Văn học Hải Dương 50 năm đổi mới cùng đất nước
50 năm qua, văn học Hải Dương đã từng bước phát triển mạnh mẽ từ đội ngũ đến tổ chức, tác phẩm và thành tựu.

50 năm qua, văn học Hải Dương đã từng bước phát triển mạnh mẽ
Tiếp nối các thế hệ sáng tác
"Nước Việt Nam một dải thống nhất. Nam - Bắc một nhà, cơ thể ấy không thế lực đế quốc nào chia cắt được. Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, hình ảnh những người cán bộ hai miền Nam - Bắc đã đoàn kết bên nhau, tập trung trí tuệ và sức lực đấu tranh giành thống nhất nước nhà. Đó là chân lý, là tình cảm muôn đời được thể hiện qua truyện “Hai miền thương nhớ”".
Đây là những lời đề từ được in trên bìa tập truyện vừa “Dấu chân” của nhà báo Nguyễn Thanh Cải, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hải Dương. “Hai miền thương nhớ” là tác phẩm ông viết dành tặng những cán bộ miền Nam một thời công tác ở miền Bắc trong những năm kháng chiến.

Nhà báo Nguyễn Thanh Cải là lớp nhà văn đầu tiên của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh (ảnh tư liệu)
Đến nay, nhà báo Nguyễn Thanh Cải đã xuất bản 16 tập sách, trong đó có những cuốn như Ma Làng, Nơi đất trời gặp nhau, Góc khuất... Chất liệu sáng tác từ hiện thực, trong bất cứ tập sách nào của ông cũng có dáng hình của những cuộc kháng chiến. Truyện ông viết luôn thể hiện tình cảm với những cán bộ miền Nam công tác ở Hải Dương và tình cảm Nam - Bắc sâu đậm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước...
Chị Nguyễn Hải Yến, giáo viên Trường THCS thị trấn Gia Lộc hiện là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng Ban Văn (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh). Chị bắt đầu viết từ năm 2015 với thể loại tản văn. Năm 2016, chị viết truyện ngắn đầu tiên mang tên "Nhân gian một cõi" về đề tài hậu chiến, về cách con người ta cởi bỏ oán thù tưởng như truyền đời sau chiến tranh.
Chị viết nhiều tác phẩm gắn với đề tài chiến tranh cách mạng, nhưng chủ yếu là đề tài hậu chiến với thân phận những con người trải qua bao đau thương, mất mát nhưng vẫn đằm thắm, thủy chung và yêu thiết tha quê hương, đất nước. Có thể kể tên những tác phẩm như "Đò chờ", "Bồ kết về đồng", "Khúc ru vườn cũ", "Đồi cỏ nến", "Tóc xanh, má thắm, môi hồng"... Mỗi câu chuyện là cuộc đời người lính, người vợ hay mẹ của người lính, mang âm hưởng buồn nhưng lắng sâu những ấm áp, yêu thương.
Trong các chặng đường cách mạng, các nhà văn Hải Dương luôn hòa mình vào công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, đem trí tuệ viết nên những trang văn học nghệ thuật đầy tính chiến đấu, góp phần vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Vượt qua muôn ngàn khó khăn của thời bao cấp rồi chuyển sang cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, những văn nghệ sĩ chấp nhận khó khăn, hy sinh nhiều quyền lợi riêng tư để dấn thân vào con đường sáng tác.
Sự phát triển của văn học Hải Dương

Triển lãm thành tựu văn học nghệ thuật Hải Dương 50 năm sau ngày đất nước thống nhất giới thiệu 72 ấn phẩm tác phẩm tiêu biểu
Sau ngày đất nước thống nhất, trong bối cảnh chung của văn học nghệ thuật cả nước, ngày 4/1/1978, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Hưng (nay là Hội Văn học nghệ tỉnh Hải Dương) được thành lập với 96 hội viên hoạt động ở các chuyên ngành thơ, văn, sân khấu, âm nhạc, mỹ thuật, kiến trúc, nhiếp ảnh. Đến nay, Hội văn học nghệ thuật tỉnh đã có gần 240 hội viên.

Chị Nguyễn Hải Yến hiện là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng Ban Văn (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh)
Văn học Hải Dương sau ngày giải phóng miền Nam chưa có tiểu thuyết, chủ yếu là thể ký và truyện ngắn. Một số tác phẩm được đăng trên tuần báo Văn nghệ, giới thiệu trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau khi Hội Văn học nghệ thuật tỉnh được thành lập, năm 1980, hội xuất bản các tập sách “Nguyễn Trãi với Côn Sơn”, “Thơ Côn Sơn” nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi, “Hồi ký cách mạng Hải Dương” nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Đảng.
Ngoài ra, một vài tập thơ được xuất bản như “Hương đồng”, “Làng đất”, “Đất ngọn nguồn”. Những năm sau, hội xuất bản tiếp tập truyện “Ngõ nhà người yêu”, kịch bản chèo “Hương bưởi” và hơn 10 đầu sách khác.
Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, Hải Dương dần có các tác giả với bút ký, tiểu thuyết, truyện ngắn, tập thơ được đăng tải trên văn đàn, xuất bản thành sách như Nguyễn Phúc Lai, Đỗ Thị Hiền Hòa, Nguyễn Hữu Phách, Hà Cừ, Khúc Hà Linh, Nguyễn Thanh Cải… Một số tác giả đã sớm được kết nạp là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Văn học nghệ thuật 50 năm qua dòng mạch chính vẫn là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc
Từ những năm 2000 đến nay, Hải Dương xuất hiện nhiều tác giả ở các thể loại khác nhau như văn, thơ, bút ký, tiểu thuyết, truyện ngắn. Khối văn học đã phát triển với diện rộng. Tác giả Nguyễn Thị Việt Nga đã có khoảng 20 đầu sách tiểu thuyết, truyện ngắn, tập thơ được xuất bản, tái bản. Tác giả Trương Thị Thương Huyền có phương pháp tiếp cận nhanh, viết nhanh, trong thời gian không dài đã có nhiều tập truyện ngắn, bút ký, tiểu thuyết ra đời. Tác giả Đinh Ngọc Hùng cũng đã có trên 10 đầu sách được xuất bản...
Ở lĩnh vực văn nghệ dân gian, nhiều tác giả đã có những công trình nghiên cứu công phu, chuyên sâu về truyện cổ dân gian, viết về làng xã, về di tích và danh thắng, nghề cổ truyền, phong tục tập quán, danh nhân, tiến sĩ nho học, nghề cổ truyền, nghiên cứu, tìm hiểu sâu về đất và người xứ Đông.
50 năm qua, văn học Hải Dương đã từng bước phát triển từ lực lượng đến tổ chức, tác phẩm và thành tựu trên các lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào xây dựng củng cố và phát triển đời sống tinh thần của nhân dân, xứng đáng là đội ngũ làm công tác văn hóa, tư tưởng, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, văn hóa xã hội.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/van-hoc-hai-duong-50-nam-doi-moi-cung-dat-nuoc-409543.html