Văn hóa TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Không xi măng, không cát, những hàng rào được xếp thủ công bằng đá từ đôi bàn tay khéo léo, tinh tế của bao thế hệ đồng bào dân tộc Giáy bản San Thàng (xã San Thàng, thành phố Lai Châu) đã tạo nên những bức tường mộc mạc mà chắc chắn, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách.
Bản San Thàng, xã San Thàng cách trung tâm thành phố Lai Châu chừng 3km. Bất kỳ ai khi lần đầu đặt chân đến vùng đất yên bình này cũng ấn tượng bởi vẻ đẹp mộc mạc, đơn sơ của những hàng rào đá. Hình ảnh hàng rào đá hiện diện khắp nơi, từ đầu bản đến cuối bản, quanh vườn nhà, len lỏi ra cả những cánh đồng, thửa ruộng, bờ ao.
Chỉ vào hàng rào đá trước nhà, ông Hồ Văn Xiêng vui vẻ cho biết: Sự xuất hiện hàng rào đá ở bản San Thàng như một lẽ tự nhiên. Nghe các cụ kể, vùng đất San Thàng xưa, mở mắt là thấy đá, bốn bề đều là đá, cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn, thiếu nước, thiếu đất canh tác… để sinh tồn, người Giáy nơi đây đã tìm mọi cách để chinh phục đá. Vì vậy, đá trở thành một phần trong cuộc sống, đá được bà con xếp thành hàng rào xung quanh nhà, vườn, ruộng nương… và được lưu giữ đến nay”.
Hàng trăm năm qua, hàng rào đá được xem như là nét văn hóa truyền thống của đồng bào Giáy nơi đây. Trước tốc độ đô thị hóa ngày một nhanh, hàng rào đá ở bản San Thàng vẫn không bị mai một. Trước đây, hàng rào đá được dựng lên là để ngăn cách giữa nhà này với nhà kia, bảo vệ gia súc, gia cầm, hoa màu, chống xói lở, bạc màu đất trong mùa mưa. Thì những năm gần đây, hàng rào đá đã được người dân trong bản chỉnh sửa lại gọn gàng, đẹp đẽ và cuốn hút hơn. Xếp đá nhiều thành quen, người dân bản San Thàng không cần chăng dây, kẻ vẽ mà vẫn dựng lên những hàng rào thẳng tăm tắp, chắc chắn. Qua bàn tay khéo léo, những viên đá muôn hình vạn trạng đã được xếp lại một cách tự nhiên với nhau mà không cần vôi, vữa xi măng hay chất kết dính gì cả.
Theo ông Xiêng, để hàng rào bền, đẹp thì phải chọn đá già, đá suối, to, chắc chắn, cùng màu sắc và xếp đá theo hình tháp, chân to vững chãi. Thay vì xếp đá kín như trước, những năm gần đây, người dân ở bản San Thàng xếp đá thành 2 hàng rồi đổ đất vào giữa, để trồng cây, hoa cảnh, vừa tạo độ bền chắc cho hàng rào, vừa tạo cảnh quan đẹp. Thông thường, hàng rào đá ở bản San Thàng có chiều cao từ 80cm đến khoảng 1,2m.
Bản San Thàng được công nhận là bản văn hóa du lịch cộng đồng từ năm 2014. Hiện, bản có gần 200 hộ dân sinh sống, với nhiều dân tộc khác nhau, trong đó dân tộc Giáy chiếm đa số. Người dân trong bản chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong bản ngày càng được nâng lên. Trước đây, bản San Thàng còn có tên gọi khác là bản Phố Đá, bởi khắp bản chỉ có đá và đá.
Chia sẻ với phóng viên, ông Vùi Văn Phướng – Bí thư Chi bộ bản San Thàng vui vẻ nói: Nhằm giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, những năm gần đây, bản đã tuyên truyền vận động bà con tu sửa, chỉnh trang, làm mới hàng rào đá. Nhà văn hóa bản được dựng lên cũng nhờ có sự đóng góp rất lớn của người dân trong bản. Các hộ dân trong bản đã đóng góp 3 ngày công đi lấy đá ở dưới suối, vận chuyển về để làm nhà văn hóa và hàng rào đá.
Được biết, Nhà văn hóa bản San Thàng là nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân trong bản. Tuy nhiên, thay vì xây tường rào bằng gạch, người dân nơi đây đã quyết định làm hàng rào bằng đá tự nhiên vừa lưu giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời nhắc nhở con cháu biết trân trọng, giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa của tổ tiên. Nhiều du khách đặt chân đến bản đều hết lời khen ngợi, khi chứng kiến những hàng rào đá mộc mạc, đơn sơ mà gần gũi này.
Trải qua biết bao thăng trầm của thời gian, những hàng rào đá vẫn được người Giáy bản San Thàng giữ gìn như một nét văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc.