Văn học, nghệ thuật Thủ đô khơi dậy vẻ đẹp thanh lịch, văn minh
Trong giai đoạn hiện nay, vai trò, trách nhiệm của văn học, nghệ thuật trong việc xây dựng đạo đức, nhân cách con người nói chung và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh nói riêng là đặc biệt quan trọng.
Thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội vừa tổ chức tọa đàm: “Văn học, nghệ thuật Thủ đô sáng tác các tác phẩm hướng tới đề tài Người Hà Nội khơi dậy vẻ đẹp thanh lịch, văn minh”.
Vươn tới chuẩn mực đạo đức, lối sống
Trong suốt chiều dài lịch sử ngàn năm văn hiến của đất Thăng Long, người Hà Nội đã kết tinh bản lĩnh, trí tuệ, sức sáng tạo, phẩm chất thanh lịch, tinh tế. Đó chính là những giá trị văn hóa góp phần xây dựng nên một Hà Nội được vinh danh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thủ đô anh hùng”, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”, trở thành niềm tự hào của cả nước. Tuy nhiên, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đi vào thực chất, bền vững, còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế.
Vì vậy, theo NSND Trần Quốc Chiêm Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, giai đoạn hiện nay đòi hỏi người nghệ sĩ không chỉ chuyên chở trong tác phẩm của mình những chuẩn mực đạo đức xã hội mà còn làm sáng tỏ, sáng tạo, cổ vũ con người tự nguyện vươn lên những giá trị đó.
Theo các chuyên gia phân tích, đạo đức xã hội không chỉ là những thiết chế khô cứng, phổ quát, mà thực ra luôn luôn tồn tại, thẩm thấu trong cuộc sống ở những tầng vỉa sâu nhất của tâm hồn con người. Điều này đòi hỏi người nghệ sĩ phải thực sự am hiểu những giá trị, những khả năng, sự vận động của đạo đức ở chiều sâu tâm hồn con người để nắm bắt, phản ánh và dự báo, cảnh báo.
Văn học nghệ thuật Thủ đô sau đổi mới đã xuất hiện nhiều tác giả, tác phẩm văn học mới có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, thể hiện tính đa dạng các chủ đề nảy sinh từ những vấn đề bức xúc của đời sống xã hội, những góc khuất trong suy nghĩ và thân phận con người. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn không ít tác phẩm mờ nhạt, non yếu về chất lượng tư tưởng và nghệ thuật.
Cá biệt, đã xuất hiện những tác phẩm xuyên tạc, làm sai lệch bản chất đổi mới, thậm chí phủ nhận sạch trơn quá khứ, gây ra phản ứng chính đáng của dư luận. Không ít tác giả, nhất là những tác giả trẻ vẫn quá say mê với các đề tài thời thượng, những chủ đề như bạo lực, tình dục, bản năng, mà quên đi chức năng giáo dục và dự báo của văn học, nghệ thuật.
Gợi mở nhiều đề tài mới
Tại tọa đàm, bên cạnh việc khẳng định vai trò, trách nhiệm của văn học, nghệ thuật trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đại diện các hội chuyên ngành thảo luận sôi nổi về những đề tài sáng tác đáp ứng yêu cầu và phù hợp, hấp dẫn khán giả hiện nay.
Từ góc nhìn của nhiếp ảnh, NSNA Phạm Tiến Dũng - Hội Nhiếp ảnh Hà Nội cho rằng các nghệ sĩ nhiếp ảnh, những người cầm máy cũng cần phải am hiểu lịch sử, văn hóa của Thủ đô, hiểu những nét đặc trưng trong tính cách, sinh hoạt, lối sống... những gì tạo nên nét văn minh thanh lịch của người Hà Nội để tìm ra đề tài, nhân vật tạo nên những tác phẩm nhiếp ảnh chạm đến trái tim người xem.
Nhấn mạnh về vốn sống, yếu tố tài năng nghệ thuật, Đại tá Nguyễn Văn Thu - Hội Điện ảnh Hà Nội chia sẻ: Việc giữ gìn nếp sống, cốt cách của người Hà Nội trong dòng chảy đời sống hiện đại trong sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật, đó là sứ mệnh, là sự thôi thúc từ bên trong của người nghệ sĩ. Những tác phẩm văn học nghệ thuật, nhất là những tác phẩm hay, hấp dẫn, có giá trị khi ra đời sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới tâm tư, tình cảm và hành động của con người. Nét đẹp thanh lịch văn minh sẽ được lan tỏa, được nhân lên; cái xấu ảnh hưởng tiêu cực đến sự tồn tại phát triển của thanh lịch văn minh Hà Nội, sẽ bị phê phán, lên án đấu tranh, triệt tiêu trong đời sống tinh thần người Hà Nội”.
Đồng thời, theo nhà văn Nguyễn Thị Mai - Hội Nhà văn Hà Nội, các tác giả cần sáng tạo tác phẩm, trong đó xây dựng hình tượng nhân vật có lối sống thanh lịch, văn minh có nhân cách sống tốt đẹp để công chúng yêu thích, học theo; viết những tác phẩm hướng tới chân - thiện - mỹ, có con mắt nhìn tích cực, trong sáng về Hà Nội, con người Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Thị Huế - Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội cho rằng, sáng tác văn học, nghệ thuật về các hoạt động của tuổi trẻ Thủ đô, hướng thế hệ trẻ đến lối sống và ứng xử tích cực bằng những phương thức thể hiện hiện đại, mới mẻ sẽ hấp dẫn được đối tượng này và góp phần nâng cao trình độ thẩm mỹ, cảm thụ văn hóa cho giới trẻ.
Cũng tại tọa đàm, các ý kiến văn nghệ sĩ còn đề cập đến việc tổ chức các cuộc thi sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật về đề tài này; tổ chức các cuộc đi thực tế sáng tác; hội thảo, tọa đàm để nâng cao nhận thức của văn nghệ sĩ với những vấn đề ảnh hưởng đến việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.