Văn hóa tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội

Xác định vai trò quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của tỉnh, thời gian qua, An Giang đã quan tâm, chú trọng phát triển các hoạt động văn hóa nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh vai trò động lực của văn hóa trong phát triển kinh tế: “Gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân. Xây dựng, phát huy yếu tố văn hóa để thực sự là đột phá phát triển KTXH, hội nhập quốc tế” và “Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển KTXH và hội nhập quốc tế”.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh “Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Vì vậy, văn hóa chính là hồn cốt của dân tộc, các thế hệ người Việt Nam phải có trách nhiệm đoàn kết, giữ gìn, bảo tồn và phát triển văn hóa gắn liền với phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng - an ninh đất nước.

Với những quan điểm chỉ đạo của Đảng, sự hiện diện và thẩm thấu của văn hóa được định hướng trong các hoạt động kinh tế của tỉnh ngày càng sâu, rộng hơn. Văn hóa thẩm thấu và lan tỏa trong kinh tế, biểu hiện ra trong quá trình xây dựng và thực hành các giá trị văn hóa trong doanh nghiệp và cá nhân tham gia hoạt động kinh tế nhằm nâng cao tính nhân văn trong kinh tế. Văn hóa trong kinh tế đề cao các giá trị khoa học, pháp lý và giá trị đạo lý trong hoạt động kinh tế, đề cao tinh thần chia sẻ, trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp. Với tư cách là động lực cho sự phát triển kinh tế, văn hóa tham gia điều tiết và thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở nhiều phương diện.

“Các hoạt động văn hóa - văn nghệ trên địa bàn tỉnh được duy trì tổ chức tốt, đổi mới về hình thức và nội dung, ngày càng nâng cao về chất và lượng, tổ chức được nhiều sự kiện, phong trào văn hóa từ cấp tỉnh đến các xã, phường, thị trấn, thu hút đông đảo sự tham gia của cán bộ, công chức, viên chức, lao động và quần chúng nhân dân; tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); góp phần nâng cao nhận thức của Nhân dân trong việc chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Khánh Hiệp thông tin.

Những năm qua, các hoạt động văn hóa - văn nghệ, tổ chức sự kiện trên địa bàn tỉnh nhân dịp chào mừng, kỷ niệm các ngày lễ, Tết truyền thống, các sự kiện lịch sử được duy trì và phát triển với hình thức đa dạng, như: Tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan... Đặc biệt, tổ chức thành công chương trình biểu diễn nghệ thuật kết hợp bắn pháo hoa đón giao thừa hàng năm; đăng cai tổ chức thành công Hội thi Múa không chuyên toàn quốc năm 2022; Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch đồng bào dân tộc Khmer, Chăm tỉnh An Giang; Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam; Kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang; Lễ kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2023)...

Thực hiện chủ trương Nghị quyết về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, từ năm 2014 - 2023, ngành văn hóa, thể thao và du lịch chỉ đạo các đơn vị tổ chức nhiều mô hình hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật, trung bình mỗi năm tổ chức 60 cuộc thi cấp tỉnh, huyện; xây dựng nhiều chương trình văn nghệ tuyên truyền lưu động có chất lượng, tổ chức biểu diễn 400 suất tuyên truyền lưu động, chiếu 300 suất phim phục vụ Nhân dân tại cơ sở và các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn tỉnh; xây dựng và duy trì sinh hoạt hàng ngàn câu lạc bộ đờn ca tài tử, ca múa, nhạc… tạo sân chơi lành mạnh cho mọi tầng lớp công chúng. Bên cạnh đó, còn biểu diễn văn nghệ hỗ trợ địa phương, gây quỹ từ thiện, ủng hộ người nghèo, gây quỹ xây dựng cầu, cất nhà Đại đoàn kết. Hàng năm, đều lồng ghép vào chương trình văn nghệ các nội dung tuyên truyền phòng, chống ma túy, an toàn giao thông, xây dựng nông thôn mới, văn hóa trong sử dụng âm thanh đám tiệc…

Các hoạt động văn hóa dành cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh ngày càng được chú trọng, phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ của đồng bào, góp phần củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển KTXH, giữ vững an ninh biên giới. Các lễ hội truyền thống được giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào DTTS, đồng thời phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, tìm hiểu văn hóa dân tộc cho mọi tầng lớp nhân dân, quảng bá hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch của cộng đồng người Khmer, người Chăm ở An Giang...

Qua đó, góp phần tăng cường đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc trong tỉnh, đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, đồng bào Khmer, Chăm đang cùng với cộng đồng dân tộc Kinh, Hoa... chung sức, đồng lòng xây dựng và phát triển quê hương An Giang.

MINH THƯ

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/van-hoa-tao-dong-luc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-a379977.html