Văn học nghệ thuật đồng hành cùng sự phát triển của TP.HCM

Trải qua 50 năm, văn học nghệ thuật TP.HCM đã đồng hành, chuyển mình cùng sự phát triển của thành phố. Thông tin được đưa ra tại Tọa đàm '50 năm văn học nghệ thuật TP.HCM - Phát huy truyền thống, nối tiếp tương lai' tổ chức ngày 16/4.

Từ năm 1975 đến nay, các loại hình nghệ thuật của TP.HCM được sáng tác luôn gắn với đường lối chủ trương của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước trong từng giai đoạn phát triển.

Nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng, phát triển thành phố. Có thể kể đến ở lĩnh vực âm nhạc như những ca khúc “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh”, “Đất nước trọn niềm vui”, “Thành phố tình yêu và nỗi nhớ”, “Em ở nông trường anh ra biên giới”,.. đã góp phần lớn trong cổ vũ công cuộc xây dựng đất nước.

Đối với điện ảnh, một số tác phẩm tạo được niềm tự hào như “Cánh đồng hoang”, “Ván bài lật ngửa”, “Biệt động Sài Gòn”, hay phim “Vị đắng tình yêu” đã tạo nên cơn sốt phòng vé vào năm 1990,…

Tọa đàm có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ gạo cội

Tọa đàm có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ gạo cội

TP.HCM cũng được xem là trung tâm sản xuất phim của cả nước với trên 100 cơ sở đăng ký và phát hành phim. Bên cạnh đó thành phố cũng tổ chức nhiều hoạt động, không gian sáng tạo cho nhà làm phim trẻ.

Không chỉ vậy, các loại hình sân khấu như kịch nói đã có một thế hệ vàng với nhiều tên tuổi lớn như: NSND Kim Cương, Kim Xuân, Thành Lộc,… Sân khấu cải lương, hát bội cũng đạt được những thành tựu rực rỡ gắn liền với tên tuổi của các nghệ sĩ như NSND Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Minh Vương,… với những vở diễn như “Tiếng trống Mê Linh”, “Người ven đô”,…

Các lĩnh vực như văn học, mỹ thuật, kiến trúc cũng từng bước tạo dấu ấn trong nền văn học nghệ thuật của thành phố.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM

Cùng với các đơn vị nghệ thuật công lập, các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa cũng có sự phát triển với những mô hình và phương thức hoạt động phong phú, đa dạng, làm sinh động thêm cho bộ mặt văn học nghệ thuật.

Bên cạnh đó, Thành phố đã có nhiều chương trình quy mô lớn, lễ hội âm nhạc được tổ chức, …

“Trong giai đoạn phát triển công nghiệp văn hóa đã có nhiều công ty tư nhân, tập đoàn lớn đã nỗ lực xây dựng những thương hiệu thông qua các buổi biểu diễn để mang đến cách nhìn mới về hình thức tổ chức và phong cách trong cách chương trình nghệ thuật lớn, có thể kể đến như “Anh trai say hi”, “Anh trai vượt ngàn chông gai”,...", bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho biết thêm.

Với đề án “Phát triển Công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030” thành phố gắn mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa với định hướng xây dựng đô thị sáng tạo. TP.HCM đang đăng ký gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực điện ảnh…

Điều này được nhìn nhận như mục tiêu phát triển của thành phố nhằm nâng tầm hướng tới vị thế một đô thị toàn cầu, tham gia vào mạng lưới các siêu đô thị của thế giới trong nền kinh tế sáng tạo toàn cầu, đóng góp cho phát triển bền vững của đất nước, của khu vực và thế giới.

PGS. TS. Lâm Nhân, hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa TP.HCM

PGS. TS. Lâm Nhân, hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa TP.HCM

Tại tọa đàm, PGS. TS. Lâm Nhân, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TP.HCM cho rằng, bên cạnh phát triển công nghiệp văn hóa, cũng cần phải bảo tồn và phát huy các loại hình văn học nghệ thuật truyền thống đặc trưng của TP.HCM.

Ông cho rằng, một số loại hình nghệ thuật truyền thống dân gian của thành phố vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Lấy ví dụ một số loại hình nghệ thuật truyền thống thiếu người kế thừa bởi việc đào tạo một nghệ nhân tốn rất nhiều thời gian, nghệ sĩ phải tự ra ngoài kiếm tiền, khó sống được với nghề.

Để tiếp tục phát huy những loại hình nghệ thuật truyền thống đó, ông Nhân đề xuất chuyển đổi những giá trị truyền thống đó thành những sản phẩm bán được, phục vụ cho du lịch. Làm được như vậy thì vừa giữ gìn được truyền thống, vừa tạo điều kiện cho nghệ sĩ sống được với nghề.

"TP.HCM là một thành phố trẻ, năng động. Nếu có càng có nhiều các sản phẩm nghệ thuật để phục vụ du khách thì đó là một phần để chúng ta bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống và quảng bá các giá trị văn hóa của thành phố Hồ Chí Minh ra rộng rãi trên thế giới", PGS.TS Lâm Nhân nói thêm.

Vũ Hường/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/van-hoc-nghe-thuat-dong-hanh-cung-su-phat-trien-cua-tphcm-post1192571.vov