Văn học trẻ Bắc miền Trung - những thách thức và trách nhiệm
Văn học trẻ là 'phù sa', là 'làn gió mới' góp phần tạo nên sức hấp dẫn, phong phú, đa dạng trong đời sống văn học nghệ thuật (VHNT). Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, cùng với văn học trẻ cả nước, văn học trẻ khu vực Bắc miền Trung đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, đặt ra nhiều vấn đề quan trọng.
Đồng chí Phạm Duy Phương, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa trao cờ lưu niệm cho đại diện các tạp chí tham dự hội thảo.
Cơ hội và thách thức
Không phải đến Hội thảo Tạp chí văn nghệ 6 tỉnh khu vực Bắc miền Trung với chủ đề “Văn học trẻ Bắc miền Trung - Những thách thức và trách nhiệm” do Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh tổ chức vừa qua, các câu hỏi “khó” như: Văn học trẻ hiện nay như thế nào, vận động và phát triển ra sao? Sáng tác văn học như thế nào?... mới được đặt ra. Dẫu vậy, đến nay, những vấn đề ấy vẫn chưa nhận được câu trả lời thấu đáo.
Mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi, ưu thế vượt trội nhưng nhìn vào thực tế vận động và phát triển của văn học trẻ nói chung, văn học trẻ khu vực Bắc miền Trung nói riêng, chúng ta nhận thấy rằng: Lực lượng văn học trẻ vẫn chưa phát huy hết tiềm năng và thế mạnh của mình, chưa có được những tác phẩm nổi bật, tầm vóc, ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng; công tác phát triển văn học trẻ vẫn luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
Tại Hội thảo Tạp chí văn nghệ 6 tỉnh khu vực Bắc miền Trung, nhà văn Đoan Trang (Tạp chí sông Lam) trăn trở đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “phát triển văn học trẻ, bài toán khó hay chưa quan tâm tìm lời giải”. Chị cho rằng: “Không riêng gì khu vực Bắc Trung bộ, việc thiếu hụt người trẻ trong lĩnh vực văn học là một thực trạng phổ biến của Liên hiệp các Hội VHNT cả nước. Từ Trung ương đến địa phương, công tác bồi dưỡng thế hệ trẻ sáng tác văn học luôn gặp khó khăn”. Dẫn chứng từ một “thực tế không biết nên vui hay nên buồn”, nhà văn Đoan Trang cho biết: “Chúng ta chỉ thiếu người trẻ tham gia vào Hội VHNT, còn môi trường bên ngoài lại không thiếu. Các bạn trẻ đang sinh sống trên đất Nghệ An hoặc người Nghệ An đang học tập, làm việc tại các tỉnh, thành khác có đam mê và tham gia sáng tác VHNT không hề ít”. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của những người trẻ có thừa đam mê, nhiệt huyết theo đuổi con đường sáng tác nhưng họ lại chưa có người định hướng, dẫn dắt, chưa tìm cho mình được lối đi phù hợp.
Với những đánh giá, nhận định sắc sảo, nhà lý luận - phê bình văn học Hoàng Thụy Anh (Tạp chí Nhật Lệ) đã đi sâu vào lát cắt, mảng miếng lý luận - phê bình văn học. Chị chỉ ra rằng: “Đội ngũ phê bình trẻ hiện nay khá đông đảo [...] Hầu hết các cây bút ấy đều xông xáo, ý thức được vai trò và trách nhiệm trước đời sống văn chương. Nhiều cây bút đã bứt khỏi kiểu phê bình tác giả tác phẩm, có cái nhìn rộng hơn, tầm khái quát cao hơn, đối tượng của họ là giai đoạn, trào lưu, khuynh hướng... hoặc dạng phê bình của phê bình”. Bên cạnh những mặt tích cực ấy, nhà lý luận – phê bình Hoàng Thụy Anh thẳng thắn nêu bật lên những băn khoăn, trăn trở: “Ngoài số ít các cây bút lý luận phê bình được xem là triển vọng thì còn lại, đa phần là cuộc dạo chơi của các nhà thơ, nhà văn, nhà giáo, nhà báo, bạn đọc... “Cuộc dạo chơi” này cũng ảnh hưởng, tác động đến thị hiếu, tâm lý người tiếp nhận. Nhiều bài viết mỏng về giá trị, thiếu tính phát hiện, tính dự phóng, viết theo kiểu “cả nể”, thiếu bảo chứng về tính chuyên nghiệp, học thuật, sự hồn nhiên của nó nhiều khi lệch, vênh với người tiếp nhận, trong khi trình độ tiếp nhận của độc giả hiện nay đã cao hơn. Nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất, theo chị, đó là tình yêu và niềm đam mê, sự quyết liệt của người viết trẻ với mảng lý luận và phê bình văn học chưa đủ lớn để nghiêm túc hơn, trăn trở hơn với nghề.
Nhà thơ Lâm Bằng, Trưởng Ban Thơ của Hội VHNT Thanh Hóa cho thấy những điểm nhìn sâu sắc, chân thực của ông về những cơ hội và thách thức với cây viết trẻ, công tác phát triển văn học trẻ xứ Thanh. Ông cho rằng: “Sức vươn ra biển lớn của đội ngũ tác giả trẻ xứ Thanh hôm nay như thế nào, sẽ ra sao... thật không dễ để có câu trả lời cho những câu hỏi đó. Một điều dễ nhận thấy là các bạn trẻ hôm nay được trang bị khá đầy đủ về kiến thức, có đủ các điều kiện để phát triển, để đi xa. Nhưng hầu như các cây viết trẻ rất ít có sự bứt phá, vượt lên chính mình. Hiếm thấy có những cá tính sáng tạo, những giọng điệu riêng, phong cách riêng mới và lạ... Các bạn trẻ có đầy đủ kiến thức nhưng thiếu sự rèn giũa, bổ sung... Càng ngày càng ít đi các tác giả trẻ gắn bó với một vùng quê, vùng văn hóa”.
Ngoài ra, hạn chế về hoạt động của các hội VHNT, các tạp chí VHNT - nơi được xem là “cánh tay nối dài” của Hội VHNT, nơi ươm mầm, “bà đỡ” cho các cây viết, đặc biệt là các cây viết trẻ... cũng là những nguyên nhân cơ bản khiến cho công tác phát triển văn học trẻ chưa đạt được kết quả như mong đợi, tương xứng với tiềm năng.
Nhận thức và trách nhiệm
Từ việc nhìn nhận, phân tích về những thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức, khi bàn về văn học trẻ, chúng ta cần phải có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về đội ngũ những người trẻ và tầm quan trọng cũng như hướng đi cho công tác phát triển văn học trẻ trong thời đại hiện nay.
Tựu chung lại, việc bồi dưỡng, phát triển văn học trẻ khu vực Bắc miền Trung có 2 yếu tố cần được giải quyết triệt để: Đó là yếu tố nội tại, thuộc về tư chất, năng lực, sức bật của bản thân mỗi người viết trẻ và yếu tố thứ hai nằm ở việc phát huy vai trò, nhiệm vụ của các hội VHNT và các tạp chí văn nghệ địa phương.
Đối với các hội VHNT, trước nhất, cần xem xét một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng hơn về thực trạng đời sống văn học trẻ để kịp thời lắng nghe, thấu hiểu về người trẻ và những xu hướng sáng tác của họ. Từ đó, hội có thể đưa ra những nhìn nhận, đánh giá và đưa ra những định hướng, kế hoạch phù hợp. Đặc biệt, hội cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ người trẻ sáng tác văn học. “Với tư cách một người trẻ, tôi có thể khẳng định rằng hiện nay, người trẻ khá đơn độc trên con đường lập nghiệp, nhất là con đường văn chương. Họ vẫn phải luôn tự loay hoay để tìm hướng đi cho mình. Nhiều người cầm bản thảo trên tay nhưng không biết phải làm sao để xuất bản, không liên hệ được với các đơn vị phát hành, không có đủ chi phí cho việc in ấn...” - nhà văn Trang Đoan thẳng thắn nhìn nhận. Hội cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình, đổi mới tư duy, cách thức tổ chức, hoạt động thông qua nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả như: Tổ chức các sự kiện VHNT mang tính quần chúng và các diễn đàn, lớp bồi dưỡng, tập huấn, trại sáng tác, trao đổi nghiệp vụ; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng lực lượng sáng tác trẻ và văn học miền núi... nhằm tạo ra môi trường giao lưu, học hỏi, giới thiệu cây viết trẻ tới độc giả; mặt khác tạo sức hút, hấp dẫn các cây viết trẻ năng nổ, tích cực, “mặn mà” tham gia, sinh hoạt trong hội VHNT.
Song hành cùng với các hội VHNT, các tạp chí văn nghệ địa phương có vai trò quan trọng trong việc phát hiện, phát triển văn học trẻ. Thực tế chứng minh, các tạp chí văn nghệ địa phương là “bệ phóng”, “bà đỡ”, không gian giới thiệu, khẳng định tài năng, cá tính sáng tạo của các cây viết trẻ. Do đó, các tạp chí địa phương cần năng động, đổi mới, sáng tạo hơn nữa cả về nội dung, hình thức ấn phẩm và cách thức tổ chức hoạt động để ngày càng hoàn thiện mình hơn, tạo nên sân chơi mới mẻ, thúc đẩy các cây viết trẻ không ngừng nỗ lực, phấn đấu trên con đường sáng tạo nghệ thuật.
Nhưng Hội VHNT hay các tạp chí văn nghệ địa phương chỉ đóng vai trò là người đồng hành, đôi khi là người dẫn dắt, hỗ trợ. Vấn đề của văn học trẻ hôm nay nằm ở chính những người cầm bút. Phải tự mình khẳng định mình, tìm ra hướng đi đúng đắn, phù hợp với mình thì sự phát triển ấy mới bền vững và đem lại thành quả xứng đáng. Lực lượng sáng tác trẻ phải luôn biết nỗ lực, phấn đấu, học hỏi, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp. Hơn ai hết, mỗi người sáng tác trẻ cần phải nuôi dưỡng trong trái tim mình niềm đam mê với nghề và luôn biết rung động, trăn trở trước những cuộc đời, số phận và từng biến chuyển của đời sống, đúng như Nguyễn Minh Châu từng tâm niệm: “Tôi không thể nào tưởng tượng nổi một nhà văn mà lại không mang nặng trong mình tình yêu cuộc sống và nhất là tình yêu thương con người. Tình yêu này của người nghệ sĩ vừa là một niềm hân hoan say mê, vừa là một nỗi đau đớn khắc khoải, một mối quan hoài thường trực về số phận, hạnh phúc của những người chung quanh mình”.