'Văn hóa soi đường' và tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa
Sách 'Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi' chọn lọc một số bài viết, bài phát biểu, bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm định hướng xây dựng nền văn hóa nước Việt Nam.
“Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận”; “Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, do vậy cần phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. “Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế”...
Đó là một trong số nhiều câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở nên quen thuộc với các thế hệ người Việt; đồng thời là kim chỉ nam cho các lĩnh vực văn hóa.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa
Mới đây, các bài viết, bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa đã được tuyển chọn trong cuốn sách Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Sách phát hành nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024).
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật thực hiện cuốn sách để tri ân, ghi nhớ những đóng góp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam độc lập, tự chủ, sánh vai cùng với các quốc gia khác trên thế giới.
Cuốn sách cũng cho thấy vai trò của tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị to lớn, định hướng cho công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam hiện nay.
Nội dung sách gồm bốn phần, là những bài viết, bài phát biểu, bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa. Đây là những định hướng xây dựng văn hóa, đồng thời là chỉ dẫn cụ thể về các lĩnh vực như: văn hóa nghệ thuật, báo chí, xuất bản; đạo đức, lối sống, thực hành đời sống mới; cách tuyên truyền, huấn luyện, cách nói, cách viết; giáo dục nền văn hóa mới; nâng cao kiến thức văn hóa cho nhân dân.
Bạn đọc có thể tìm thấy trong sách tư tưởng của Người về văn hóa: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng”. Người khẳng định: "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi".
Lĩnh vực văn hóa giáo dục, Người cho rằng những giáo viên “chịu cực khổ khó nhọc, hy sinh phấn đấu, để mở mang tri thức phổ thông cho đồng bào, để xây đắp nền văn hóa sơ bộ cho dân tộc” là những “anh hùng vô danh” của đất nước.
Với báo chí, xuất bản, Người yêu cầu cán bộ viết báo và xuất bản cần “phải có lập trường vững vàng: ta, bạn, thù thì viết mới đúng”. “Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu".
Những câu hỏi mà Người đặt ra như: “Viết cho ai xem?”, “Viết để làm gì?”, “Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc?” đã trở thành định hướng cho mỗi người cầm bút.
Cơ sở nền tảng để phát triển văn hóa
Những tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa đã trở thành cơ sở, nền tảng cho Đảng, xây dựng đường lối phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy vai trò và nguồn lực văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Sách cũng là tài liệu giá trị, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ những giá trị cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa.
Đây cũng là cẩm nang để mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng phấn đấu, rèn luyện, học tập đạo đức, văn hóa, góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, tự hào về truyền thống dân tộc, khát vọng xây dựng đất nước văn minh, giàu mạnh và anh hùng.
Nguồn Znews: https://znews.vn/van-hoa-soi-duong-va-tu-tuong-ho-chi-minh-ve-van-hoa-post1474495.html