đắp lên gốc ổi. Cây đào lớn nhất nằm ngay ở con đường ngõ đi vào, nó sống với ba lâu lắm rồi, sống với anh em chúng tôi từ hồi còn học phổ thông.

Mẹ hái từ vườn một mớ rau đủ loại. Mẹ nói sáng nào cũng có rau nấu với mì tôm, lúc thì với miến. Tôi thấy một bụi mơ lông non mởi, đọt vươn lên dưới nắng sớm liền hái cùng lá đinh lăng, lá tía tô, ăn với mì tôm mẹ nấu ngọt lịm. Tôi thích cái bát nhôm, cái dĩa sứ hình con cá chép trong lòng sót lại từ mấy mươi năm, thích cái hũ, cái chum thời bà nội để lại, thích bộ ấm chén rạn nứt còn để dưới chân giường vàng quạch. Quý hơn nữa là hai cái cối đá, một to một nhỏ còn úp nơi góc sân, gợi lên cả một thời kham khó.

Ngày ấy, mẹ đạp xe đi đong khoảng một tạ lúa trên chợ xa, anh em tôi đi học về sớm là đạp chiếc xe nam đi ngước. Ba thì cứ khoảng tuần lại cọc cạch mười lăm cây số mua khoai về ăn sáng và hấp chêm vào nồi cơm trưa tối. Khoai dong, khoai lang, sáng nấu chung một nồi lớn, thêm chút muối. Ngày trời nắng đã nhọc nhằn, trời mưa trơn trượt, giá lạnh mà áo không đủ ấm, mưa gió tạt ngang những đoạn đường đồng trống hai bên, thương mẹ thân gầy…

Nhưng làm hàng xáo chủ yếu vào mùa hè, mẹ được nghỉ dạy. Trưa về, ăn cơm xong nghỉ chút là chúng tôi trút lúa vào cối xay, bắt đầu thay nhau cầm cán vừa đẩy, vừa kéo tạo nên một vòng tròn. Xay lúa thủ công, lúa còn nhiều và gạo không trắng, nên tiếp theo cho vào cối lớn giã. Giã xong hết rồi, chị và mẹ mới ngồi lại sàng, sảy để vớt lúa, phần gạo còn phải dần để cho sạch cám. Cám và chỗ lúa lộn thì làm thức ăn nuôn lợn gà. Đến khoảng nửa chiều mẹ đạp xe đi chợ bán gạo, mua về chút đồ ăn. Còn phần tấm để dành, thường mẹ nấu trước lúc đi ngủ, ủ nồi vào trong tro bếp, sáng ra cháo đặc lại xắn vào chén ăn ngon không tả được trong thời đói kém.

Trở về quê ngồi ở bậu cửa nhìn ra hai cái cối trước vườn mà khung cảnh hồi xưa hiện về như phim. Ngôi nhà tranh chỗ vách nứa, chỗ vách đắp bùn nhồi với rơm, nền nhà cũng bằng bùn của lòng sông quê, lâu ngày phẳng lì, mùa hè nằm mát lạnh. Mẹ nói, hai cái cối ấy là kỷ niệm ai mua mấy cũng không bán. Tôi múc nước từ giếng lên chùi rửa cho sạch. Ký ức bám bụi tưởng phai mờ giờ bỗng sáng trưng như ánh nắng chiếu vào khu vườn của ba mẹ, trong và huyền ảo lạ lùng.

NHỤY NGUYÊN

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/vuon-me-trong-lanh-a74532.html