Văn hóa sống: Một khi tư tưởng thông

Thế nào là dân vận khéo, Bác Hồ đã chỉ bày rất rõ: 'Bất cứ việc to, việc nhỏ, chúng ta phải xét rõ và làm cho hợp trình độ văn hóa, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm tranh đấu, lòng ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng. Do đó mà định ra cách làm việc, cách tổ chức. Có như thế, mới có thể kéo được quần chúng'. Qua những lời chỉ bày trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ai cũng hình dung về cách thức dân vận khéo là phải rất linh hoạt, cụ thể sát với thực tế, hợp với đối tượng. Nhìn vào phong trào thi đua dân vận khéo tại Bình Thuận trong 10 năm qua, thấy một điều nổi bật có thể ví von là ở đó như một vườn hoa có cả hàng ngàn hoa đua nở. Nói chính xác, tính đến cuối năm 2019, theo báo cáo của Ban Dân vận Tỉnh ủy đã có 4.662 mô hình tập thể và cá nhân được các cấp, các ngành triển khai xây dựng gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Qua đó nổi lên nhiều cách làm hay, sáng tạo, có địa chỉ cụ thể và đạt hiệu quả thiết thực trên nhiều lĩnh vực.

Văn hóa sống

Nói “Dân vận khéo” trong kinh tế, người ta nghĩ ngay đến chuyện giúp nhau trong sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng trang trại, phát triển làng nghề… Và cụ thể nhưng cũng lan tỏa rộng là hành trình xây dựng nông thôn mới với việc huy động nhiều nguồn lực của các thành phần kinh tế và trong nhân dân, thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Còn trong chính trị - xã hội, an ninh quốc phòng, “Dân vận khéo” nổi bật với việc huy động các tổ chức, cá nhân đóng góp, từ thực hiện các chính sách an sinh xã hội, quan tâm đến hội viên, ổn định cộng đồng cho đến đồng lòng xây dựng các mô hình bảo vệ cuộc sống nhân dân bình yên. Hàng loạt mô hình “Dân vận khéo” với những cái tên quen thuộc như “tổ phụ nữ hùn vốn”; “nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, phong trào “5 không, 3 sạch”; “Khu dân cư bình đẳng, ấm no, hạnh phúc”, “Thu gom rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường”, “Làm đường giao thông nông thôn”, “Khu dân cư phòng, chống, tội phạm”, “Tổ quần chúng tự quản về an ninh trật tự”, “Tộc họ tự quản về an ninh trật tự”... hiện tại vẫn đang hoạt động trơn tru như những gì cuộc sống có nhu cầu phải thế.

Theo nhận định của Ban Dân vận Tỉnh ủy, đa số các mô hình tập thể, cá nhân được xây dựng trong phong trào “Dân vận khéo” của 10 năm qua đều hoạt động có hiệu quả. Chỉ có một số ít mô hình sau thời gian ngắn vận hành thấy không phù hợp nên đã ngưng và chuyển sang nội dung khác theo yêu cầu của thực tế tại nơi ấy đặt ra. Có mấy bài học rút ra liên quan đến cách thức triển khai để phong trào thi đua “Dân vận khéo” ngày một lan tỏa, mang lại hiệu quả thiết thực trong cuộc sống. Đó là người đứng đầu phải thật sự quan tâm; còn Mặt trận, các đoàn thể phải đóng vai trò nòng cốt; phải gắn chặt “Dân vận khéo” với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; tăng cường các hoạt động học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm mô hình mới, cách làm hay giữa các địa phương, đơn vị... Nhưng trên tất cả, những người tham gia mô hình, nhất là người dân phải được thông tư tưởng thì việc khó nào cũng thực hiện thành công.

Hảo Chi

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/xa-hoi/van-hoa-song-mot-khi-tu-tuong-thong-127510.html