Văn học trẻ Hà Giang cần lực lượng kế cận

BHG - Vừa qua, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc Việt Nam đã tổ chức trại sáng tác văn học trẻ tại huyện Quản Bạ với hơn 20 tác giả đến từ các tỉnh, thành phố. Tham gia trại sáng tác này, tỉnh Hà Giang có 3 tác giả trẻ nhưng tính theo độ tuổi, các tác giả này đã ở độ tuổi trên 30. Điều này đặt ra vấn đề lực lượng các cây viết trẻ ngày một ít trong đời sống văn hóa nghệ thuật của tỉnh nhà.

Các tác giả tham dự trại sáng tác trẻ do Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc Việt Nam tổ chức tại Quản Bạ.

Các tác giả tham dự trại sáng tác trẻ do Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc Việt Nam tổ chức tại Quản Bạ.

Dù là một tỉnh khó khăn nhất nhì cả nước nhưng hoạt động văn học nghệ thuật của Hà Giang không kém phần sôi động so với các tỉnh, thành lớn bởi bề dày văn hóa và sự đa dạng trong các dân tộc, cộng với vẻ đẹp thiên nhiên đã thôi thúc các nghệ sĩ không ngừng sáng tạo. Trong đó, các cây bút nổi bật những năm gần đây như: Nguyễn Trần Bé, Đỗ Bích Thúy, Lục Mạnh Cường, Chu Thị Minh Huệ... đã tạo lập vùng riêng cho sáng tạo văn chương miền núi Hà Giang đậm đà màu sắc văn hóa. Những nhà văn này đã tạo được chỗ đứng nhất định trong làng văn cả nước và khiến độc giả cũng như các nhà phê bình phải để ý đến mảng văn học đậm chất riêng của miền đá Hà Giang. Nhưng, sau thế hệ này, các tác giả trẻ không được phát hiện nhiều và cũng ít được quan tâm bồi dưỡng để tạo thế hệ kế cận. Tác giả Trần Mỹ Thương, sinh năm 1987, là một trong hai tác giả trẻ của tỉnh vừa tham gia Đại hội viết văn trẻ toàn Quốc tổ chức tại Đà Nẵng tháng 6 vừa qua hiện nay cũng đã ở lứa tuổi trên 30. Đây cũng là lần cuối cùng chị được tham gia đại hội với tư cách một nhà văn trẻ, nhìn nhận các người viết trẻ hơn chị đã và đang tham gia vào sáng tác văn học trên địa bàn tỉnh khá ít và chưa có cá nhân nổi bật. Tình trạng này 5 năm sau sẽ khó kiếm người viết nổi bật đại diện văn học trẻ Hà Giang tham dự đại hội lần sau.

Văn học nghệ thuật cần sự vận động kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác để vẻ đẹp của con người, văn hóa và thiên nhiên tươi đẹp của Hà Giang được khắc họa bằng những con mắt sáng tạo nhân văn. Để tinh thần sáng tạo từ các tác giả đi trước được kế thừa và phát huy với sức sáng tạo mang hơi thở của thời đại mới cần sự xuất hiện của các cây bút trẻ đầy nội lực và am hiểu về cuộc sống thời đại của mình.

Viết văn vốn là công việc mang tính cá nhân rất cao, khó có thể can thiệp từ bên ngoài, nhưng công việc này cũng cần tạo cảm hứng và điều kiện vẫn là những yếu tố cần thiết để kích thích cho các cây bút trẻ cảm thấy được “tiếp lửa” đam mê của mình. Với sự phát triển của công nghệ thông tin tạo ra lối sống mới nhanh và hiện đại, khiến văn hóa đọc bị xếp sau các hình thức giải trí khác. Bên cạnh đó, sự đọc trong nhà trường cũng như gia đình không được coi trọng nên không tạo ra sự say mê với văn học và kích thích trí tưởng tượng của các em nhỏ.

Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cần tổ chức các trại sáng tác dành cho các tác giả trẻ, tổ chức các cuộc giao lưu giữa nhà văn có tiếng trong nước với các nhà văn trẻ, cây viết trẻ tạo thêm động lực sáng tạo cho thế hệ kế cận. Bên cạnh đó cần có các cuộc thi văn, thơ dành cho các tác giả trẻ, tổ chức các chương trình giao lưu giữa các nhà văn, nhà thơ với các nhà trường. Từ đây tạo sự kích thích, đánh thức những khả năng sáng tạo và niềm say mê với văn học nghệ thuật của các em học sinh có năng khiếu.

Bài, ảnh: Trọng Toan

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202208/van-hoc-tre-ha-giang-can-luc-luong-ke-can-1e66615/