Văn hóa ứng xử trong trường học chuyển biến tích cực

Một trong những nội dung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống văn hóa và kỹ năng sống cho học sinh. Ngày 3/10/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1299/QĐ-TTg phê duyệt đề án 'Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025'. Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã triển khai thực hiện đề án đạt được những kết quả khả quan, tạo sự chuyển biến tích cực về văn hóa học đường, ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, học sinh trong các cơ sở giáo dục.

 Tỉnh đoàn tặng bằng khen cho em Mai Thị Kiều Trinh, đoàn viên Chi đoàn 12B3, Trường THPT Trần Thị Tâm vì hành động nhặt được của rơi trả lại người mất -Ảnh: ĐV

Tỉnh đoàn tặng bằng khen cho em Mai Thị Kiều Trinh, đoàn viên Chi đoàn 12B3, Trường THPT Trần Thị Tâm vì hành động nhặt được của rơi trả lại người mất -Ảnh: ĐV

Thực hiện đề án, Quảng Trị đề ra 2 giai đoạn gồm giai đoạn 2019-2020 và giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu giai đoạn 1 là có 100% trường học xây dựng và nghiêm túc thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử trong trường học do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành hướng dẫn. Hằng năm có ít nhất 90% cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh được tuyên truyền, phổ biến, học tập kinh nghiệm liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng; ít nhất 90% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, cán bộ Công đoàn giáo dục, giáo viên làm Bí thư Đoàn Thanh niên, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội trong nhà trường được bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng xử văn hóa; ít nhất 90% trường học đạt tiêu chuẩn xanh - sạch - đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện… Giai đoạn 2 tiếp tục nâng cao các tiêu chí của giai đoạn 1.

Triển khai đề án, có 100% đơn vị xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng: Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tổ chức các diễn đàn, chương trình, câu lạc bộ, ngoại khóa... Quan tâm nắm bắt và định hướng nhận thức chính trị tư tưởng cho học sinh.

Tiếp tục thực hiện các nội dung của Chỉ thị số 1537/CT-BGDĐT ngày 5/5/2014 của Bộ GD&ĐT về nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục cho học sinh, các cơ sở giáo dục, đào tạo đã tổ chức toàn thể cán bộ, nhà giáo, học sinh hát Quốc ca đúng nhạc và lời, đúng nghi thức và thể hiện nhiệt huyết, lòng tự hào dân tộc; tổ chức hiệu quả, thiết thực ngày khai giảng, lễ tri ân dành cho học sinh lớp 12, lễ đón học sinh đầu cấp.Tiếp tục phát triển, nhân rộng phong trào “Người tốt, việc tốt”. Kịp thời nêu gương, biểu dương những học sinh có phẩm chất đạo đức tốt, có hành động đẹp lan tỏa yêu thương và nhân lên những hành động đẹp, có ý nghĩa tích cực trong việc giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ hôm nay. Nhiều học sinh vinh dự được Bộ GD&ĐT, Tỉnh đoàn, Sở GD&ĐT khen thưởng vì đã nhặt được của rơi trả lại người đánh mất. Cụ thể như: Vào chiều ngày 1/6/2020, trên đường đi học từ xã Hải Hưng đến thị trấn Diên Sanh, 2 em Võ Thị Nhi và Nguyễn Thị Phương, hiện là học sinh lớp 12B1, Trường THPT Hải Lăng phát hiện bên lề đường có một cọc tiền của ai đó đánh rơi. Hai em đã nhặt lên và đến Công an huyện Hải Lăng để trình báo, sau đó bàn giao số tiền 50 triệu đồng cho Công an huyện Hải Lăng cất giữ, xác minh để trả lại cho người mất. Với nghĩa cử cao đẹp trên, Trường THPT Hải Lăng làm tờ trình đề nghị Sở GD&ĐT Quảng Trị kịp thời biểu dương, khen thưởng gương người tốt việc tốt để giáo dục học sinh trong toàn trường. Sau đó, 2 em Võ Thị Nhi và Nguyễn Thị Phương đã vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen...

Trong năm học 2019 - 2020, các trường học đã triển khai sử dụng bộ tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức lối sống” dành cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 9 trong các hoạt động dạy, học và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Phối hợp với Phòng PA03, Công an tỉnh nắm bắt tình hình chính trị tư tưởng trong cán bộ, giáo viên và học sinh. Các trường học đã tổ chức hiệu quả hoạt động đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường, cán bộ, nhà giáo với học sinh để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và xử lý kịp thời những vấn đề khó khăn, bức xúc. Chủ động phát hiện và phối hợp với ngành Công an, chính quyền địa phương để xử lý các vấn đề phức tạp về chính trị tư tưởng liên quan đến cán bộ, giáo viên và học sinh, tránh để bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia các hội, nhóm, tổ chức hoạt động trái pháp luật và các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, tụ tập gây rối an ninh, trật tự an toàn xã hội…

Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh; phòng, chống tình trạng bạo lực học đường, bạo hành học sinh; tuyên truyền về an toàn giao thông; tổ chức kiểm tra, rà soát các tiêu chuẩn trường học đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Các cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của giáo viên, cán bộ quản lý của các cơ sở giáo dục và cha mẹ học sinh trong việc giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực đối với trẻ em; chủ động phát hiện, phòng ngừa các tình huống bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại đối với trẻ em, học sinh. Ngoài ra, các trường học đã không ngừng chú trọng nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; chú trọng xây dựng văn hóa trường học, môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; triển khai thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học, các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường; xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Hiếu Giang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=152681