Văn hóa TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Chợ phiên Sìn Hồ là nét văn hóa đặc sắc lâu đời của cộng đồng người dân vùng cao. Gần tết Nguyên đán, chợ phiên trở nên nhộn nhịp hơn hẳn, người dân đến chợ để mua sắm tết, giao lưu, thưởng thức không gian văn hóa đầy màu sắc.
Từ lâu các phiên chợ ngày chủ nhật đã trở thành món ăn tinh thần của người dân, ăn sâu vào tiềm thức nếp nghĩ, nếp sống của bà con. Gần đây chợ phiên cuối năm ở Sìn Hồ còn thu hút nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu các nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây.
Chợ phiên Sìn Hồ mỗi tuần họp một lần, vào chủ nhật tại trung tâm thị trấn, trong cái rét buốt lạnh của vùng cao Sìn Hồ, từ rạng sáng, đồng bào ở các xã lân cận đã xuống chợ trong phục trang nhiều màu sắc, mang theo đặc sản của địa phương, con đường vốn ngày thường vắng vẻ nay nhộn nhịp xe máy, ngựa thồ...
Ai cũng muốn tới chợ thật sớm, để gặp mặt bạn bè người thân và mua sắm. Dù đây không phải chợ tình như những địa phương khác, nhưng nhiều người đến chợ phiên Sìn Hồ để nhìn thấy người mình thương, gặp bạn bè và để nói vài ba câu chuyện cho thỏa lòng. Tiếng chân người bước vội, tiếng nói cười, khèn sáo, tiếng kêu của gia súc, gia cầm và tiếng khóc của trẻ con đòi quà... Những âm thanh đời thường đó quyện vào hương trời, gió núi cao nguyên làm cho cuộc vui cuối năm của người dân thêm nồng ấm, tạo nên bản sắc chợ vùng cao Sìn Hồ chiều cuối năm.
Ông Lý A Dống - người dân tộc Mông tại xã Hồng Thu năm nay đã ngoài 70 tuổi, dù vậy ông vẫn mang nông sản đi chợ phiên bán, Ông cho biết: Phong tục đón tết của người Mông tại Sìn Hồ bây giờ giống với các dân tộc khác, chúng tôi không mê tín không lãng phí như trước, nhưng vẫn cần mua sắm chuẩn bị cho gia đình đón khách. Năm nay các con tôi đi làm xa, đều về đón tết tại bản nên tôi cần chuẩn bị trước nhiều thực phẩm và vật dụng.
Ngày tết, người Mông Sìn Hồ làm lễ cúng tổ tiên trong ba ngày, từ chiều 30 tháng chạp, bà con mổ gà cúng và mời ông bà tổ tiên về ăn tết. Đa phần các dân tộc trên vùng cao đều có tục lệ thắp hương cúng tổ tiên vào ngày đầu năm mới, mùng 2 người thân anh em họ hàng thường tổ chức ăn cơm uống rượu, trẻ con thì đi chơi lễ hội.
Những phiên chợ cuối cùng trong năm thường đặc biệt quan trọng với phụ nữ vùng cao, phụ nữ người Thái, Mông, Dao thường tập trung tại các gian hàng quần áo truyền thống, nơi bán nhu yếu phẩm, đồ dùng sinh hoạt gia đình phục vụ tết.
Ngày trước tại các chợ huyện vùng cao Sìn Hồ, cứ mỗi phiên cuối tuần đều có một khu vực riêng, là nơi đồng bào gặp gỡ giao lưu kết bạn, mọi người ăn món truyền thống, tự nấu tại chỗ ở một góc riêng của chợ. Hiện nay khi các hộ kinh doanh tăng nhiều không gian chợ bị thu hẹp, bà con không tổ chức nấu ăn nữa, thay vào đó là các quán ăn trong khu vực chợ trở thành nơi tụ họp của bà con. Chợ phiên cuối năm của Sìn Hồ đông vui nhộn nhịp. Chén rượu ngô thơm nồng như để người dân xua đi cái giá rét vùng cao, những buồn phiền trong một tuần lao động đều được trút bỏ hết, để tâm hồn người vùng cao luôn tươi mới. Bà con đi phiên chợ cuối năm từ sớm, nhưng có khi ra về vẫn chưa mua được gì mà trong lòng vẫn cảm thấy rất vui.
Chợ phiên Không chỉ là nơi giao thương trao đổi hàng hóa ở vùng cao Sìn Hồ, mà nó còn là nơi bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc trên mảnh đất này.