Văn học Sơn La mang đậm bản sắc dân tộc vùng Tây Bắc

Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, văn học Sơn La không ngừng phát triển và luôn theo sát cuộc sống, mang đậm bản sắc các dân tộc vùng Tây Bắc, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Các văn nghệ sĩ tham gia Trại sáng tác văn học - nghệ thuật tại huyện Vân Hồ.

Các văn nghệ sĩ tham gia Trại sáng tác văn học - nghệ thuật tại huyện Vân Hồ.

Nhiệm kỳ 2018-2023, trong tổng số 271 hội viên đang sinh hoạt ở 13 chi hội trực thuộc Hội Liên hiệp Văn học, Nghệ thuật Sơn La, lực lượng ngành văn học chiếm gần một nửa. Trong 5 năm qua, đã kết nạp được 15 hội viên mới. Có thể nói, lực lượng sáng tác văn học giai đoạn này khá hùng hậu. Bên cạnh những cây bút khỏe ở các giai đoạn trước, như: Mai Văn Tý, Hờ A Di, Trần Nguyên Mỹ, Hà Thu, Điêu Chính Tới, Ngô Quang Đức, Hoàng Việt Thắng... những cây bút mới sung sức và đầy nhiệt huyết, như: Nguyễn Vũ Điền, Bùi Nguyên Lượng, Hoàng Minh Niệm, Lò Thị Na Ly, Hoàng Yến... đã chung sức đưa sự phát triển văn học tỉnh nhà lên tầm cao mới.

Mảng văn xuôi, gồm: truyện ngắn, hồi ký, ký, tản văn... ghi nhiều dấu ấn trong lòng bạn đọc, nhất là truyện ngắn, với sự đóng góp của nhiều nhà văn trẻ như Kiều Duy Khánh với tập truyện ngắn “Trở về với núi”, “Rừng khuya vẫn gió”; Trần Nguyên Mỹ với 2 tập truyện ngắn “Cái sừng nai”, “Nhãn cười”; Nguyễn Vũ Điền với tập hồi ký “Rừng khộp mùa thay lá”; Hoàng Việt Thắng với tập truyện và thơ “Rừng chiều”...

Cùng với đó, thể loại thơ với các tác giả có nhiều tác phẩm in thành sách, như Lương Mỹ Hạnh với 2 tập “Đá hát” và “Mùa lá thức”; Ngô Quang Đức với tập thơ “Phận lá”; Phạm Hiển với tập thơ “Miền quê nở thắm sắc hoa”... Các tác giả Dương Thị Mùi, Hà Thu, Trịnh Mỹ Duyên, Nguyễn Thị Hồng Minh... có nhiều tác phẩm đăng trên Tạp chí Suối Reo.

Mảng phê bình văn học trước đây vừa thiếu, vừa hạn chế, 5 năm qua có sự trỗi dậy với những tác phẩm nghiên cứu, tiểu luận phê bình văn học trên Tạp chí Suối Reo và các tạp chí văn học Việt Nam, như tác giả Hoàng Kim Ngọc với Công trình nghiên cứu Văn học Sơn La 1930 - 2018; Tìm hiểu bước đầu về Truyện thơ phỏng tác của dân tộc Thái ở Sơn La, Tây Bắc được lấy từ cốt truyện của các dân tộc do nhóm tác giả Lò Thanh Hoàn, Trần Đại Tạo, Cà Chung, Lò Bình Minh thực hiện...

Gắn bó mật thiết với đời sống của đồng bào các dân tộc, đội ngũ văn nghệ sĩ luôn say mê với nghề nghiệp, tâm huyết sáng tạo nhiều tác phẩm mới. Sự cống hiến đó đã đóng góp xứng đáng vào việc hình thành hệ giá trị “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và để lại chiều sâu ý thức, âm hưởng tinh thần cho bạn đọc về vùng đất, con người Tây Bắc nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng. Từ sáng tạo tác phẩm chất lượng, nhiều hội viên đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Các tác phẩm văn học chủ yếu lựa chọn chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, sự đoàn kết, xây dựng cuộc sống mới trên quê hương Sơn La của 12 dân tộc anh em; làm nổi bật tiềm năng, thế mạnh và bản sắc dân tộc miền Tây Bắc giàu truyền thống cách mạng, con người Sơn La chân thật đậm sắc màu núi rừng và văn hóa truyền thống trong đời sống đương đại. Trong đó, nổi bật là phong trào xây dựng nông thôn mới, phát triển cây ăn quả trên đất dốc, cuộc sống mới của bà con tái định cư thủy điện Sơn La... Những tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng được tái hiện qua các sáng tác thơ, văn về ngã ba Cò Nòi - bản Anh hùng ca bất tử; về Lao Khô - biểu tượng của tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào; xây dựng con người Sơn La đáp ứng yêu cầu phát triển xanh, nhanh và bền vững. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, văn học Sơn La đã khơi dậy tinh thần xả thân vì cộng đồng, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong hoạn nạn.

Thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử và công cuộc đổi mới của tỉnh và đất nước, trong nhiệm kỳ tới, đội ngũ văn nghệ sỹ ngành văn học của Hội Liên hiệp Văn học, Nghệ thuật tỉnh tiếp tục phát huy tài năng, năng lực, trí tuệ, có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, góp sức vào sự phát triển văn học vùng Tây Bắc nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng ngày càng đậm đà bản sắc dân tộc.

Bài, ảnh: Nguyễn Tuấn (CTV)

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/van-hoc-son-la-mang-dam-ban-sac-dan-toc-vung-tay-bac-GagZd9dIR.html