Văn học góp phần tích cực trong hòa hợp, hòa giải dân tộc

Chiều 28/4, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học về chủ đề: 'Văn học, nghệ thuật của người Việt, người gốc Việt ở nước ngoài sau 50 năm đất nước thống nhất, đổi mới, phát triển'.

Hội thảo khoa học thu hút các nhà lãnh đạo và giới nghiên cứu văn học, nghệ thuật.

Hội thảo khoa học thu hút các nhà lãnh đạo và giới nghiên cứu văn học, nghệ thuật.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh dự và chỉ đạo hội thảo; cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Hoàng Trung Dũng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Hội thảo còn có sự tham dự của đại diện Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; các nhà nghiên cứu ở Đài Loan (Trung Quốc); lãnh đạo và nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Hội đồng Lý luận Trung ương; lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; hơn 150 nhà khoa học, văn nghệ sĩ là người Việt Nam đang sống, làm việc ở trong nước, nước ngoài và các học giả quốc tế.

 Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến (với các nhà khoa học ở nước ngoài). Có 60 tham luận của các nhà nghiên cứu trong nước và 14 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới được tập hợp trong kỷ yếu hội thảo, trong đó, một số tham luận được trình bày trực tiếp tại hội thảo.

Các tham luận khẳng định chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam về hòa giải, hòa hợp dân tộc, thống nhất đất nước, về đại đoàn kết toàn dân tộc; coi người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; coi văn học nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam. Tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong phát biểu mang tính định hướng, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Trong nền văn học, nghệ thuật Việt Nam ngày nay có một bộ phận hết sức quan trọng, đó là hoạt động văn học, nghệ thuật hết sức phong phú và đặc sắc của kiều bào ta ở nước ngoài với gần 6 triệu người con sống xa quê hương nhưng luôn hướng về Tổ quốc. Đây là "cửa sổ văn hóa", mở ra cho thế giới cái nhìn sâu sắc về bản sắc, tâm hồn, trí tuệ và khát vọng của dân tộc Việt Nam.

Các văn nghệ sĩ người Việt ta ở nước ngoài là những "đại sứ văn hóa", “người thắp lửa” truyền giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng kiều bào ta; đồng thời là đội ngũ tiên phong trong việc tăng cường giao lưu nhân dân, tạo dựng sự hiểu biết và mối thiện cảm giữa Việt Nam với các nước.

Thông qua các tác phẩm văn học, âm nhạc, hội họa, điện ảnh và nhiều loại hình nghệ thuật khác, hình ảnh một Việt Nam tươi đẹp, giàu truyền thống, đổi mới, năng động, sáng tạo và nhân văn được giới thiệu sinh động tới bạn bè khắp năm châu; trở thành cầu nối hiệu quả thúc đẩy hội nhập, nâng cao sức mạnh “mềm” quốc gia, khẳng định vị thế và uy tín nước ta trên trường quốc tế.

Nhìn lại nửa thế kỷ qua, trong dòng chảy lịch sử của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam, chúng ta đã chứng kiến những cảm xúc thăng trầm, những cung bậc chuyển đổi khác nhau trong hoạt động văn học, nghệ thuật của kiều bào ta ở nước ngoài.

 Đồng chí Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phân tích, nhấn mạnh những nội dung quan trọng trong các nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đồng bào ta ở nước ngoài như Nghị quyết 08-NQ/TW, ngày 29/11/1993 của Bộ Chính trị: "Người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam"; Nghị quyết 36-NQ/TW, ngày 26/3/2024 của Bộ Chính trị: "Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai"; Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng: "Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, "dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh" làm điểm tương đồng, tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia- dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước".

Các văn nghệ sĩ người Việt ta ở nước ngoài là những "đại sứ văn hóa", "người thắp lửa" truyền giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng kiều bào ta; đồng thời là đội ngũ tiên phong trong việc tăng cường giao lưu nhân dân, tạo dựng sự hiểu biết và mối thiện cảm giữa Việt Nam với các nước.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đưa ra ý kiến: Để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển và phát huy những đóng góp to lớn của văn học, nghệ thuật của kiều bào ta ở nước ngoài, tôi đề nghị cần quan tâm thực hiện thật tốt một số giải pháp mang tính định hướng, như: Tạo dựng một môi trường thuận lợi, cởi mở nhằm khuyến khích các văn nghệ sĩ kiều bào sáng tạo nghệ thuật gắn bó với cội nguồn dân tộc; chú trọng ghi nhận và tôn vinh văn nghệ sĩ Việt Nam ở nước ngoài. Việc ghi nhận, biểu dương những đóng góp của các văn nghệ sỹ cần được thực hiện thường xuyên và có chiều sâu; triển khai các cơ chế, chính sách thiết thực nhằm hỗ trợ đội ngũ văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài theo tinh thần đột phá trong các nghị quyết mới của Đảng như: Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59-NQ/TW, về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; tăng cường hợp tác giữa đội ngũ văn học, nghệ thuật trong nước và ngoài nước.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương trình bày báo cáo đề dẫn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương trình bày báo cáo đề dẫn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương trong báo cáo đề dẫn hội thảo đã chỉ rõ: Từ năm 1945 trở về trước, số người Việt Nam sống và làm việc ở nước ngoài không nhiều, trong đó, số người Việt, gốc Việt tham gia sáng tạo văn chương, nghệ thuật ở nước ngoài còn ít.

Đến thời cận-hiện đại là sáng tác mỹ thuật của vua Hàm Nghi bị lưu đày xa xứ; là các nhà cách mạng, nhà văn hóa tiêu biểu, như: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc, Lê Văn Miến, Lê Thành Khôi, Phạm Văn Ký, Trần Văn Khê, Trương Trọng Thi, Lê Bá Đảng…

Từ sau 1945-1954, số trí thức, văn nghệ sĩ người Việt Nam sinh sống và hoạt động văn học, nghệ thuật ở nước ngoài dần tăng; từ thập niên 1960 trở đi tăng đáng kể, tập trung chủ yếu ở Liên Xô (trước đây) và các nước Đông Âu. Sau năm 1975 địa bàn chủ yếu là Hoa Kỳ, Pháp, Canada, Australia, Campuchia, Lào, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước ở Đông Nam Á, Đông Bắc Á... Sáng tác của họ cũng đa diện, đa thanh, đa sắc hơn.

Ở chiều ngược lại, một số nhà khoa học, văn nghệ sĩ người Việt Nam hay gốc Việt cũng về nước làm việc, tham dự hội thảo, giao lưu nghệ thuật, sinh sống lâu dài ở quê hương.

Dẫu sống xa Tổ quốc, dẫu là thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư, nhưng phần đông đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc, trong đó có giới trí thức, văn nghệ sĩ đều mang trong mình dòng máu Việt, văn hóa Việt, hồn cốt Việt, luôn hướng về quê hương. Công chúng của họ cũng không bó hẹp trong cộng đồng người Việt mà mở rộng ra nhiều nơi trên thế giới.

 Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo.

Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo.

Về cảm hứng, chủ đề, đề tài sáng tạo, không ít văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài coi sáng tác văn nghệ như một nhu cầu giải tỏa cá nhân trong bối cảnh buồn vui, nhớ quên, sướng khổ mà họ gặp phải. Nhưng càng sống lâu hơn ở nước ngoài, nỗi quan hoài về quê hương, cố quốc càng da diết, nhiều khi xa xót; cảm hứng hòa hợp, hòa giải ở phần đông là chân thành, tha thiết; nhiều người vẫn gắn bó sâu sắc với nguồn cội, với văn hóa Việt, ngôn ngữ Việt; trăn trở về thân phận dân tộc và con người, nhất là qua những biến đổi, biến động của đời sống đương đại; quan tâm, mừng vui trước những đổi thay lớn lao, sâu sắc ở quê nhà; tự hào là người Việt Nam, dân tộc Việt Nam, nguồn cội Việt Nam.

Hoạt động giao lưu, quảng bá, hợp tác giữa các hội, các đơn vị văn học, nghệ thuật ở trong nước với các tổ chức, cá nhân là văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài được tăng cường, mang lại kết quả rất đáng mừng. Không ít văn nghệ sĩ người Việt rất nổi tiếng ở nước ngoài, sau bao nhiêu năm xa quê, đã mong ước về lại quê hương như Giáo sư Trần Văn Khê, Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị…

Bên cạnh những nỗ lực và kết quả rất đáng ghi nhận đã nêu, quá trình hướng về, quay về với đất nước, với cội nguồn; những nỗ lực để hòa giải, hòa hợp, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai trong một bộ phận văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài với trong nước vẫn còn có một số rào cản, trở ngại; có khoảng cách về tâm lý, do mặc cảm; do những khác biệt về quan điểm đã có từ rất lâu; do bị một số luận điệu tuyên truyền có tính lừa dối, kích động. Một số người có quan điểm cực đoan, thậm chí, thù địch...

Các đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung trao đổi, thảo luận về thực trạng văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài với diễn trình phát triển văn học, nghệ thuật qua các giai đoạn lịch sử, nhất là từ năm 1975 đến nay; nhận diện đội ngũ các văn nghệ sĩ; đi sâu vào từng loại hình văn học, nghệ thuật; các khu vực sinh sống, hoạt động văn nghệ; chủ đề, nội dung, phương pháp sáng tác; hoạt động lý luận, phê bình, dịch thuật; chỉ ra ưu điểm, kết quả và hạn chế, bất cập, lý do của hạn chế, bất cập.

Các tham luận nêu những đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam; với lãnh đạo của nước sở tại để khuyến khích, tạo điều kiện cho việc phát triển văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài; giải quyết một số khó khăn, vướng mắc để tạo ra bước phát triển tốt hơn trong những năm tới.

Các tham luận khẳng định chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam về hòa giải, hòa hợp dân tộc, thống nhất đất nước, về đại đoàn kết toàn dân tộc; coi người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; coi văn học nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam. Tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hội thảo còn tập trung phân tích thực trạng văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài với diễn trình phát triển qua các giai đoạn lịch sử, nhất là từ năm 1975 đến nay; nhận diện đội ngũ các văn nghệ sĩ; đi sâu vào từng loại hình văn học, nghệ thuật; các khu vực sinh sống, hoạt động văn nghệ; chủ đề, nội dung, phương pháp sáng tác; hoạt động lý luận, phê bình, dịch thuật; chỉ ra ưu điểm, kết quả và hạn chế, bất cập, nguyên nhân.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu phân tích, đánh giá quá trình hòa hợp, hòa giải, thống nhất, tiếp biến, phát triển của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam, trong đó văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận hữu cơ quan trọng; sự gắn kết, tương tác, tương hỗ giữa văn học, nghệ thuật trong nước và văn học, nghệ thuật của đồng bào ta ở nước ngoài.

Những vấn đề đặt ra trong quá trình hòa hợp, giao lưu, gắn kết, hợp tác cùng phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển như vũ bão với sự đan xen cả cơ hội và thách thức.

Giới chuyên môn cũng đưa ra những đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam; với lãnh đạo của nước sở tại để khuyến khích, tạo điều kiện cho việc phát triển văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài; giải quyết một số khó khăn, vướng mắc, "điểm nghẽn" để tạo ra bước phát triển tốt hơn trong những năm tới.

Trong phần tổng kết hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong và ngoài nước và các học giả quốc tế đã mang đến Hội thảo không khí học thuật sôi nổi, tình cảm gắn bó, hợp tác, đặc biệt là có nhiều tham luận, trao đổi thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, nhân văn.

Tổ chức cuộc hội thảo khoa học tầm quốc gia, quốc tế, Hội đồng Lý luận Trung ương mong muốn huy động được trí tuệ, trách nhiệm và sự đóng góp của giới sáng tác, giới nghiên cứu, lý luận, phê bình, dịch thuật văn học, nghệ thuật nhằm có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn, góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề cần quan tâm về văn học, nghệ thuật nói chung, văn học nghệ thuật của đồng bào ta ở nước ngoài nói riêng, từ đó tư vấn cho Đảng, Nhà nước trong xây dựng và thực thi đường lối, chính sách phát triển văn học, nghệ thuật; có thêm những quyết sách đúng đắn, kịp thời để phát triển nền văn hóa, văn nghệ nước nhà và của đồng bào ta sống xa Tổ quốc.

Những ý kiến, kiến nghị của các nhà khoa học, văn nghệ sĩ sẽ được Hội đồng Lý luận Trung ương tiếp thu, tư vấn cho Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan trong xây dựng và thực thi đường lối, chính sách phát triển văn học, nghệ thuật; có thêm những quyết sách đúng đắn, kịp thời để phát triển nền văn hóa, văn nghệ nước nhà và của đồng bào ta sống xa Tổ quốc ngày càng phong phú, đặc sắc hơn.

MAI LỮ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/van-hoc-gop-phan-tich-cuc-trong-hoa-hop-hoa-giai-dan-toc-post875776.html