Văn hóa TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Từ bao đời nay, người Thái Tây Bắc đã sử dụng mây, tre để làm các sản phẩm thủ công đặc trưng, trong đó có cái ếp - vật dụng mang theo khi lao động. Tới thôn, bản nào có bà con dân tộc Thái sinh sống trên địa bàn tỉnh, du khách có thể bắt gặp hình ảnh người dân ngồi đan ếp trước hiên nhà.

Bà Lù Thị Giao - bản Chom Chăng, xã Thân Thuộc (huyện Tân Uyên) chia sẻ: Cuộc sống ở vùng cao vốn khó khăn, nếu dùng những vật dụng cồng kềnh khi leo rừng núi thì không phù hợp. Do đó, các cụ ngày xưa tạo ra cái ếp đã đáp ứng nhu cầu sản xuất với địa hình nơi đây. Đến nay, cuộc sống có nhiều thay đổi, đặc biệt là việc xuất hiện nhiều đồ dùng với chất liệu khác nhau nhưng người Thái vẫn sử dụng ếp trong sinh hoạt cũng như lưu giữ giá trị truyền thống. Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã được bố mẹ dạy cách sử dụng ếp của dân tộc mình. Dùng ếp rất tiện, mỗi lần đi làm tôi đều mang theo.

Công việc đan ếp thường dành cho đàn ông người Thái. Nhiều đời nay, họ vốn giỏi đan lát, do đó vào những ngày rảnh rỗi thường mang cật tre ra vót, đan thành ếp cho người phụ nữ trong gia đình dùng. Để làm ra cái ếp đẹp, có đường đi nan tre đều tăm tắp, đòi hỏi sự kiên trì và đức tính chịu khó. Ếp được đan dẹt ở đáy và hẹp ở phần miệng, không có nắp đậy như một số vật dụng khác.

Người dân xã Trung Đồng đan ếp sử dụng trong sinh hoạt.

Có 2 kiểu đan ếp là thưa và dày. Ếp có kích thước vừa phải, đựng được khoảng 2kg phù hợp với sức khỏe của người phụ nữ khi di chuyển. Do đó, dù đeo ếp trong khoảng thời gian dài nhưng chị em vẫn không mỏi mệt đôi bờ vai. Trước đây, bà con dùng ống giang và tre làm ếp, nhưng hiện nay ống giang ngày một hiếm, phải lặn lội vào rừng sâu mới tìm được, thậm chí đi nhiều ngày cũng khó mà tìm thấy loại giang ưng ý nên đồng bào người Thái chỉ có thể dùng tre bánh tẻ để đan.

Tuy nhiên không phải lấy cả thanh tre mà chỉ dùng cật tre làm ếp. Nhiều người khéo tay khi đan còn tạo những hình hoa văn bắt mắt. Một cái ếp đẹp thể hiện được độ dẻo, bền, sợi nan bóng theo thời gian. Và hiện nay dù có nhiều cơ sở sản xuất đồ dùng bằng nhựa bày bán sẵn tại các cửa hàng, quán tạp hóa... và người tiêu dùng có thể mua dễ dàng nhưng các gia đình người Thái ở huyện Tân Uyên bà con vẫn dùng ếp để đựng những thứ cần thiết…

Người phụ nữ Thái thường đeo ếp bên hông, cạnh sườn có dây vắt chéo qua vai để không làm vướng đôi bàn tay lao động. Tuy nhiên, khi đeo ếp cần chú ý quàng dây ếp qua đầu, không kéo dây ếp từ dưới chân lên. Đó là quan niệm tâm linh, đồng thời cũng là sự tôn trọng, nâng niu giá trị văn hóa dân gian truyền thống. Trải qua bao năm tháng, ếp trở thành vật dụng đặc trưng gắn bó với người phụ nữ Thái. Bởi từ xưa tới nay, họ thường gắn bó với công việc đồng áng, hái măng, bắt cá… và dùng ếp mỗi khi đi làm đã phần nào nói lên đức tính chịu thương, chịu khó của chị em với công việc nhà.

Ếp được dùng nhiều khi phụ nữ Thái đi gặt lúa. Trên đồng ruộng bắt được con tôm, con cá, chị em thường cho luôn vào ếp mà không phải loay hoay tìm dây buộc, ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch lúa. Khi làm nương mang theo ếp để đựng những thứ lượm được từ thiên nhiên như: cây thuốc, củ măng, nắm cỏ mần trầu hay những trái ngọt hoa thơm từ rừng về làm quà cho trẻ nhỏ. Mỗi lần như thế, không khí gia đình lại tràn ngập niềm vui hạnh phúc bởi tiếng reo ca của những đứa bé ngây thơ, trong sáng được mẹ, chị cho quà.

Hiện nay ở các bản người Thái, công đoạn làm ếp không được ghi lại trong sách vở, nhưng luôn được người dân lưu truyền từ đời này qua đời khác. Điều đó thể hiện tấm lòng tri ân thành quả, công lao mà ông cha đã dày công mày mò, sáng tạo khi cuộc sống còn nhiều gian nan, vất vả. Đến một số bản tôi còn nghe bà con bảo, mỗi mùa xuân sang, thiếu nữ Thái đeo ếp rủ nhau vào rừng hái hoa ban. Và trong những buổi hái hoa ban ấy, nhiều đôi trai gái đã nên duyên chồng vợ.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/%C4%91%E1%BB%99c-%C4%91%C3%A1o-c%C3%A1i-%E1%BA%BFp-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-th%C3%A1i