Văn học cũ, cần những cách đọc mới
'Phê bình văn học là sự tự ý thức của văn học', 'Phê bình là thước đo mức độ trưởng thành của một nền văn học, một nền văn học chưa thể gọi là cứng cáp nếu không có phê bình văn học' v.v... Người ta vẫn nói những điều đại loại như vậy để khẳng định vị trí của phê bình văn học trong đời sống.
Tuy vậy, không phải bất cứ ai quan tâm đến phê bình văn học cũng có chung một quan điểm về đối tượng của phê bình. Và chính sự khác biệt quan điểm này đã dẫn tới sự khác biệt trong cách ứng xử đối với các khu vực của hoạt động phê bình văn học, đôi khi rất tùy hứng.
Phê bình văn học có nhiệm vụ nhận thức, phát hiện và lý giải các giá trị nghệ thuật tiềm ẩn trong tác phẩm văn học. Nhưng tác phẩm văn học nào? Vấn đề nằm ở chính câu hỏi này. Trong đời sống văn học Việt Nam hiện nay đang có ít nhất hai kiến giải:
1/ Đối tượng của phê bình văn học là các tác phẩm văn học đương đại - “văn học ở thì hiện tại tiếp diễn”; và 2/ Đối tượng của phê bình văn học là toàn bộ các tác phẩm văn học có ý nghĩa đương đại đối với đời sống tinh thần của con người đương đại, nói gọn lại, nó bao hàm cả “văn học ở thì hiện tại tiếp diễn” và “văn học ở thì quá khứ”.
Có thể dễ dàng nhận thấy rằng sự khác biệt giữa hai kiến giải này chỉ là ở độ hẹp hơn (1) hay rộng hơn (2) của từng quan niệm. Tuy nhiên cái phần “dôi dư” khi ta “xếp chồng” hai kiến giải - tức là các tác phẩm văn học quá khứ - mới là ngòi nổ của không ít tranh luận và điều tiếng trong thời gian qua.
Lập luận của những người chủ trương kiến giải (1) là như sau: Văn học quá khứ, nhất là những tác phẩm đạt tới sự cổ điển, là những giá trị đã vượt qua thử thách, đã ổn định, đã được đông đảo bạn đọc thừa nhận. Do vậy, nếu khẳng định Nguyễn Du là thiên tài, "Truyện Kiều" là kiệt tác - ví dụ thế - thì cũng là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nó cũng tức cười ngang bằng với việc một ai đó tuyên bố mình đã tìm ra châu Mỹ ở thế kỷ XXI. Và rồi từ đó, họ - những người chủ trương kiến giải (1) - dễ dàng kết tội nhà phê bình nào đến giờ phút này vẫn còn mắc mứu với di sản của ông cha: nào là không đủ năng lực và dũng khí để thẩm định những giá trị văn học đang sinh thành, nào là bỏ trốn cái hiện tại để tìm kiếm vinh quang dưới bóng đổ của những tượng đài văn học quá khứ v.v... Tựu trung, họ yêu cầu phê bình văn học phải nhắm vào văn học đương đại, vào cái mớ bòng bong các tác phẩm văn học đang tuôn ra ào ào mà sự hay dở tốt xấu của chúng rất cần đến con mắt phân định của nhà phê bình. Còn đối với các tác phẩm văn học quá khứ, thì... nên kính nhi viễn chi.
Thực ra, yêu cầu lý giải, phát hiện, thẩm định đối với văn học đương đại - một yêu cầu rất chính đáng - không phải không nằm trong quan niệm của những người theo kiến giải (2). Nhưng, với sự nới rộng phạm vi của đối tượng mà phê bình văn học phải giải quyết, họ đã không bỏ qua văn học quá khứ. Xin được nói ngay: đây là điều hoàn toàn hợp lý. Bảo rằng Nguyễn Du là thiên tài, "Truyện Kiều" là kiệt tác, và chỉ có thế, thì đúng là cũ mèm và cũng chẳng có gì oan uổng khi nó bị những người theo kiến giải (1) kết tội.
Nhưng thực tế của lịch sử phê bình "Truyện Kiều" lại cho thấy, khi tiếp cận trở lại với kiệt tác này, mỗi một nhà phê bình đều đã nỗ lực phát hiện và chứng minh thiên tài Nguyễn Du ở những phương diện mà người đi trước chưa chỉ ra được: Hoài Thanh đọc thấy quyền sống của con người trong "Truyện Kiều", Lê Đình Kỵ tôn vinh chủ nghĩa hiện thực của "Truyện Kiều", Phan Ngọc lập hồ sơ cho những thao tác lựa chọn của Nguyễn Du khi viết "Truyện Kiều", Trần Đình Sử tâm đắc với mô hình tự sự độc đáo của "Truyện Kiều"...
Tóm lại, những phẩm chất nghệ thuật tiềm ẩn trong kiệt tác "Truyện Kiều", những phẩm chất nghệ thuật cho thấy thiên tài Nguyễn Du chỉ được "phát hiện dần theo thời gian" (tôi nhấn mạnh), và cho tới thời điểm hiện tại, quá trình này vẫn chưa kết thúc (Lý thuyết về tác phẩm văn học của Roman Ingarden và tác phẩm mở của Umberto Eco đặt cơ sở lý luận cho một niềm tin như vậy). Những ví dụ từ lịch sử phê bình "Truyện Kiều" cho thấy văn học quá khứ - nhất là những kiệt tác - không bao giờ chịu đông cứng ở một vài phán đoán giá trị cụ thể. Vấn đề ở chỗ là nhà phê bình có đủ sức để đọc nó một cách khác hay không? Nghĩa là, trong câu chuyện chúng ta đang bàn, phê bình văn học có thể và cần phải không được bỏ qua cái mảng tác phẩm vô cùng quan trọng này.
Thời gian gần đây, khi quan sát một số giải thưởng văn học thường niên có uy tín (trong nước), tôi nhận thấy giải lý luận phê bình rất ít khi (thậm chí là không bao giờ) được trao cho những tác phẩm viết về văn học quá khứ, mặc dù nó có thể rất giàu giá trị học thuật. Vì sao? Là vì nó viết về văn học quá khứ nên không có tác động tích cực gì đối với đời sống văn học đương đại - những người trao giải cắt nghĩa như vậy. Tất nhiên, mỗi giải thưởng đều có những tiêu chí riêng của nó, điều đó tôi không bàn ở đây. Cái đáng phải xem xét là quan niệm về chức năng của phê bình văn học đối với đời sống văn học nói chung, cụ thể là với người sáng tác và với công chúng.
Với công chúng, phê bình văn học làm nhiệm vụ đề xuất một cách đọc, một cách giải mã tác phẩm, qua đó thực hiện chức năng định hướng thẩm mĩ. Hoặc, ở mức đơn giản hơn, phê bình văn học giới thiệu tác phẩm cho độc giả, giúp họ lựa chọn cái để đọc, cái đáng đọc giữa một biển tác phẩm mênh mông. Những điều đó rất cần trong trường hợp đối tượng của phê bình là văn học đương đại. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp đối tượng của phê bình là văn học quá khứ thì điều đó vẫn cần.
Được đọc một tác phẩm mới nhất của văn học đương đại, và được thưởng thức lại một tác phẩm quá khứ nhưng dưới một sự chiếu rọi mới, một nhãn quan mới, cả hai đều có tác dụng tốt như nhau đối với độc giả. Chỉ có thể phủ định những công trình, hoặc những bài phê bình văn học quá khứ nào nói toàn chuyện đã cũ mà thôi. Còn nếu chỉ vì nó đề cập tới văn học quá khứ mà vội nói rằng nó không có tác động tích cực tới đời sống, thì coi chừng, ta đang làm cái việc mà ngạn ngữ đã cảnh báo: “hắt chậu nước, hắt luôn cả đứa bé trong chậu”.
Còn với người sáng tác thì sao? Phê bình đích thực phải chỉ ra và lý giải được cơ cấu nghệ thuật nằm ở tầng sâu của tác phẩm, vạch ra được con đường tư duy sáng tạo mà tác giả đã đi qua, kể cả những nẻo đường chìm trong vô thức. Làm được như vậy, phê bình đặt tác giả vào tình huống mặt đối mặt với chính mình, với những khả năng lựa chọn phương án cho các tác phẩm tiếp theo của mình: phải đổi khác, hoặc vẫn giữ nguyên như cũ. Phải nói ngay, điều này khác hẳn với cái cách nhà phê bình cầm tay người sáng tác để dạy bảo, như Aristotle đã làm từ thời cổ Hy Lạp. Trên phương diện ấy, quả là phê bình đã cho thấy tác động thiết thực của nó khi nó hướng tới văn học đương đại, nơi mà tác phẩm đang sinh thành từng ngày từng giờ. Nói như vậy không có nghĩa là việc phê bình các tác phẩm văn học quá khứ ở đây trở nên vô ích. Có lẽ, phải hình dung sự tác động của phê bình trong trường hợp này không phải theo đường thẳng, mà là theo đường vòng.
Chúng ta thấy rằng, mỗi một phương pháp phê bình văn học mới ra đời, thường ít khi xuất hiện lần đầu tiên dưới dạng những nguyên tắc lý thuyết thuần túy. Nó gắn với các tác phẩm văn học cụ thể, mà không hề ngẫu nhiên, đó lại là những tác phẩm văn học quá khứ. Bởi lẽ, chỉ ở đây, ở những mảnh đất đã bị cày đi xới lại, chừng như không hứa hẹn một điều gì mới, thì tính năng của phương pháp phê bình mới ấy mới được chứng minh.
Khi A. Propp phân tích hình thái học của truyện cổ tích thần kỳ, khi Yu. Lottman phân tích thơ của Puskin và Lermontov, khi Roman Jacobson phê bình bài thơ “Con mèo” của Beaudelaire, khi Charles Mauron giải mã sáng tác của Lautremont, khi Roland Barthes tìm hiểu bi kịch của Racine v.v... tất cả dường như đều cùng mục đích. Họ không những chỉ ra những phương diện mới, chưa từng được phát hiện ở tác phẩm văn học quá khứ. Điều quan trọng hơn, là họ trình bày một phương pháp làm việc mới, đề xuất một cách tiếp cận mới đối với các tác phẩm văn học nói chung, để từ đó, những người khác có thể sử dụng nó mà soi chiếu vào các tác phẩm văn học đương đại. Nói việc phê bình các tác phẩm văn học trong quá khứ có tác động tới đời sống văn học đương đại theo đường vòng, là như vậy.
Từ tất cả những điều đã trình bày ở trên, xin được mạnh dạn kết luận: việc phê bình văn học hướng về các tác phẩm văn học trong quá khứ, văn học cũ - cùng lúc với việc nó không bỏ qua mặt trận văn học đương đại - là điều cần thiết và phải được tôn trọng. Vấn đề còn lại, đáng nói, chỉ là tài năng của nhà phê bình mà thôi.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/van-hoc-cu-can-nhung-cach-doc-moi-i719157/