Văn hóa TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Tỉnh ta dân tộc Mông cư trú ở 8 huyện, thành phố nhưng cơ bản tập trung nhiều ở các huyện: Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Than Uyên. Các trò chơi dân gian dân tộc Mông nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung đều thể hiện truyền thống thượng võ, tính phong phú, đa dạng, năng động và mưu trí, lanh lẹ, khéo léo, bền bỉ trong hoạt động. Các trò chơi dân gian dân tộc Mông như: bập bênh, đánh đu, đẩy gậy, bắn nỏ, ném pao, tù lu... tồn tại từ lâu và trải dài cùng lịch sử của dân tộc. Ngày nay, các trò chơi này được sử dụng để thi đấu trong các ngày hội, ngày xuân, vui chơi và được coi là hoạt động không thể thiếu trong đời sống đồng bào Mông.
Ông Lương Chiến Công - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch cho biết: “Ngành tham mưu cho UBND tỉnh về công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp các trò chơi dân gian dân tộc Mông. Đồng thời, phối hợp các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ này; thường xuyên đưa các nội dung thi đấu vào các ngày hội, lễ, tết. Tích cực tuyên truyền, vận động bà con dân tộc Mông bảo tồn các trò chơi. Từ đó, góp phần củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân”.
Trong những trò chơi dân gian thì ném pao được nhiều người Mông ưa thích. Quả pao được người Mông khâu bằng các miếng vải lanh thành trái tròn, to bằng quả cam rồi nhồi bông, vải vào trong. Để tham gia, người chơi phải phân chia 2 đội, bên nam và nữ khoảng cách 5-7m. Tài khéo léo của người ném là không cho pao rơi xuống đất và được giao ước với nhau bằng số lần ném, số lần bắt được; bên thua phải hát một bài hoặc làm một điều gì đó bên thắng yêu cầu.
Nếu như ném pao có cả con trai và con gái tham gia thì trò đánh quay (tù lu) chỉ dành riêng cho những chàng trai khỏe mạnh. Để làm ra cù tốt, trước tiên người chế tác cần chọn loại gỗ tốt, cứng (thường là gỗ đinh, nghiến) có đường kính khoảng 10cm. Sau đó cẩn thận dùng dao khéo léo gọt, đẽo tròn, đầu dưới thu nhỏ dần thành nhọn, đầu trên dạng bán cầu. Dây được quấn quanh con cù đến sát cán cầm, người chơi một tay cầm cù, một tay cầm cán và dùng lực mạnh của cánh tay cầm cán, đồng thời buông tay cầm cù. Lúc này con cù theo lực vung của cánh tay người chơi lao ra quay tại vòng tròn cố định hoặc đánh vào con cù khác. Để chơi đánh cù, mỗi bên thường có từ 1-2 người trở lên nhưng không quá 4 người.
Anh Sùng A Ninh (bản Hua Than, xã Mường Than, huyện Than Uyên) tâm sự: “Tôi chơi đánh quay (tù lu) từ năm 6 tuổi đến nay đã được hơn 20 năm. Tù lù gắn liền với tuổi thơ tôi cũng như suốt quãng thời gian qua. Ngay từ nhỏ tôi đã theo anh, theo bố đi chơi trò này và đã ngấm vào máu thịt, ngấm vào tâm hồn. Đây là trò chơi thể hiện sự nhanh nhẹn, mạnh mẽ, khéo léo nhưng cũng đầy mưu trí để chiến thắng. Đã là đàn ông dân tộc Mông ai cũng phải biết chơi tù lu. Thế hệ chúng tôi truyền lại cho con cháu để gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc Mông”.
Đánh đu là trò chơi dân gian mang tính văn hóa-thể thao, phổ biến ở người Mông và thường được tổ chức vào dịp tết, lễ hội. Người dân trồng một vài cây đu ở giữa thửa ruộng, gần nơi tổ chức lễ hội để trai, gái lên đu với nhau. Cây đu được trồng bởi 6-8 cây tre dài vững chắc để chịu được sức nặng của hai nguời cùng với lực đẩy quán tính. Lên đu có thể 1 hoặc 2 người, càng nhún mạnh, cần đu càng được nâng lên cao, chuyền từ bên nọ sang bên kia. Cần đu lên ngang với ngọn đu là hay nhất. Trò chơi này ngoài mang tính thể thao, rèn luyện và giải trí còn là dịp để trai gái giao lưu gần gũi, tỏ tình với nhau.
Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, công tác bảo tồn và phát huy các trò chơi dân gian dân tộc Mông được huyện Than Uyên đặc biệt quan tâm. Huyện xây dựng kế hoạch bảo tồn và giới thiệu các nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông, trong đó có các trò chơi. Thường xuyên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, quy hoạch sân bãi tập luyện thể dục thể thao. Tổ chức các lễ hội dịp đầu xuân, ngày hội văn hóa, đại hội thể dục thể thao nhằm đưa các môn của đồng bào dân tộc Mông vào thi đấu.
Ông Trần Quang Chiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên chia sẻ: “Hàng năm, dịp tết đến, xuân về, từng xã, cụm xã đều tổ chức lễ hội đầu xuân cho bà con các dân tộc nói chung và người Mông nói riêng vui chơi văn nghệ - thể thao truyền thống với các môn thi đấu giới thiệu trong lễ hội như: bắn nỏ, đẩy gậy, tù lu, ném pao… các bản cũng tự đứng ra tổ chức vui chơi cho bà con ở bản mình; tạo môi trường lành mạnh ở nông thôn giúp Nhân dân phấn khởi hơn, hăng say lao động sản xuất. Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, huyện luôn duy trì tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc với nhiều chương trình văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao mang đậm bản sắc các dân tộc, trong đó có dân tộc Mông. Từ đó, góp phần giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào của mỗi người dân Than Uyên về mảnh đất giàu bản sắc văn hóa”.
Hiện nay, tỉnh cũng đưa một số trò chơi dân gian dân tộc Mông phổ biến như: tù lu, đẩy gậy, bắn nỏ… vào thi đấu trong các giải thể thao, hội khỏe, đại hội thể thao, ngày hội văn hóa dân tộc Mông, lễ hội Gầu Tào. Tại các bản du lịch, bà con dân tộc Mông cũng tổ chức các trò chơi dân gian để phục vụ du khách, vừa quảng bá nét văn hóa tốt đẹp đồng thời luyện tập để phục vụ thi đấu tham gia các sự kiện thể thao. Tích cực truyên truyền, giáo dục cho quần chúng Nhân dân hiểu về ý nghĩa của việc giữ gìn, bảo lưu những trò chơi dân gian dân tộc Mông. Rà soát, thống kê các trò chơi dân gian tiêu biểu nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho việc quản lý và có chính sách bảo tồn, phát triển và đưa trò chơi dân gian vào trong đời sống hàng ngày. Ngoài ra, tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp các địa phương có đồng bào dân tộc Mông sinh sống tổ chức tập huấn hướng dẫn cán bộ văn hóa cách thức tổ chức chơi những trò chơi dân gian.
Từ việc bảo tồn những trò chơi dân gian dân tộc Mông không chỉ giữ gìn, phát huy, thỏa mãn nhu cầu vui chơi giải trí mà còn là cách thức phát triển toàn diện về thể lực, kỹ năng, là sự kết nối cộng đồng. Qua đó, góp phần tô điểm thêm nét đặc sắc của các trò chơi dân gian trong cộng đồng các dân tộc Lai Châu nói riêng và Việt Nam nói chung.