Văn hóa TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Lai Châu có 20 dân tộc cùng sinh sống. Mỗi dân tộc có nét văn hóa đặc sắc khác nhau, từ kiến trúc nhà ở đến chữ viết, nghệ thuật âm nhạc, như người Mông thổi khèn, người Thái múa xòe, đánh đàn tính tẩu… Để những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc tồn tại mãi theo dòng chảy thời gian, không thể không nhắc tới vai trò quan trọng của các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian tại địa phương trong tỉnh.
Chúng tôi có dịp trở về bản Cang Mường, xã Mường Cang, huyện Than Uyên vào một ngày giữa tháng 6 để gặp nghệ nhân ưu tú Lò Văn Sơi. Từ ngoài cổng, chúng tôi đã nghe tiếng đàn tính tẩu vang lên. Âm thanh lúc trầm, búc bổng thật hay. Lúc này, ông Sơi đang ngồi trên tầng vừa đánh đàn, vừa hát.
Qua trò chuyện, chúng tôi được biết, ông Sơi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống biểu diễn nghệ thuật của dân tộc Thái. Với tình yêu, đam mê về văn hóa dân tộc, ngay từ khi còn thanh niên, chàng trai người dân tộc Thái ấy đã học đàn tính tẩu, hát làn điệu then; sưu tầm các cuốn sách chữ Thái. Từ nhiều năm nay, ông Sơi thường xuyên dạy chữ viết, múa, hát then, đàn tính của người Thái cho các cháu học sinh, thanh niên; cùng các tác giả biên soạn, dịch và viết nhiều cuốn sách hay và ý nghĩa như Mo Thái… Chính vì những cống hiến đó, năm 2019, ông Sơi được công nhận là nghệ nhân ưu tú.
Nghệ nhân có vị trí, vai trò rất quan trọng trong vốn di sản văn hóa dân tộc. Họ được coi là “báu vật nhân văn sống” trong việc duy trì sự tồn tại và phát triển của di sản văn hóa phi vật thể bằng cách trực tiếp tham gia sáng tạo, lưu giữ, truyền dạy và phát huy giá trị văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 nghệ nhân ưu tú. Trước nguy cơ giá trị văn hóa của các dân tộc bị mai một theo thời gian, các nghệ nhân ưu tú trong tỉnh đã và đang tiếp tục truyền dạy lại cho thế hệ trẻ những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, như: bà Hù Thị Xuân (Mường Tè), ông Sìn Văn Doi (Nậm Nhùn), ông Nông Văn Nảo (huyện Phong Thổ)…
Trong đó, tập trung vào các loại hình văn hóa phi vật thể nắm giữ: các lễ hội, nghi lễ truyền thống, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn hát Then dân tộc Thái; tiếng nói và chữ viết, tín ngưỡng dân gian dân tộc Dao; ngữ văn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng dân gian dân tộc Mông; nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng dân gian dân tộc Mảng; nghệ thuật trình diễn dân gian và phong tục dân tộc Si La…
Những năm qua, tỉnh ta luôn quan tâm, chú trọng phát huy vai trò của các nghệ nhân trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn.
Được biết, ngoài các nghệ nhân ưu tú được công nhận, tỉnh ta còn nhiều người am hiểu văn hóa các dân tộc thường được Nhân dân gọi với cái tên trìu mến là nghệ nhân dân gian. Điển hình như huyện Than Uyên, hiện tại có khoảng 12 nghệ nhân, trong đó mới chỉ có 1 nghệ nhân đươc công nhận nghệ nhân “ưu tú”. Tuy vậy, nhằm phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, huyện khuyến khích các nghệ nhân dân gian tiếp tục truyền dạy văn hóa cho thế hệ học sinh – chủ nhân tương lai của huyện.
Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay, đơn vị đang xây dựng kế hoạch triển khai chính sách hỗ trợ cho người nắm giữ, truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc theo Nghị quyết 59 của HĐND tỉnh. Tin rằng, đây sẽ là nguồn động lực để các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian tiếp tục bảo tồn, trao – truyền giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc tiêu biểu trên địa bàn tỉnh cho thế hệ trẻ gìn giữ và phát huy trong thời kỳ đổi mới. Từ đó, góp phần cùng các địa phương trên cả nước xây dựng “Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.