Văn hóa từ thiện

Những ồn ào quanh việc nghệ sĩ Hoài Linh phải xin lỗi vì giữ hơn 13,7 tỉ đồng từ thiện trong nửa năm, chưa trao kịp cho người dân bị lũ lụt đang gây nhiều bàn tán.

Ảnh minh họa/INT.

Ảnh minh họa/INT.

Nghệ sĩ tham gia các hoạt động từ thiện là hành động đẹp, rất có ý nghĩa, thể hiện sự sẻ chia với cộng đồng. Số nhiều nghệ sĩ và những người làm từ thiện có suy nghĩ rất đơn giản rằng, chỉ cần bản thân trong sáng, không tư lợi thì không việc gì phải sợ.

Không việc gì phải sợ - vốn chỉ là vấn đề mang tính cá nhân. Thế nhưng đặt trong bối cảnh rộng lớn hơn, thì việc “giam hãm” số tiền lớn trong thời gian dài, khiến dư luận phải nghi ngờ sự trong sáng của người hô hào làm từ thiện. Lúc này, dù người làm từ thiện dùng bất cứ lý do gì để biện minh, cũng khó làm cho người khác phải tin.

Vì tin, những người hảo tâm mới đặt tấm lòng của mình nơi nghệ sĩ. Vì tin, nghệ sĩ mới huy động được hàng chục, hàng trăm tỉ cho hoạt động từ thiện. Thế nhưng trái với niềm tin của công chúng, việc tổ chức và điều phối các nguồn lực cứu trợ lại làm xói mòn lòng tin của biết bao người.

Cứu trợ không chỉ đòi hỏi đúng người mà còn phải kịp thời. Sau nửa năm, gần 14 tỉ đồng vẫn nằm “im như thóc” trong tài khoản. Nếu không truy vấn, thì không biết đến bao giờ nghệ sĩ mới nhắc đến số tiền này? Mới đem tấm lòng của người trao gửi đến với đồng bào lũ lụt?

“Một sự bất tín, vạn sự bất tin”, loại trừ yếu tố nghệ sĩ ăn quỵt tiền từ thiện, việc “ngâm” số tiền quá lâu đã giảm ý nghĩa khẩn cấp của công tác cứu trợ. Vì việc này mà nghệ sĩ sụt giảm uy tín, công chúng cũng vì thế mà sẽ đắn đo khi trao gửi tấm lòng.

Hoạt động từ thiện tự thân đã là một hành vi văn hóa. Thế nhưng, không ít người chỉ coi từ thiện như một cách để đánh bóng tên tuổi, để người khác tung hô coi mình là người tốt.

Không thiếu gì những “tấm gương” dùng từ thiện để lòe thiên hạ. Năm 2020, “bồ tát sống” Nguyễn Thị Dương (vợ trùm giang hồ Đường “nhuệ” ở Thái Bình) bị bắt giam để điều tra về các tội danh cố ý gây thương tích và cưỡng đoạt tài sản.

Làm từ thiện cũng phải có văn hóa, thế nhưng dư luận không lạ gì những cuộc từ thiện mang tính khuếch trương đánh bóng thương hiệu. Bỏ ra một số tiền ủng hộ đồng bào lũ lụt, nhưng bản thân công ty lại nợ thuế đầm đìa, quỵt lương công nhân.

Một yếu tố văn hóa nữa của từ thiện là đem tấm lòng mình chia sẻ với người khác, không kèm theo mảy may mong cầu nào. Nhưng buồn nỗi, người đi làm từ thiện cứ nghĩ mình đang tạo phúc, để giời trả công, để mình bớt nghiệp. Cùng với đó là thói háo danh, sống ảo, dàn dựng chụp ảnh nhằm trưng cho thiên hạ thấy mình cũng tốt.

Làm từ thiện để khoe mẽ, để cầu phúc thì không khác nào hành động “trao đổi”. Lấy nỗi đau, sự cơ hàn của người khác để tạo phúc cho mình, để làm chất liệu đánh bóng tên tuổi bản thân là hành động độc ác và vô văn hóa.

Thế mới biết, làm từ thiện là một việc khó, không phải cứ vung tiền ra là xong!.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/van-hoa-tu-thien-vNL8L8qGg.html