Văn hóa TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Vài năm gần đây, huyện Sìn Hồ có những bước tiến trong phát triển kinh tế - xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Xác định được thế mạnh của địa phương, đón đầu xu thế du lịch nghỉ dưỡng, cấp ủy, chính quyền huyện luôn quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, xem đó như nguồn tài nguyên quan trọng để địa phương có hướng đi bền vững.

Nét riêng trong văn hóa vùng cao Sìn Hồ là tài nguyên vô cùng quý giá, tạo nên sức hút riêng cho ngành du lịch và là cầu nối để quảng bá các giá trị văn hóa tới du khách trong và ngoài nước, thu hút nguồn lực đầu tư. Việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, gắn với phát triển kinh tế đang được Sìn Hồ triển khai từng bước vững chắn và hiệu quả.

Khu di tích lịch sử đồn Pháp tại xã Sà Dề Phìn được người dân giữ gìn nhiều năm nay đã thành điểm khám phá, tham quan chụp ảnh lưu niệm của nhiều du khách.

Khu di tích lịch sử đồn Pháp tại xã Sà Dề Phìn được người dân giữ gìn nhiều năm nay đã thành điểm khám phá, tham quan chụp ảnh lưu niệm của nhiều du khách.

Là địa bàn sinh sống của 14 dân tộc, với những nét văn hóa độc đáo, tồn tại lâu đời, bên cạnh các cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, Sìn Hồ còn có nhiều di tích lịch sử. Đây là điều kiện thuận lợi để tạo ra các sản phẩm du lịch, dịch vụ hấp dẫn. Để khai thác tiềm năng, huyện đã ban hành Chương trình phát triển văn hóa gắn với du lịch giai đoạn 2020-2025. Mục tiêu phát triển du lịch nghỉ dưỡng, khám phá văn hóa là nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Tùy vào thế mạnh của từng xã, huyện sẽ nghiên cứu đầu tư có trọng tâm, hoàn thiện dần cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho các mô hình kinh tế phát triển. Người dân cùng các cấp chính quyền chung tay, bảo tồn các di sản văn hóa của cộng đồng, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, duy trì phục dựng các lễ hội truyền thống, nghi lễ tín ngưỡng, các điệu dân ca, dân vũ tiêu biểu như: nghi lễ của người Dao, nghề truyền thống tại các bản của người Mông... Qua đó, phát triển đầy đủ các yếu tố để tạo tam giác du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa và du lịch trải nghiệm khám phá, thu hút du khách.

Ông Tao Văn Ón, người dân tộc Lự ở xã Nậm Tăm cho biết: Các dân tộc sinh sống trên địa bàn đều có bản sắc văn hóa độc đáo riêng biệt, đến nay hầu như vẫn được bà con gìn giữ. Đặc biệt, văn hóa của dân tộc Lự tại xã Nậm Tăm đã nhiều lần được tới Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Hà Nội để giới thiệu văn hóa truyền thống, phong tục lâu đời, độc đáo của vùng cao Sìn Hồ tới công chúng. Việc này thu hút được sự quan tâm của cộng đồng. Khách du lịch biết đến và tới thăm quan giúp bà con có thêm thu nhập nhờ các dịch vụ, biểu diễn cũng như cung cấp hạ tầng hỗ trợ du lịch.

Được biết, ngành Văn hóa huyện đã chủ động triển khai sưu tầm các di sản văn hóa phi vật thể của 14 dân tộc trên địa bàn và lựa chọn xây dựng 2 xã vùng cao: Tả Phìn, Sà Dề phìn; 1 xã vùng thấp: Nậm Tăm, để phát triển các sản phẩm du lịch tìm hiểu văn hóa phi vật thể. Bên cạnh đó, tổ chức 1 lớp truyền dạy chữ viết của người Dao cho thế hệ trẻ. Các dân tộc khác như: Mông, Mảng, Thái đều được sưu tầm, bảo tồn các tri thức dân gian. Qua đó, văn hóa dân tộc Thái được bảo tồn nhiều làn điệu dân ca, dân vũ. Người Lự, Mảng, Dao, Lào, Mông thường xuyên được tổ chức các lễ hội truyền thống trong năm.

Ông Nguyễn Đức Trưởng - Trưởng Phòng Văn hóa huyện Sìn Hồ cho biết: Thời gian qua, tỉnh, huyện đã quan tâm đầu tư và bố trí kinh phí để triển khai thực hiện nhiều đề án về sưu tầm hiện vật, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Nhờ đó đã gìn giữ nét đẹp truyền thống trong cộng đồng dân cư, bảo vệ được cảnh quan thiên nhiên. Đây là nguồn tài nguyên quý giá để thu hút du khách, phát triển ngành Du lịch Dịch vụ của huyện. Phòng đã sử dụng hợp lý nguồn kinh phí để các di sản văn hóa trên địa bàn huyện được phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị lâu dài, từ đó nâng cao đời sống người dân.

Hiện, Sìn Hồ đang trong giai đoạn hoàn thiện các hạng mục giao thông nhằm tạo thuận tiện cho du khách tới các điểm du lịch của địa phương như: vực thác Sà Dề Phìn, đồn Pháp - khu di tích lịch sử có từ thời Pháp chiếm đóng tại địa phương; khu tâm linh Núi Đá Ô (xã Tả Phìn); cùng nhiều khu nghỉ dưỡng, tắm thuốc cổ truyền; khu dã ngoại tại bản Lao Lử Đề (xã Tả Ngảo)... Đặc biệt, khí hậu 4 mùa ôn hòa hứa hẹn sẽ cho du khách đến đây nhiều trải nghiệm thú vị hấp dẫn.

Bảo tồn các di sản văn hóa trên vùng cao Sìn Hồ hiện nay giữ vai trò quan trọng trong giáo dục truyền thống yêu nước, phát huy bản sắc dân tộc. Khai thác thế mạnh gắn với phát triển kinh tế. Tin rằng Sìn Hồ sẽ góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân, đưa địa phương phát triển bền vững.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/b%E1%BA%A3o-t%E1%BB%93n-ph%C3%A1t-huy-c%C3%A1c-gi%C3%A1-tr%E1%BB%8B-v%C4%83n-h%C3%B3a