Văn hóa TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Trong khuôn khổ các hoạt động của Lễ hội Then Kin Pang, ngày 9/4 UBND huyện Phong Thổ tiếp tục tổ chức thi các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian và phục dựng nghi lễ trong Lễ hội 'Áp hô chiêng' (còn gọi là Lễ hội Gội đầu năm mới) của người Thái trắng tại xã Khổng Lào. Đồng chí Tống Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dự nghi thức Lễ hội Gội đầu năm mới.
*Thi văn nghệ và trình diễn trang phục dân tộc Thái
Tại Lễ hội Then Kin Pang năm 2022, Ban Tổ chức phục dựng, tái hiện lại nghi lễ của Lễ hội Gội đầu năm mới - “Áp hô chiêng”. Đối với người Thái trắng ở Phong Thổ, nghi lễ Gội đầu năm mới gắn với câu chuyện về Nàng Han giả trai đi đánh giặc, chiến thắng trở về vào ngày 30 Tết; sau đó, Nàng Han cùng quân lính nghỉ ngơi, tắm gội bên dòng Nậm Bó để ăn mừng chiến thắng và đón năm mới. Nơi Nàng tắm, bầu trời bỗng tỏa ánh hào quang, xuất hiện một đám mây ngũ sắc đón Nàng về trời.
Lễ Gội đầu vào chiều 30 Tết nhằm tỏ lòng kính trọng và biết ơn của người Thái Phong Thổ với công lao to lớn của Nàng Han; đồng thời rửa trôi những vất vả, điều không may mắn, xui xẻo của năm cũ, tống tiễn tai ương, bệnh tật xuôi theo dòng nước đi mãi không gặp lại, cầu mong năm mới tốt lành, gặp điều hay, làm ăn phát đạt.
Nghi thức trong Lễ hội Gội đầu năm mới - “Áp hô chiêng” gồm 4 phần: Thiêng hóa và khai lễ; Dâng hương và tẩy trần cầu may; Cúng thần đất, thần sông và cầu phúc; Áp hô chiêng và mở hội.
Sau khi làm các nghi thức Thiêng hóa và khai lễ; dâng hương và tẩy trần cầu may tại nhà Then, đoàn rước nước di chuyển ra dòng suối Nậm Lùm để thực hiện nghi thức Cúng thần đất, thần sông và cầu phúc. Sau đó, 30 cô gái người dân tộc Thái tiến hành vẩy nước bồ kết trừ tà và thực hành lễ Gội đầu trước sự chứng kiến của Nhân dân và du khách thập phương.
Cũng trong ngày hôm nay gần 150 vận động viên của 6 xã có vùng đồng bào dân tộc Thái sinh sống (Mường So, Khổng Lào, Hoang Thèn, Bản Lang, Nậm Xe, thị trấn Phong Thổ) tham gia thi đấu các môn thể thao dân tộc: đẩy gậy, kéo co bằng tay, bắn nỏ, tung còn, tó má lẹ...
Sau mỗi phần thi của vận động viên, các du khách đến dự Lễ hội được tham gia các môn thể thao, trò chơi dân gian “có phần thưởng” như: bịt mắt gõ chiêng, én cáy... để cảm nhận, thỏa mãn sự hiếu kỳ, tò mò. Đây là giải pháp sáng tạo của Ban Tổ chức Lễ hội năm nay nhằm kích cầu du lịch, tăng cường quảng bá hình ảnh văn hóa, đất và người Phong Thổ hấp dẫn du khách đến với địa phương.
Kết thúc phần thi các môn thể thao dân tộc, Ban Tổ chức đã trao 24 giải nhất, nhì, đồng giải ba cho các vận động viên và đội thi ở từng nội dung.