Văn học thiếu nhi: Dù khó vẫn nhiều tín hiệu lạc quan

'Văn học thiếu nhi hiện nay - Thực trạng và giải pháp' là tọa đàm diễn ra trong khuôn khổ Trại sáng tác văn học thiếu nhi năm 2024 do Hội Nhà văn tổ chức tại Phú Yên mới đây. Các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học đến từ nhiều tỉnh, thành đã cùng chia sẻ, trao đổi về câu chuyện văn học thiếu nhi hiện nay.

 Cây bút nhí Đoàn Lữ Thụy Phương

Cây bút nhí Đoàn Lữ Thụy Phương

Quan sát và kể chuyện qua "cặp kính trẻ con"

Theo nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, không phải ngẫu nhiên mà từ lâu, Lep Tonstoy đã nhận định viết văn học thiếu nhi (VHTN) rất khó. Quả thật, viết VHTN không chỉ để trẻ em đọc mà còn phải thuyết phục được ông bà, phụ huynh, những "bộ lọc" người lớn, bởi nếu không thuyết phục được người lớn thì không ai mua sách cho trẻ đọc.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh nhận định, vẫn còn những khó khăn trong việc phát triển VHTN. Ông đưa ra những trăn trở về một thế hệ thích truyện tranh hơn truyện chữ.

"Thuở còn thơ, thế hệ chúng tôi không mấy ai không nhớ truyện chú người gỗ, cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Ka-rích và Valia, Ti-mua và đồng đội… Bây giờ, tranh truyện tràn lan, ngoài sức cuốn hút kỳ lạ của Đô-rê-mon còn có hàng chục đầu sách tranh truyện nhiều tập.

Tôi thấy tranh truyện bây giờ người ta ít quan tâm đến giá trị thẩm mỹ, kể cả tranh vẽ cẩu thả lẫn lời lẽ trong tranh thiếu hẳn chất văn học, họ chỉ quan tâm tới hành động và hành động mà thôi!".

Nhà thơ Hoa Mai cho rằng: "Viết thơ thiếu nhi tưởng dễ mà khó. Phần lớn người lớn làm thơ thiếu nhi nên không thể tránh khỏi lộ liễu sự giả trân, nhất là sự cố tình lồng ghép thông điệp giáo dục.

Bây giờ, lòng yêu thơ của lứa tuổi thiếu nhi đã bị che phủ bởi nhiều thú vui giải trí khác. Tôi nói "che phủ" vì tâm hồn thiếu nhi vẫn còn đó nhưng chúng biểu cảm tâm hồn ấy theo thời đại mới, mà người lớn có khi không cập nhật kịp. Một nguyên nhân nữa là văn hóa đọc của trẻ em bây giờ cũng thay đổi mà người lớn nhiều khi không bắt nhịp kịp".

Còn theo nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa, khó nhất khi viết cho thiếu nhi có lẽ là việc sắm cho mình một "cặp kính trẻ con" để quan sát và kể chuyện: "Công việc tôi gắn với trẻ con hằng ngày, tôi luôn xem đó là một lợi thế khi tham gia sáng tác văn học thiếu nhi.

Tác phẩm “Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm” của tác giả Cao Khải An

Tác phẩm “Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm” của tác giả Cao Khải An

Nhưng càng đi lâu hơn với mảng đề tài này, tôi càng nhận ra mình vẫn đang loay hoay với lớp ngôn từ "cải trang trẻ nhỏ", chưa thực sự có được cặp mắt nhìn thế giới vô cùng độc đáo của các em.

Bước vào thế giới của trẻ nhỏ, nơi những vị khách người lớn rất dễ lạc lõng, để cố làm một đứa trẻ, kể những câu chuyện từ góc nhìn "trẻ nhỏ giả hiệu" sẽ không thể thu hút được độc giả nhí. Quan sát các học sinh của mình, tôi nhận thấy trẻ nhỏ dù thời đại nào cũng đều mê nghe kể chuyện.

Để trở thành người kể chuyện cho các em, tôi vẫn đang tập lắng nghe, trò chuyện với bọn trẻ xung quanh tôi mỗi ngày. Trẻ nhỏ cần một người bạn biết kể chuyện hơn một người lớn xa lạ kể chuyện".

Giải pháp mà nhà thơ Hoa Mai có được cũng từ thực tiễn. "Tôi làm thơ thiếu nhi một cách bản năng, từ lòng yêu trẻ (ban đầu xuất phát từ việc muốn làm thơ ghi lại những kỷ niệm đẹp của cháu ngoại).

Khi quan sát những sự vật, hiện tượng xung quanh, tôi nghĩ mình là bạn của trẻ, chơi cùng trẻ, cùng các cháu nhìn thế giới, cùng lắng nghe các cháu, nói bằng suy nghĩ, cách quan sát thế giới của trẻ.

Khi tôi viết thơ thiếu nhi, không chú trọng gồng mình vào bài học giáo dục đạo đức. Bởi tôi nghĩ, tâm hồn con trẻ, được soi chiếu qua đôi mắt trẻ thơ đã quá đủ sự trong trẻo, nhân văn cho người lớn thèm muốn, quay lại đắm mình trong đó rồi".

Viết văn học thiếu nhi cũng có nghĩa là không chỉ để cho các em mà còn cả người lớn đọc văn học thiếu nhi. Viết văn học thiếu nhi cũng để giúp chúng ta thấu hiểu thiếu nhi, từ đó có cách ứng xử và cách tôn trọng nhất định vì thiếu nhi cũng cần được tôn trọng và bình đẳng như chúng ta trong những khía cạnh khác”.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

Những tín hiệu lạc quan

Viết cho thiếu nhi rất khó nhưng có thể thấy những tín hiệu lạc quan trong việc phát triển văn học thiếu nhi hiện nay. Đội ngũ tác giả ngày càng đông đảo, chuyên nghiệp hơn, với những nhà thơ, nhà văn đã tạo dấu ấn của mình trong lĩnh vực này như Nguyễn Nhật Ánh, Trần Đức Tiến, Lý Lan, Kim Hải…

Bên cạnh đó còn có thế hệ 8X, 9X với Văn Thành Lê, Nguyễn Thị Kim Hòa, Cao Nguyệt Nguyên, Hồ Huy Sơn… Thậm chí, có cả đội ngũ tuổi teen viết cho thiếu nhi như Cao Việt Quỳnh, sinh năm 2008, tác giả của 5 tiểu thuyết, có tác phẩm đạt giải Sách Việt Nam;

Cao Khải An, cũng sinh năm 2008, nhận giải thưởng Khát vọng Dế Mèn vào năm 2022; Đoàn Lữ Thụy Phương, sinh năm 2012, được trao Tặng thưởng giải Dế Mèn năm 2023…

Môi trường để văn học thiếu nhi phát triển hiện có sự quan tâm từ nhiều ban, ngành. Hiện có nhiều giải thưởng VHTN cùng diễn ra trong một năm như:

Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam, vận động sáng tác của NXB Kim Đồng, giải Văn học thiếu nhi nằm trong khuôn khổ giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn TPHCM, giải thưởng Sách thiếu nhi của Sở Thông tin-Truyền thông TPHCM…

Khôi Nguyên Thảo

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/van-hoc-thieu-nhi-du-kho-van-nhieu-tin-hieu-lac-quan-20240830161007182.htm