Văn hóa ứng xử góp phần hình thành, phát triển nhân cách cho học sinh

Thời gian qua, cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Tiền Giang chú trọng thực hiện xây dựng văn hóa ứng xử (VHƯX) trong nhà trường. Thực hiện VHƯX trong nhà trường có vai trò quyết định với môi trường văn hóa học đường, từ đó góp phần hình thành, rèn luyện, phát triển nhân cách toàn diện cho học sinh.

Với truyền thống “Dạy giỏi - Học giỏi” trên 144 năm, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho luôn quan tâm đến việc xây dựng VHƯX học đường. Nhà trường đã xây dựng nhiều hoạt động thiết thực về VHƯX dưới nhiều hình thức như: Yêu cầu học sinh mặc đồng phục trong buổi chính khóa; cán bộ, giáo viên phải mặc trang phục lịch sự, phù hợp với môi trường giáo dục, có ngôn phong, tác phong chuẩn mực. Việc khen hoặc phê bình học sinh phải phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh, trên tinh thần động viên, khích lệ học sinh.

Phó Hiệu trưởng nhà trường Huỳnh Ngọc Minh chia sẻ, ngoài đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, nhà trường còn có “Hộp thư xanh” là kênh trao đổi, trình bày những đóng góp, nguyện vọng của học sinh đối với Ban Giám hiệu về những suy nghĩ, thắc mắc của mình, cần được thầy cô giải đáp. Song hành với kênh trao đổi “Hộp thư xanh”, Diễn đàn “Nghe học sinh nói - nói học sinh nghe” được Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức vào mỗi học kỳ.

Những ý kiến đóng góp từ lớp sẽ được gửi về Đoàn trường tổng hợp và được Ban Giám hiệu, Đoàn trường, tư vấn viên tâm lý trực tiếp trả lời đến các học sinh trong buổi trao đổi ý kiến. Cùng với đó, Ban Giám hiệu nhà trường, Đoàn Thanh niên trường thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nền nếp của giáo viên, học sinh vào đầu giờ buổi sáng, buổi chiều và đột xuất trong giờ học.

Trung tâm Giáo dục thường xuyên Tiền Giang tổ chức diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường” năm học 2023 - 2024.

Trung tâm Giáo dục thường xuyên Tiền Giang tổ chức diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường” năm học 2023 - 2024.

Là một trong những ngôi trường lớn của Mỹ Tho với số lượng trên 2.000 học sinh, việc xây dựng VHƯX tại Trường THCS Lê Ngọc Hân được quan tâm, tổ chức thực hiện. Theo đó, Bộ quy tắc VHƯX trong trường học được nhà trường xây dựng trên tinh thần vừa tuân thủ các quy chế, quy định về đạo đức nhà giáo, nền nếp, kỷ luật trong môi trường sư phạm, phù hợp với đặc điểm tâm lý độ tuổi học sinh trung học; thể hiện được mối quan hệ thân thiện, gần gũi giữa các chủ thể trong học đường như:

Thầy với thầy, thầy với trò, thầy với phụ huynh, trò với trò. Thầy Nguyễn Thành Liêm, giáo viên của trường cho biết: “Ở lứa tuổi bậc THCS, các em có nhiều thay đổi về tâm lý, tính cách nên với vai trò vừa là giáo viên chủ nhiệm, vừa là giáo viên bộ môn, tôi thường quan tâm, hỏi thăm, động viên tình hình học tập, hoàn cảnh gia đình của từng học sinh; đồng thời luôn lắng nghe, tôn trọng ý kiến của các em”.

Có thể thấy, việc xây dựng VHƯX trong các trường học là một hoạt động thiết thực, góp phần thúc đẩy xây dựng các giá trị nhân văn tốt đẹp trong nhà trường, là cơ sở đảm bảo chất lượng giáo dục của nhà trường.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng thực tế hiện nay, trong một số trường học vẫn còn xảy ra tình trạng giáo viên, học sinh có những ứng xử lệch chuẩn gây ảnh hưởng tới môi trường giáo dục như bạo lực học đường, hành vi, lời nói thiếu chuẩn mực... Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc lệch chuẩn trong ứng xử ở môi trường học đường như: Tác động của mạng xã hội, đời sống xã hội, giáo viên áp lực với thành tích, nhiệm vụ chuyên môn…

Thấy rõ tầm quan trọng cần có quy tắc, ứng xử chuẩn mực trong môi trường học đường, ngày 3-10-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1299 phê duyệt Đề án “Xây dựng VHƯX trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”.

Mục tiêu chung của đề án là tăng cường xây dựng VHƯX trong trường học nhằm tạo chuyển biến căn bản về VHƯX của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần xây dựng con người Việt Nam: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Tại tỉnh Tiền Giang, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 192 về việc triển khai thực hiện Quyết định 1299 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng VHƯX trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Theo đó, giai đoạn 2018 - 2020 có 100% trường học xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học theo quy định về quy tắc ứng xử do Bộ GD-ĐT ban hành, phù hợp với điều kiện và đặc trưng của mỗi nhà trường.

Giai đoạn 2021 - 2025, có 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến VHƯX, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng…

Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Thị Phượng, thời gian qua, ngành GD-ĐT đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định của ngành, quy tắc VHƯX của các cơ sở giáo dục tới đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện.

Triển khai thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lý học đường, quan tâm nắm bắt tình hình tư tưởng trong học sinh, phát huy vai trò của học sinh trong việc ngăn chặn, tố giác hành vi bạo lực xảy ra đối với bản thân và bạn bè để nhà trường và gia đình xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động ngoại khóa về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, kết hợp tuyên dương những gương tốt trong học tập, rèn luyện; đồng thời nghiêm khắc kiểm điểm những trường hợp học sinh nhiều lần vi phạm nội quy của nhà trường.

Cùng với việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, ngành GD-ĐT cũng sẽ đẩy mạnh, đổi mới phương pháp dạy học các môn học như: Giáo dục công dân, Ngữ văn, Lịch sử... theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học.

Trong đó, hết sức coi trọng phương pháp trải nghiệm, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, VHƯX cho học sinh. Cùng với sự nỗ lực từ ngành GD-ĐT, rất cần sự phối hợp từ gia đình, xã hội trong việc giáo dục VHƯX cho học sinh, từ đó, tạo nên môi trường học đường an toàn, thân thiện, tích cực, hình thành hệ giá trị tốt đẹp, môi trường học đường mang đậm giá trị nhân văn tốt đẹp.

Đ. PHI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202310/van-hoa-ung-xu-gop-phan-hinh-thanh-phat-trien-nhan-cach-cho-hoc-sinh-993763/