Văn hóa thần tượng lệch lạc: Ảnh hưởng nhận thức của học sinh

Các chuyên gia, nhà giáo cho rằng, nhà trường thiếu sự nhạy cảm khi để 'giang hồ mạng' Phú Lê mặc trang phục không phù hợp biểu diễn trước toàn trường. Hoạt động giáo dục trong trường học phải có mục đích, nếu không sẽ dễ bị hiểu lầm ảnh hưởng nhận thức của học sinh.

Trường học nhận lỗi

Hình ảnh “giang hồ mạng” Phú Lê trong bộ trang phục phản cảm xuất hiện trên sân khấu Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Làng Nhì, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) vừa hát vừa nhảy múa, ở dưới là hàng trăm học sinh đã khiến nhiều người bất bình, cho rằng, đó là hình ảnh không phù hợp trong trường học. Phú Lê cùng một số người khác đến trường học để tặng quà cho học sinh trong chương trình Đêm hội trăng rằm. Ngoài phát quà, Phú Lê lên sân khấu biểu diễn văn nghệ.

Bộ phim về đề tài giang hồ của Phú Lê

Bộ phim về đề tài giang hồ của Phú Lê

Ngay sau đó, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học &THCS Làng Nhì có báo cáo rằng, ngày 25/9, có người liên lạc với nhà trường và giới thiệu đoàn thiện nguyện muốn tổ chức một đêm Trung thu cho học sinh và nhà trường nhận lời. Sau đó, người đại diện đoàn từ thiện có lập nhóm Zalo để trao đổi, thống nhất về thời gian, địa điểm, thành phần tham dự, đồng thời liệt kê danh mục quà tặng cho học sinh trên tinh thần đảm bảo lành mạnh, ý nghĩa.

Trong chương trình Trung thu, ông Phú Lê, đại diện đoàn thiện nguyện lên phát biểu, trao quà và hát tặng học sinh 2 bài hát có nội dung vui Tết trung thu cho học sinh. Sau đó, đoàn từ thiện phối hợp với nhà trường tổ chức cho học sinh ăn bữa cơm buổi chiều và mỗi em học sinh được đoàn tặng 1 túi bánh, 1 đèn ông sao. Tuy nhiên, khi lên phát biểu, trao quà và hát tặng cho học sinh, ông Phú Lê có mặc bộ quần áo dài màu vàng in hoa văn, đầu đội mũ đỏ (giống trang phục của vua, quan Trung Quốc thời xưa).

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học &THCS Làng Nhì thừa nhận, để xảy ra sự việc trên là do sơ suất của Ban Giám hiệu nhà trường chưa nhận thức đầy đủ, chưa chủ động nắm bắt thông tin về các cá nhân trong đoàn thiện nguyện, chưa kiểm soát tình hình, chưa quy định về trang phục đối với các thành phần tham dự tết Trung thu và cũng chưa có ý kiến đề nghị đoàn thiện nguyện trong việc ghi hình và đưa hình ảnh, clip lên các trang mạng xã hội.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, giáo dục học sinh là cả một quá trình học tập và các hoạt động học tập khác. Muốn hướng học sinh đến các giá trị tốt đẹp thì chỉ có cách lấy cái đẹp làm gương, làm mẫu để lan tỏa, thu hút.

Liên quan đến sự việc, Phòng GD&ĐT huyện Trạm Tấu cũng đã nhận trách nhiệm trước cơ quan quản lý vì chưa kiểm soát được thành phần tham gia, chương trình tổ chức ngoài nội dung đăng ký của các nhà trường. Đồng thời cho biết, đơn vị đã chỉ đạo các đơn vị trường học khi có bất kỳ một tổ chức, cá nhân nào liên hệ lên tặng quà và tổ chức các hoạt động cho giáo viên, học sinh tại nhà trường cần phải báo cáo các cấp có thẩm quyền. Sau khi được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền mới được triển khai thực hiện và cần có đủ thông tin về thành phần tham dự, quy định cụ thể nội dung chương trình, về trang phục, cũng như công tác tuyên truyền cho mỗi hoạt động phải đảm bảo tính giáo dục, có tác động tốt đến học sinh.

Ảnh hưởng

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho rằng, trong các hoạt động giáo dục, trải nghiệm của trường học không nên để nhân vật có phong cách, lối sống không tích cực, gây ồn ào trên mạng xã hội như Phú Lê xuất hiện. Có thể, khi nhận thông tin có đoàn từ thiện, trường học này không quan tâm đến những người đến trao là ai nhưng đó là điều rất cần thiết trong trường học. Đặc biệt, khi họ đến có ý định tham gia vào chương trình vui Trung thu, nhà trường phải cẩn trọng xem trang phục, tiết mục có nội dung ra sao, có phù hợp hay không.

Đáng tiếc ở đây, nhân vật đã mặc phản cảm diễn văn nghệ và hiệu trưởng nhà trường nhảy cùng là việc làm thiếu bản lĩnh, thiếu tư duy của một nhà quản lý giáo dục. “Hình ảnh vừa qua rõ ràng không đẹp, không mang tính giáo dục cho học sinh. Sau sự việc này, các thầy cô, nhà quản lý giáo dục cần rút kinh nghiệm, thận trọng hơn dù mục đích của việc làm từ thiện rất có ý nghĩa”, ông Bình nói.

TS Nguyễn Tùng Lâm, chuyên gia tâm lý, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), nói rằng, trong một chương trình Trung thu của học sinh, để “giang hồ mạng” mặc trang phục lố lăng hát múa trước học sinh toàn trường là điều rất đáng tiếc. Trong trường học, ngoài các giờ dạy kiến thức trên lớp, các hoạt động khác đều mang ý nghĩa trải nghiệm, giáo dục giá trị nào đó cho học sinh. Mạng internet rất phát triển, dù ở đâu các em học sinh chỉ cần một cái click chuột có thểm tìm ra nhân vật trên sâu khấu là ai. Do đó, tổ chức một chương trình, hoạt động nhà trường bắt buộc phải kiểm soát được nội dung hoạt động, các tiết mục văn nghệ cũng như thành phần đoàn tham gia chương trình một cách chặt chẽ.

Trong sự việc này, nếu đoàn chỉ đến tặng quà từ thiện, nhà trường tiếp nhận và tặng cho học sinh sẽ không sao nhưng biến chương trình thành một hoạt động giáo dục trong trường học sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của học sinh. Giáo dục trong trường học phải có mục đích, ý nghĩa nếu không sẽ dễ bị hiểu lầm, học sinh dễ bị lệch lạc thần tượng. “Sau sự việc này, nhà trường và các đơn vị quản lý cần rút kinh nghiệm để tiếp nhận quà tặng từ thiện nhưng cũng cần phải kiểm tra thành phần của đoàn rõ ràng để tránh bị người xấu trà trộn, lợi dụng”, TS Tùng Lâm nói.

Hà Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/van-hoa-than-tuong-lech-lac-anh-huong-nhan-thuc-cua-hoc-sinh-post1575180.tpo