Văn hóa phương Tây và mặt trái thị trường ảnh hưởng đến quan hệ thầy - trò
Phó Giáo sư Trần Văn Thức cho rằng hiện có rất nhiều ý kiến cho rằng văn hóa ứng xử học đường ở nhiều nơi chưa được coi trọng.
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo Giáo dục 2021: “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức vào ngày 21/11, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thức – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã có bài tham luận “Văn hóa học đường từ các mối quan hệ trong nhà trường”.
Theo nhận định của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thức – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, một số nhà trường chỉ tập trung vào việc dạy kiến thức tự nhiên, xã hội mà chưa chú trọng đúng mức đến việc giáo dục nhân cách sống cho học sinh, sinh viên. Thực tế cho thấy, trong môi trường học đường, nơi văn hóa được coi trọng, được xây dựng và phát huy vẫn còn có nơi diễn ra những điều thiếu văn hóa.
Khi bàn về mối quan hệ về thầy và trò, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thức nhận định: “Ở giai đoạn nào, xã hội cũng coi trọng việc học hành, đặc biệt, xã hội càng phát triển thì việc học của con em luôn được đặt lên hàng đầu để mỗi trẻ khi lớn lên vừa lập thân, vừa lập nghiệp. Tuy nhiên, trong những năm qua, sự du nhập của văn hóa phương Tây và mặt trái của cơ chế thị trường đã ảnh hưởng không nhỏ tới mối quan hệ giữa thầy và trò.
Môi trường học đường hiện nay được ví như một xã hội thu nhỏ với nhiều mối quan hệ đan xen phức tạp, nhiều tệ nạn như ma túy, cờ bạc, cá độ bóng đá, bạo lực… đã len lỏi vào trong môi trường giáo dục. Không ít các chuẩn mực, giá trị, niềm tin văn hóa truyền thống của nhà trường đã bị thay đổi, nhiều hành vi thiếu văn hóa của học sinh và giáo viên thỉnh thoảng vẫn xảy ra trong môi trường học đường.
Hiện có rất nhiều ý kiến cho rằng văn hóa ứng xử học đường ở nhiều nơi chưa được coi trọng.
Một số nhà trường chỉ tập trung vào việc dạy kiến thức tự nhiên, xã hội mà chưa chú trọng đúng mức đến việc giáo dục nhân cách sống cho học sinh, sinh viên. Thực tế cho thấy, trong môi trường học đường, nơi văn hóa được coi trọng, được xây dựng và phát huy đâu đó vẫn còn diễn ra những điều thiếu văn hóa.
Thầy Trần Văn Thức cũng nêu ra thực trạng tôn trọng của phụ huynh học sinh đối với thầy cô giáo: “Sự tôn trọng của học trò, cha mẹ học trò và xã hội với thầy cô giáo cũng có nhiều thay đổi.
Một phần là do nhiều bậc cha mẹ cho rằng trách nhiệm dạy bảo con em họ là do xã hội giao phó, người thầy phải thực hiện, họ trả học phí để thầy cô dạy.
Một phần là do có một số thầy, cô giảm sút đạo đức nhà giáo, không thực sự gương mẫu trong lối sống, sa vào những chuyện tiêu cực, cá biệt có thầy cô còn xúc phạm nhân phẩm, xâm hại học sinh, bị dư luận lên án.
Tất cả những điều đó đã làm xấu đi hình ảnh người thầy, người cô mẫu mực, mô phạm một thời của ngành giáo dục.
Xu hướng đổi mới “Dạy học lấy học sinh làm trung tâm” đã đặt học trò lên vị trí chủ thể của giáo dục. Người thầy giờ đây chỉ là người hướng dẫn, gợi mở, dẫn dắt học sinh trên con đường tìm kiếm tri thức. Mối quan hệ thầy - trò trở thành mối quan hệ song hành, dân chủ và không còn sự quyền uy, áp đặt như trước nữa.
Học sinh, sinh viên không những được tự do tranh luận, trao đổi với nhau, mà còn tranh luận với cả thầy, thậm chí, chất vấn lại thầy, đòi hỏi thầy trả lời những câu hỏi do mình đặt ra.
Ở mặt nào đó, đây là một sự tiến bộ tích cực, thể hiện tính nhân văn, dân chủ, bình đẳng trong quan hệ thầy - trò, thúc đẩy tính năng động, tích cực của học sinh, tránh được sự thụ động, áp đặt một chiều từ phía người thầy.”
Trong bài tham luận, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thức cũng đã bàn đến mối quan hệ giữa trò với trò, nhà trường với trò…
“Có thể nhận thấy các mối quan hệ chính là cơ sở để hình thành văn hóa học đường trong mỗi nhà trường, nên mục tiêu xây dựng văn hóa học đường chính là xây dựng môi trường”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa nhận định.
Xây dựng văn hóa học đường là xây dựng nền nếp, kỉ cương, dân chủ trong các hoạt động ở nhà trường, xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp trong nhà trường theo các chuẩn mực chung của văn hóa và các quy định riêng của ngành giáo dục. Xây dựng văn hóa học đường còn là yếu tố then chốt để phát triển các nhà trường.
Văn hóa học đường lành mạnh, tích cực sẽ là yếu tố thuận lợi để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phòng ngừa các hành vi lệch chuẩn, tạo động lực cho cả người dạy và người học.
Nêu ra các giải pháp, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thức cho rằng:
Để làm tốt điều này, đòi hỏi các nhà trường phải hoàn thiện các văn bản về quy định, quy chế ở mức tốt nhất, phù hợp thực tiễn phát triển; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên và gia đình học sinh, sinh viên về sự cần thiết của việc xây dựng văn hóa học đường trong giai đoạn hiện nay; nâng cao năng lực giáo dục văn hóa ứng xử cho cán bộ quản lý, giáo viên và các lực lượng giáo dục khác; phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa, lành mạnh, thân thiện cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên nhằm tạo sự chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa trong nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nhằm hướng tới một môi trường sư phạm lành mạnh, thân thiện, tích cực và hướng tới sự phát triển bền vững.