Văn hóa sáng tạo Trung Quốc trong đời sống du lịch Vũ Hán
Tại Trung Quốc, văn hóa sáng tạo đã trở thành một lĩnh vực được định hướng phát triển chiến lược trong quy hoạch quốc gia.

Gian hàng của Trung tâm văn hóa sáng tạo Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc thu hút đông đảo khách tham quan ghé thăm và mua sắm. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Ngành văn hóa sáng tạo (Cultural and Creative Industries–CCI) là khái niệm chỉ việc ứng dụng các yếu tố văn hóa, truyền thống, di sản vào các sản phẩm, dịch vụ hiện đại nhằm tạo ra giá trị kinh tế, đồng thời làm lan tỏa bản sắc văn hóa đến đông đảo công chúng.
Trong “Kế hoạch 5 năm phát triển công nghiệp văn hóa lần thứ 14” (2021–2025), Trung Quốc khẳng định hoàn thiện chính sách về phát triển sản phẩm văn hóa sáng tạo tại các đơn vị văn hóa – di sản…Thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, phát thanh truyền hình, văn hóa sáng tạo và dịch vụ thiết kế, xuất bản, hoạt hình, bảo tồn – khai thác di sản văn hóa, di sản phi vật thể. Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “biến di sản thành sản phẩm sống động”, khuyến khích các điểm du lịch, bảo tàng, khu di tích địa phương phát triển các mô hình sáng tạo gắn với bản sắc địa phương.
Tại tỉnh Hồ Bắc – cái nôi của nhiều huyền thoại và di tích lịch sử lâu đời, văn hóa sáng tạo đang len lỏi vào từng không gian du lịch, từ các gian hàng lưu niệm nhỏ nhất cho đến những sân khấu tái hiện truyền thuyết. Thành phố Vũ Hán là một điển hình cho cách tư duy này, nơi mà di sản không nằm yên trong tủ kính, mà sống động trong từng trải nghiệm.
Lịch sử trên móc khóa: Văn hóa sáng tạo bắt đầu từ những chi tiết nhỏ
Tại bảo tàng tỉnh Hồ Bắc ở thành phố Vũ Hán, không khó để bắt gặp những món quà lưu niệm được thiết kế dựa trên hình ảnh các hiện vật lịch sử đặc trưng, chủng loại và hình thức vô cùng phong phú, đa dạng. Từ móc khóa mô phỏng hình dáng chuông đồng thời Chiến Quốc, miếng dán tủ lạnh in họa tiết cổ đại, đến món đồ lấy cảm hứng từ linh thú trong lăng mộ hay thanh kiếm Việt Vương Câu Tiễn... Tất cả đều không chỉ là món đồ lưu niệm để sưu tầm, trưng bày trong tủ, mà còn là “một cách cầm nắm lịch sử bằng tay”.
Đây là dạng thức đơn giản nhất của văn hóa sáng tạo, nhưng lại rất phổ biến và hiệu quả, đặc biệt với khách du lịch trẻ tuổi. Những vật phẩm này góp phần “gọi tên lịch sử” trong đời sống thường ngày một cách nhẹ nhàng, gần gũi.

Thanh kiếm Việt Vương Câu Tiễn được trưng bày tại bảo tàng trở thành cảm hứng của rất nhiều sản phẩm văn hóa sáng tạo tại bảo tàng Hồ Bắc. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Chị Thiên Thư, một du khách đến từ Bắc Kinh, chia sẻ: “Tôi rất thích mua các sản phẩm văn hóa sáng tạo khi tham quan du lịch. Lần này đến Bảo tàng Hồ Bắc, tôi đã mua một món đồ chơi mô phỏng kiếm Việt Vương Câu Tiễn. Con gái tôi không thể cùng đi, nhưng tôi muốn cháu cảm nhận được sức hấp dẫn của thanh kiếm này. Qua món đồ chơi, cháu có thể quan sát hình dáng và các đặc trưng trong chế tác của thanh kiếm, điều này mang ý nghĩa giáo dục rất lớn”.

Thanh kiếm Việt Vương Câu Tiễn được trưng bày tại bảo tàng trở thành cảm hứng của rất nhiều sản phẩm văn hóa sáng tạo tại bảo tàng Hồ Bắc. Đây cũng là sản phẩm bán chạy nhất. Ảnh: ifeng.com
Chị Thiên Thư chia sẻ thêm, so với sách giáo khoa hay triển lãm, sản phẩm văn hóa sáng tạo mang hình ảnh sống động, thời thượng hơn. Khi lấy cảm hứng từ các hiện vật, các sản phẩm này còn nhấn mạnh rõ đặc điểm chính, từ đó dễ nhận biết hơn khi xem hiện vật. Các hoạt động văn hóa sáng tạo cũng có nhiều phần tương tác, sinh động và hấp dẫn hơn so với cách học qua đọc hoặc nghe giảng đơn thuần.
Cổ Cầm Đài: Khi trà sữa mang hồn nhạc cổ
Tại khu di tích Cổ Cầm Đài – nơi gắn liền điển tích tri kỷ giữa Bá Nha và Tử Kỳ, văn hóa “tri âm” (thực sự hiểu tiếng lòng qua âm nhạc) cũng như truyền thống âm nhạc cổ đại Trung Quốc, văn hóa sáng tạo đã được nâng lên một tầm cao mới: kết hợp giữa âm nhạc, công nghệ và trải nghiệm.

Với sự hỗ trợ của công nghệ, du khách có thể chơi một bản nhạc hoàn chỉnh bằng cây cổ cầm điện tử. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Tại đây, khách tham quan cũng có thể thuê cổ trang, tạo dáng bên cây cổ cầm và chụp ảnh “check–in”, nhưng đặc sắc nhất chính là quán trà “Văn hóa sáng tạo” nằm ngay trong khuôn viên. Tại đây, các loại trà được đặt tên gợi cảm theo ngôn ngữ âm nhạc như “Cầm Âm” (tiếng đàn), “Tâm Huyền” (dây đàn tâm hồn), “Cộng Minh” (cộng hưởng)...

Khách thăm quan mua trà, quét mã QR và thưởng thức trà trong âm thanh cổ cầm, đồng thời không quên chụp ảnh “check–in” với ly trà sữa và món quà lưu niệm mang hình dáng cổ cầm. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Đặc biệt, mỗi ly trà đều có mã QR – khi quét sẽ dẫn người dùng đến trang web phát nhạc cổ cầm. Người uống trà có thể vừa nhâm nhi hương vị, vừa thưởng thức âm nhạc cổ, tái hiện tinh thần thư nhàn phong lưu của giới trí thức xưa.
Hoa Mộc Lan – Hoa Sắt: Sáng tạo kỳ công từ huyền thoại đến biểu diễn nghệ thuật
Tại Khu phố không ngủ Hoa Mộc Lan (thuộc quận Hoàng Bi, thành phố Vũ Hán), một không gian văn hóa sáng tạo đặc sắc bậc nhất đã hình thành – không chỉ để “check–in”, mà để sống trong truyền thuyết.
Khu vực sân khấu ngoài trời tại trung tâm khu phố luôn thu hút du khách tập trung đông nhất. Tại đây, người xem được thưởng thức vở diễn “Mộc Lan thay cha tòng quân”.
Theo truyền thuyết, Hoa Mộc Lan sống vào thời Bắc Ngụy. Khi xảy ra chiến tranh, vì người em trai còn quá nhỏ để đi lính còn cha nàng thì đã già yếu, nên Hoa Mộc Lan đã thay những người đàn ông trong gia đình ra chiến trường, thực hiện nghĩa vụ đi lính.

Khu vực sân khấu chính với vở kịch "Mộc Lan thay cha tòng quân" trở thành tâm điểm thu hút du khách. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Phần biểu diễn mà khán giả mong chờ nhất nằm ở cuối vở kịch, khi Mộc Lan đánh thắng giặc trở về, để chào đón nàng, dân làng đã nghĩ ra cách ăn mừng đặc biệt, đó là nung sắt nóng chảy ở 1.600 độ và dùng gáo múc tung lên bầu trời, tạo nên màn “pháo hoa sắt” rực rỡ, hoành tráng. Biểu diễn pháo hoa sắt (đả thiết hoa) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Trung Quốc vào năm 2008.

Sắt được nung nóng ở nhiệt độ lên tới 1.600 độ C biến thành chất lỏng, được tung lên bầu trời bằng kỹ thuật đặc biệt để tung xòe như bông hoa rực rỡ. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Điều đáng nói ở chỗ, truyền thuyết Hoa Mộc Lan và nghệ thuật “pháo hoa sắt” vốn không liên quan trong lịch sử, nhưng theo ông Cát Thiên Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty thắng cảnh Hoa Mộc Lan, chính sự kết hợp sáng tạo này đã tạo nên chiều sâu mới mẻ và lay động.
“Ngày nay có pháo hoa để chúc mừng lễ hội, xưa kia có “pháo hoa sắt” – nghi lễ cầu quốc thái dân an, phú quý cát tường. Chúng tôi kết hợp pháo hoa sắt để tái hiện cảnh Mộc Lan chiến thắng trở về, nhằm truyền tải thông điệp: dẫu gặp trở ngại, hãy kiên cường tiến bước, không lùi bước… Việc kết hợp này là sự sáng tạo hiện đại, đặt trên nền tảng thị giác mạnh và thông điệp mang tính biểu tượng”, ông Cát Thiên Tài nói.
Khi sáng tạo là cách để lịch sử bước ra từ sách vở
Ông Dương Bác Trí, Phó tổng thư ký Hiệp hội du lịch thành phố Vũ Hán cho biết, chính quyền Thành phố Vũ Hán, đặc biệt là Sở Văn hóa và Du lịch, rất coi trọng và tích cực hỗ trợ phát triển ngành văn hóa sáng tạo. Một loạt chính sách đã được ban hành nhằm thúc đẩy đổi mới, nuôi dưỡng thương hiệu bản địa và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ông cho biết thêm, văn hóa sáng tạo là động lực kinh tế mới, phương tiện làm sống dậy di sản truyền thống và là không gian phát triển của giới trẻ tại một thành phố đại học như Vũ Hán.
Những ví dụ từ Vũ Hán cho thấy văn hóa sáng tạo không chỉ là công cụ phát triển du lịch hay kinh tế, mà còn là một phương thức giáo dục mềm mại, giúp lịch sử, di sản và những giá trị truyền thống không bị rơi vào quên lãng giữa nhịp sống hiện đại.
Việc tái hiện truyền thuyết, đưa hiện vật vào đời sống thường nhật, hay sáng tạo nên những trải nghiệm thị giác ấn tượng từ biểu tượng xưa… đều đang góp phần thắp sáng ký ức văn hóa trong tâm trí thế hệ trẻ.
Lịch sử vì thế không còn nằm yên trên trang giấy, mà trở nên sống động, gần gũi – để được “sống cùng” chứ không chỉ “học thuộc”. Văn hóa, như một thực thể có linh hồn, có nhịp đập – nhờ sáng tạo mà có thể hồi sinh cái cũ, làm nảy nở điều mới.