Văn học thiếu nhi: Hứa hẹn một năm bội thu

Càng gần đến thời điểm kết thúc nhận tác phẩm tham dự Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ nhất, càng hé lộ nhiều bất ngờ về tác phẩm cũng như lực lượng tham dự. Sự vào cuộc của đông đảo tác giả trên khắp mọi miền đất nước đang hứa hẹn một 'mùa vàng' bội thu của văn học thiếu nhi trong năm nay.

Sức mạnh của ký ức

Ra mắt vào năm 2016, tủ sách Viết cho những điều bé nhỏ của NXB Kim Đồng được bạn đọc yêu thích bởi những tập tản văn nhỏ nhắn, viết về những điều bình dị, thân thương trong cuộc sống. Mới đây, tủ sách này tiếp tục bổ sung hai tác phẩm Những miền hương nhớ (Trang Thanh) và Miền yêu thương (Trần Thị Thùy Linh).

 Nhà văn Võ Thu Hương giao lưu cùng các em học sinh Trường THCS Đặng Tấn Tài (TP Thủ Đức, TPHCM). Ảnh: NVCC

Nhà văn Võ Thu Hương giao lưu cùng các em học sinh Trường THCS Đặng Tấn Tài (TP Thủ Đức, TPHCM). Ảnh: NVCC

Trong đó, nhà thơ Trang Thanh đưa bạn đọc trở về vùng quê Bắc bộ theo “những miền hương nhớ” với khu vườn ngập tràn hoa dong giềng, những đầm sen xanh ngần mùa hạ…; còn Trần Thị Thùy Linh lại dẫn dắt bạn đọc về miền Tây, nơi tác giả gọi là “miền thương nhớ” với xuồng ghe tấp nập trên sông, những quán cóc ven đường đơn sơ, mộc mạc…

Là một tác giả thành danh với tiểu thuyết lịch sử, sau Bạch Đằng dậy sóng (NXB Văn học, 2011) và Hùng binh (NXB Trẻ, 2018), nhà văn Đặng Ngọc Hưng bất ngờ ghi tên mình với văn học thiếu nhi bằng tác phẩm Khu tập thể đường tàu (NXB Trẻ). Tác phẩm đưa bạn đọc về thời điểm 50 năm trước, khi cầu Thăng Long chính thức được khởi công, hàng vạn cán bộ, công nhân viên từ khắp mọi nơi được điều động tới công trường. Khu tập thể của những người thợ cầu được hình thành từ đó. Cũng mang âm hưởng như Quân khu Nam Đồng, Đi trốn (Bình Ca), đây đều là những tác phẩm tái hiện ký ức một thời và được đông đảo bạn đọc đón nhận.

Có một điểm chung là những tác phẩm trên đều được viết nên từ chính ký ức sinh động và đầy cảm xúc của tác giả, đây là một đặc trưng nổi bật của văn học thiếu nhi Việt Nam từ trước đến nay. Chính từ lối viết này, đã có nhiều tác phẩm neo lại trong lòng bạn đọc, trước có Miền xanh thẳm của Trần Hoài Dương, Quê nội của Võ Quảng, Tuổi thơ dữ dội của Duy Khán…, gần đây là Mùa lúa trổ đòng đòng của Thủy Chu, bộ đôi tác phẩm Miền quê ngoạiBao giờ cho đến ngày xưa của Tuyền Nguyễn. Đặc biệt, không thể không nhắc đến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với hàng loạt tác phẩm đã lưu dấu trong lòng người đọc.

PGS-TS Bùi Thanh Truyền, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình - Hội Nhà văn TPHCM, cho rằng, lối viết hoài niệm gắn với thời thơ ấu giúp bạn đọc, nhất là những người cùng thời, được sống lại tuổi thơ của chính mình, được trở về miền xanh thắm, trong trẻo nơi tuổi nhỏ. Tuy nhiên, nhược điểm của lối viết này là đôi khi lại trở nên xa lạ với thiếu nhi hiện nay.

“Kéo tuổi thơ của mấy chục năm trước với bao nhiêu lời nói, hành động, suy nghĩ, không gian, sự kiện… lại gần với đời sống, tâm lý của trẻ em hôm nay không dễ. Điều này không chỉ cần vốn sống, bản lĩnh, tình yêu dành cho tuổi thơ mà còn rất cần tài năng biến hóa chất liệu, nghệ thuật hóa thân trọn vẹn của tác giả hướng vào đối tượng bạn đọc thiếu nhi”, PGS-TS Bùi Thanh Truyền nói.

Những cuộc trở lại đầy hứa hẹn

Tính đến thời điểm này, Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ nhất (kết thúc nhận bài vào ngày 31-3, dự kiến trao giải vào tháng 6-2025), đã in gần 30 tác phẩm gồm văn xuôi và thơ. Trong số này, có rất nhiều tên tuổi quen thuộc, hứa hẹn mang đến cho các em nhỏ "bữa tiệc" văn học thịnh soạn. Có thể kể đến Mùa hè có tuyết (Gia Bảo), Xóm nhỏ yêu thương (Đào Phong Lan), Bầy cừu bay qua thành phố (Huỳnh Trọng Khang), Trái tim của đảo (Hồ Huy Sơn), Xứ nước (Phát Dương)…

 Học sinh hào hứng tham gia chương trình giao lưu "Em yêu lịch sử nước nhà" tại Đường sách TPHCM

Học sinh hào hứng tham gia chương trình giao lưu "Em yêu lịch sử nước nhà" tại Đường sách TPHCM

Được biết đến là cây bút trẻ nổi bật của miền Tây hiện nay, sau truyện dài 100 cửa sổ (năm 2022), Phát Dương gây bất ngờ khi ra mắt tập thơ Xứ nước. 29 bài thơ đi kèm những bức tranh đầy màu sắc của Thủy Phan, tái hiện khung cảnh và đời sống thân thương của miền Tây với những hình ảnh dỡ chà, chợ nổi, đua ghe ngo, những ngôi chùa Khmer…

“Thông qua tập thơ, tôi muốn lưu giữ những ký ức về vùng đất mà mình sinh sống, để các em thêm yêu mến và lưu giữ truyền thống. Hơn nữa, tôi cũng ấp ủ mong muốn gắn kết thế hệ. Những phụ huynh có kiến thức và kỷ niệm, những đứa trẻ có góc nhìn sáng tạo và mới mẻ, khi cùng đọc thơ và xem tranh, biết đâu mọi người sẽ sát gần nhau hơn, có cớ để trò chuyện và hiểu nhau hơn nữa”, nhà thơ Phát Dương chia sẻ.

Sau thành công với truyện dài Cà Nóng chu du Trường Sa (Giải thưởng Sách Quốc gia lần 5-2022), vừa qua, nhà văn Bùi Tiểu Quyên tiếp tục giới thiệu thêm các tác phẩm thiếu nhi như Hùm Xám qua sông, và mới đây là Xám Ngố đi thành phố, nối dài hành trình của chú chó Hùm Xám ở đảo Thiêng bằng một cuộc phiêu lưu mới, đầy hấp dẫn và không kém phần thú vị.

Sáng tác là một công việc mang tính cá nhân, tuy nhiên, không khí sôi nổi của văn học thiếu nhi gần đây cũng ít nhiều tác động đến các tác giả. Nhà văn Bùi Tiểu Quyên bày tỏ: “Văn học thiếu nhi nếu có trầm lắng thì tôi vẫn sẽ viết những câu chuyện mà bản thân tâm đắc và yêu thương. Nhưng không khí sôi nổi của văn học thiếu nhi hiện nay khiến tôi thấy rất vui, cảm giác như thể mình được bước vào một cánh đồng cỏ hoa với muôn vàn sắc hương, với những câu chuyện hay và ý nghĩa. Và mình cũng được vinh dự góp một phần nhỏ trong cánh đồng thuần khiết ấy, lặng lẽ quan sát và sẻ chia với các bạn viết và cũng âm thầm chăm tưới những bông hoa của riêng mình”.

Chỉ sau 3 tháng đầu năm 2025, văn học thiếu nhi trong nước đã có hàng loạt tác phẩm mới được giới thiệu, như: Truyện Tây du nơi xóm lá (Ngô Khắc Tài), Đừng mở cửa cho người lạ (Cát Tường), Trang trại cuối cùng Xóm thiên đường (Phạm Công Luận), Con của đảo (Trường Thị Thương Huyền), Thức dậy với Mặt trời (Nguyễn Thu Hằng), Chuyện xứ Đồng Hóp (Xuân Ba), Cho mùa xuân ở lại (Nguyễn Minh Ngọc), Từ những ruộng rau ở nông trại Cúc Cu (Dy Duyên), Mái ấm mới của Hạt Dẻ (Hà Mi), Sông vừa đi vừa lớn (Nguyễn Minh Khiêm), Đi tìm xứ Tu-Bo (Trần Đức Tiến)…

HỒ SƠN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/van-hoc-thieu-nhi-hua-hen-mot-nam-boi-thu-post788318.html