Văn học bồi đắp bản sắc dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên
Cuộc tọa đàm 'Văn học dân tộc thiểu số Tây Nguyên - Những hướng đi' do Hội Văn học Nghệ thuật của ba tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Đắk Nông phối hợp tổ chức tại TP Ban Mê Thuột, thực sự là một lời nhắc nhở cần thiết cho những người yêu thích văn chương nói riêng và những người quan tâm văn hóa nói chung.
Dường như, đã nhiều năm rồi, chúng ta mãi bận bịu với các đòi hỏi cấp thiết của đời sống Tây Nguyên như thay đổi cơ cấu cây trồng hoặc chuyển dịch mô hình sản xuất, mà vô tình quên đi đồng bào dân tộc thiểu số cũng cần được cất lên những tâm tư qua tác phẩm văn học.
Giá trị được khai thác từ trầm tích đất đỏ bazan, đâu chỉ là những rẫy cà phê, những đồi hồ tiêu hay những vườn cà phê. Những tiếng cồng, tiếng chiêng đã thưa vắng dần giữa những tiếng xe cộ hiện đại, nhưng bản sắc của Ê Đê, Ba Na, Mơ Nông, Jrai, Cơ Ho, Xơ Đăng... vẫn được gìn giữ và ôm ấp, chỉ chờ cơ hội được rộn ràng như con suối đầu nguồn xanh mát. Thế nhưng, tiếc thay, chúng ta quá chú trọng đến những lễ hội hướng đến sự hoành tráng, mà chúng ta chưa chủ động kích hoạt những vẻ đẹp dân tộc thiểu số Tây Nguyên qua những câu thơ, những trang văn.
Thời gian gần đây, văn học dân tộc thiểu số Tây Nguyên tương đối vắng lặng. Đừng truy vấn lỗi do đâu, vì không ai có quyền thờ ơ với khát vọng trường tồn của Tây Nguyên, kể cả người quản lý văn hóa lẫn người đam mê cầm bút. Tây Nguyên từng là nguồn cảm hứng cho nhiều sáng tác nổi tiếng của Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Ngọc Anh, Trung Trung Đỉnh, Vũ Hữu Định... Người dân tộc Kinh viết về Tây Nguyên đã đáng trân trọng, mà người dân tộc thiểu số viết về Tây Nguyên càng đáng trân trọng hơn. Tiếp sau “già làng” là nhà văn Y Điêng (sinh năm 1928) thì văn học dân tộc thiểu số Tây Nguyên cũng có sự tiếp nối của vài gương mặt thành danh như Linh Nga Niêk Đăm, Nay Nô, Kim Nhất, Niê Thanh Mai, Hoàng Thanh Hương...
Văn học dân tộc thiểu số đang gặp nhiều thiệt thòi. Minh chứng cụ thể nhất là hơn một thập niên qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã xóa bỏ Ban Văn học dân tộc thiểu số. Còn Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam bao gồm nhiều chuyên ngành, không thể ưu ái chăm chút riêng cho lĩnh vực văn học. Vậy thì thử hỏi, những cây bút dân tộc thiểu số với phẩm chất như nhà thơ Pờ Sảo Mìn viết: “Đã đi là như chạy/ Như mây bay lửa cháy ầm ầm” biết trông cậy vào đâu để hun đúc tinh thần sáng tạo?
Nhìn trên bình diện cả nước, văn học dân tộc thiểu số Tây Nguyên và văn học dân tộc thiểu số đồng bằng sông Cửu Long có đội ngũ thưa thớt hơn so với văn học dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc. Văn học dân tộc thiểu số Tây Nguyên cũng chưa có những gương mặt vượt trội như Y Phương (1948-2022) hoặc Lò Ngân Sủn (1945-2013). Thế nhưng, bám chặt vào cội rễ thiêng liêng, văn học dân tộc thiểu số Tây Nguyên vẫn có dòng chảy âm thầm và bền bỉ. Nếu như nhà thơ Mô Lô Y Choi có bài “Cô gái vót chông” được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ thành ca khúc nổi tiếng hơn nửa thế kỷ qua, thì nhà thơ Ka Sô Liễng có những câu thơ xao xuyến “Con chim không bao giờ quên/ Mặt đất nuôi sống mình”.
Ở mảng văn xuôi, các cây bút dân tộc thiểu số của Tây Nguyên có được những ấn tượng khá độc đáo. Có thể kể đến “Trăng Xí Thoại” của Linh Nga Niêk Đăm, “Luật của rừng” của Kim Nhất, “Về bên kia núi” của Niê Thanh Mai... Hoặc qua tập “Nhánh cỏ dưới chân Đăm San” có thể hy vọng ở những tên tuổi mới như H Siêu Byã, HXíu Hmok, H Phila Niê, HWêra.
Trải nghiệm với Tây Nguyên để có được “Đất nước đứng lên” và “Rừng Xà Nu”, nhà văn Nguyên Ngọc nhận định: “Nói đến Tây Nguyên người ta thường hay nghĩ, nói ngay đến thiên nhiên, núi non, rừng rú, cảnh quan lạ lùng của nó. Tất nhiên cái đó là đúng và cũng tác động đến người mới bước chân đến đây. Nhưng còn quan trọng hơn nhiều, theo tôi là nền văn hóa của nó. Các dân tộc Tây Nguyên đã “cấy trồng” trên đất đai núi rừng của mình một nền văn hóa lớn, cực kỳ độc đáo và đặc sắc, lâu đời và bền vững”.
Vậy thì, phải làm gì để văn học dân tộc thiểu số Tây Nguyên tiếp tục bảo tồn và phát huy văn hóa Tây Nguyên? Rất đơn giản, hãy mạnh dạn và hãy thiện chí đầu tư thỏa đáng cho văn học dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Cuộc tọa đàm “Văn học dân tộc thiểu số Tây Nguyên - Những hướng đi” có thể xem như một lần điểm danh sốt ruột, mà từ đó thấy được hai việc cần làm ngay. Thứ nhất, hỗ trợ xuất bản và quảng bá tác phẩm của các cây bút dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Thứ hai, thường xuyên tổ chức trại viết để bồi dưỡng lực lượng viết trẻ dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Kinh phí cho hai việc cấp bách ấy, không thể chần chừ chờ đợi nguồn lực xã hội hóa, mà nên khéo léo sử dụng ngân sách Nhà nước.
Đã từng nhiều năm đảm nhận vai trò lãnh đạo văn nghệ, nhà văn Linh Nga Niêk Đăm lý giải vì sao văn học Tây Nguyên chưa phản ánh được những vấn đề nóng bỏng của Tây Nguyên: “Không thể nói là Tây Nguyên thiếu đề tài, nên điều này, có thể xuất phát trước hết ở sự thiếu vốn sống, sau đó có thể từ sự bế tắc, thậm chí là né tránh, chưa hoặc không dám đề cập đến những vấn đề đáng được quan tâm. Về nghiệp vụ vẫn ở dạng sơ khai, đơn giản trong việc mổ xẻ tâm lý, hạn chế về cấu trúc ngôn ngữ và chưa có tác phẩm thật sự đạt đỉnh cao về giá trị nghệ thuật. Do nội lực của mỗi cá nhân cũng có, do việc từ ít cho đến không thể xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng để tiếp cận công chúng lẫn các nhà phê bình văn học, cũng như khó khăn của kinh phí in ấn, xuất bản cũng có.
Dẫu vậy, đội ngũ những người viết văn dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên ngày càng được bổ sung, thậm chí cả được đào tạo bài bản; tuy mới chủ yếu sôi nổi và khá đều đặn ở Đắk Lắk, vẫn là một việc làm đúng đắn, có hiệu quả từ sự quan tâm của các Hội Văn học nghệ thuật Trung ương và địa phương. Chỉ có điều, để định hình một tác giả không phải là việc một sớm, một chiều, cũng như động viên được những cây bút trẻ tiếp tục gắn bó với văn chương, trong thời buổi kinh tế thị trường xô đẩy này, không phải là việc dễ.
Nhưng chúng ta có quyền hy vọng và trông mong ở tấm lòng của các Hội Văn học nghệ thuật địa phương trong khu vực, cũng như nhiều hơn là của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Văn nghệ dân tộc thiểu số Việt Nam, có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy bồi dưỡng, đào tạo lực lượng sáng tạo trẻ này, không chỉ là ở tăng cường phối hợp để có thêm những lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thường niên, mà còn có sự động viên nào đó về tinh thần chăng?”.
Không ai dám tiên liệu khi nào văn học dân tộc thiểu số Tây Nguyên sẽ xuất hiện những tác giả lớn. Thế nhưng, có một điều chắc chắn là các cây bút dân tộc thiểu số Tây Nguyên luôn có sẵn giọng điệu riêng biệt được chưng cất từ bản sắc văn hóa của họ. Những gì họ tự tin viết ra sẽ tự nhiên có hồn vía của họ, như cách Y Moan hát, như cách Rơ Chăm Piang hát, như cách Siu Back hát...
Tốc độ đô thị hóa đang khiến không gian Tây Nguyên trở nên chật chội hơn, nhưng văn học dân tộc thiểu số Tây Nguyên vẫn cồn cào mạch nguồn bất tận trong văn hóa Tây Nguyên. Khơi dậy cảm hứng cho văn học dân tộc thiểu số Tây Nguyên để giữ tiếng sóng hoàng hôn trên sông Serepok, để giữ màu áo Hre tưng bừng lưng đèo Măng Đen, để giữ điệu múa Lạch uyển chuyển cao nguyên Lang Biang... Khơi dậy cảm hứng cho văn học dân tộc thiểu số Tây Nguyên để được nghe thanh âm đại ngàn réo rắt, như câu chuyện “Người kể khan” của HTriem Knul: “Già say lời kể/ Người nghe say lời già/ Già kể từ ngày trước/ Ngày sau chưa hết lời”.