Văn hóa và kiến trúc tạo nên hồn cốt dân tộc

Với mong muốn phát huy hơn nữa vai trò của kiến trúc trong sự nghiệp phát triển của đất nước, ngày 22.4, tại Trung tâm Tinh hoa làng nghề Bát Tràng - Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã tổ chức hội thảo Vai trò kiến trúc với phát triển bền vững văn hóa – kinh tế – xã hội.

Không gian hội thảo.

Không gian hội thảo.

Tại hội thảo, với sự tham gia của hơn 50 bài tham luận, các đại biểu đã bàn luận, đưa ra những ý kiến về vai trò của lĩnh vực kiến trúc trong mối quan hệ tương hỗ với các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội để có được những tiếng nói đa chiều, những góc nhìn khách quan về sự phát triển của kiến trúc Việt Nam trong tương lai, hướng tới sự phát triển bền vững.

Văn hóa và kiến trúc gắn bó khăng khít với nhau, tạo nên hồn cốt dân tộc

Mở đầu hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu: “Gắn liền với lịch sử dân tộc, nền kiến trúc Việt Nam đã hình thành, từng bước phát triển phù hợp với đặc điểm của từng giai đoạn, thời kỳ phát triển của đất nước và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và tự hào.

75 năm qua, các thế hệ kiến trúc sư đã nối tiếp nhau viết nên những trang sử vàng truyền thống của Hội. Với sự nỗ lực, cố gắng cao độ của các lãnh đạo và hội viên qua các thời kỳ, Hội đã có những bước phát triển vững chắc, không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng hoạt động cả trong nước và hợp tác quốc tế”.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại sự kiện.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại sự kiện.

KTS. Hoàng Thúc Hào, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, khẳng định nền kiến trúc của một quốc gia, hẹp hơn là nền kiến trúc của mỗi tộc người trong quốc gia đó, là bộ phận cấu thành của một nền văn hóa. Những công trình kiến trúc không chỉ là yếu tố làm nên nét đặc trưng của mỗi vùng miền, đồng thời cũng là biểu tượng thiêng liêng và quý giá, là niềm tự hào của dân tộc đã sáng tạo ra công trình ấy.

“Thời đại 4.0 đem lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế, hội nhập văn hóa, hợp tác khoa học, công nghệ và lan tỏa kiến trúc, tuy nhiên luôn đi kèm thách thức. Bản sắc văn hóa và kiến trúc bản địa không thể bị mai một, hòa tan, biến mất. Văn hóa và kiến trúc gắn bó khăng khít với nhau, tạo nên hồn cốt dân tộc. Truyền thống là điểm tựa vững chắc cho văn hóa và kiến trúc trong quá trình tiếp thu những yếu tố mới để thích ứng với thời đại”, KTS. Hoàng Thúc Hào chia sẻ thêm.

Không chỉ đóng góp phát triển văn hóa, kiến trúc còn đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước, như nhận định của Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phan Đăng Sơn: “Kiến trúc chính là một minh chứng rõ ràng nhất về thời đại – xã hội. Công trình kiến trúc nổi bật sẽ phản ánh khá rõ tình hình kinh tế – xã hội và cả văn hóa - môi trường ở mỗi quốc gia. Vai trò và vị thế kiến trúc ở mỗi quốc gia, mọi chế độ đều có tầm quan trọng đặc biệt, là một phần định lượng khá rõ rệt, làm thước đo phản ánh sự thành công hay thất bại trong xây dựng quốc gia - chế độ đó”.

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phan Đăng Sơn chia sẻ tại sự kiện.

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phan Đăng Sơn chia sẻ tại sự kiện.

Ngoài ra, trong tham luận về Bối cảnh và đặc điểm kiến trúc hiện đại miền Nam giai đoạn 1954-1986, KTS-TS. Phạm Phú Cường, Phó Chủ tịch Hội Kiến rúc sư TP.HCM, cho biết: “Kiến trúc hiện đại đã trở thành kiến trúc bản địa của người Việt. Cộng đồng địa phương và nền văn hóa của họ được nhận dạng qua kiến trúc này. Bài học về sự kết hợp giữa truyền thống và dân tộc, giữa quốc tế và hiện đại của kiến trúc miền Nam trong thời kỳ này vẫn còn nguyên giá trị của nó trong bối cảnh phát triển kiến trúc miền Nam hiện nay”.

Đồng quan điểm trên, KTS. Đoàn Thanh Hà (H&P Architect) nhấn mạnh ý nghĩa của kiến trúc trong đời sống xã hội: “Kiến trúc là một sản phẩm của văn hóa, góp phần tạo nên môi trường của văn hóa. Đồng thời, kiến trúc cũng là môi trường trung gian giữa con người và tự nhiên. Nó là thiên nhiên thứ hai và là điểm giao thoa giữa văn hóa và tự nhiên. Nói cách khác, kiến trúc là hiện thực hóa mối quan hệ bền chặt giữa con người với môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa xã hội”.

Còn nhiều thách thức về kiến trúc đô thị

Bên cạnh những đóng góp to lớn của kiến trúc đối với phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cũng chỉ ra nhiều thách thức lớn mà Hội đang phải đối mặt, như: kinh tế tri thức, hội nhập sâu rộng, các vấn đề toàn cầu truyền thống, phi truyền thống và công cuộc đổi mới đất nước ta. Điều này đặt ra và đòi hỏi đội ngũ kiến trúc sư Việt Nam cần phải có những nỗ lực mới, yêu cầu mới.

KTS. Hoàng Thúc Hào nhận định: “Nhìn lại sự phát triển của kiến trúc hiện tại trong hơn 20 năm qua, có thể thấy dường như những cấu trúc di truyền có căn tính tốt đã mất mát hao hụt đi rất nhiều, thay vào đó là nhiều biến dị bất lợi. Những vấn đề tiêu cực biểu hiện trong kiến trúc nông thôn, bảo tồn di sản đô thị, phát triển nhà ở đô thị, cảnh quan đô thị... Dễ dàng nhận thấy yếu tố bản sắc – vốn được tích lũy bao năm, đã từng có vị trí và thành tựu đáng kể – chưa được phát huy trong xã hội hiện đại, thậm chí nảy sinh đứt gãy, biến dạng giữa truyền thống và hiện đại”.

Các đại biểu bàn luận, đưa ra những ý kiến góc nhìn khách quan, đa diện về sự phát triển của kiến trúc Việt Nam trong tương lai, hướng tới sự phát triển bền vững.

Các đại biểu bàn luận, đưa ra những ý kiến góc nhìn khách quan, đa diện về sự phát triển của kiến trúc Việt Nam trong tương lai, hướng tới sự phát triển bền vững.

Qua đó, KTS. Hoàng Thúc Hào cũng đã đưa ra một số ví dụ cho thực trạng trên, ông cho rằng, một số đô thị nổi tiếng về cảnh quan thơ mộng và kiến trúc đẹp như Đà Lạt ở phía Nam và Sapa ở phía Bắc giờ đã bị bê tông hóa trên 80%. Mặt biển Quảng Ninh bị san lấp, quy hoạch phân lô, vây hãm các đảo đá vôi. Bờ biển ở Đà Nẵng và Nha Trang,... bị resort hóa, khách sạn hóa san sát, ngăn người dân từ phố bước ra dạo biển.

“Đó là sự phá hủy nhân danh phát triển, là thất bại rõ ràng của giới chuyên môn có tâm nhưng bất lực trước dã tâm của các chủ đầu tư đầy tiềm lực tài chính nhưng thiếu kiến thức (về quy hoạch kiến trúc), chỉ thấy lợi ích trước mắt mà sẵn sàng bỏ qua lợi ích lâu dài của toàn thể cộng đồng. Khắc phục sửa chữa các sai lầm này mất rất nhiều thời gian, công sức và thậm chí là không thể khôi phục những giá trị từng có”, KTS. Hoàng Thúc Hào nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, KTS-TS. Trương Văn Quảng cho biết: “Ngày nay, những biến đổi trong quá trình đô thị hóa có nguy cơ phá vỡ sự cân bằng được thiết lập giữa con người và môi trường sống, làm cho những giá trị văn hóa, truyền thống có nguy cơ bị phai mờ. Tính dân tộc, hiện đại trong văn hóa nói chung, trong kiến trúc – quy hoạch nói riêng đang là thử thách to lớn với mọi quốc gia trong quá trình tồn tại, phát triển của mình.

Quá trình đô thị hóa phát triển mạnh mẽ ngoài những tác động tích cực làm tăng và phát triển mạnh kinh tế - xã hội, phát triển cấu trúc hạ tầng, kích thích sự phát triển không gian, quy mô xây dựng đô thị... còn có những tác động tiêu cực như: Đô thị hóa có tính cạnh tranh cao, khó kiểm soát, có nguy cơ phá vỡ cấu trúc không gian đô thị Việt cổ truyền... ảnh hưởng trực tiếp đến tâm, sinh lý những người dân sống trong các đô thị”.

Trước thực trạng đó, KTS. Trương Văn Quảng cho rằng: “‘Hội nhập’ với thế giới là xu hướng tất yếu, nhưng để tránh ‘hòa tan’ mỗi quốc gia phải biết giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc mình.

Các chính sách phát triển luôn đề cập đến các yếu tố văn hóa truyền thống nói chung, di sản kiến trúc đô thị nói riêng cũng cần được quan tâm gìn giữ, tôn tạo và phát huy giá trị; Cần có thái độ nghiêm túc nhìn nhận vai trò của di sản kiến trúc đô thị và cần có những giải pháp quy hoạch, bảo vệ tồn tạo hợp lý, vừa đảm bảo tôn trọng phát huy giá trị di sản, vừa đảm bảo tính liên tục của cấu trúc đô thị trong quá trình phát triển – tạo nên một môi trường đô thị hiện đại, giàu truyền thống, có bản sắc cho hôm nay và mai sau”.

Thông qua hội thảo cũng đã thể hiện được những suy ngẫm của giới làm nghề và một lần nữa khẳng định được vai trò cũng như trách nhiệm của kiến trúc sư với xã hội, với cộng đồng trong sự phát triển chung của đất nước.

Trong khuôn khổ của hội thảo, còn diễn ra sự kiện “Tuần lễ Kiến trúc Việt Nam” với không gian triển lãm kiến trúc độc đáo, giới thiệu các hoạt động của hội, các tác giả, tác phẩm đạt giải thưởng Kiến trúc Quốc gia năm 2022-2023 và Chương trình Nhà ở nông thôn. Đây là dịp để quảng bá những hoạt động của giới kiến trúc sư tới đông đảo người dân Thủ đô.

Không gian triển lãm mở của tự do đến hết ngày 30.4 tại vườn hoa Diên Hồng, Hà Nội.

Bài và ảnh: Mộc Trà

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/van-hoa-va-kien-truc-tao-nen-hon-cot-dan-toc-39247.html