'Văn Hường đội sổ về trời'
Biết tin nghệ sĩ Văn Hường nhập viện điều trị xuất huyết não, các nghệ sĩ thế hệ vàng chuẩn bị vào Bệnh viện Nhân dân 115 thăm, thì sáng 8-12 nghe tin ông đã rời xa cõi thế.
Nghệ sĩ Văn Hường (tên thật là Nguyễn Văn Hường), sinh năm 1934 tại Mỹ Thành, Long Thạnh Mỹ, Thủ Đức (nay là phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức, TP HCM) đã trút hơi thở cuối cùng lúc 19 giờ ngày 7-12, thọ 90 tuổi. Tang lễ của ông được tổ chức tại nhà riêng: 54 A Hàng Tre, phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức.
NSND Lệ Thủy xúc động nói bà mất thêm một người anh lớn trong nghệ thuật, người đã có kỷ niệm sâu sắc với bà khi cả hai cùng về Công ty Kim Chung, cùng đứng chung trên sân khấu qua nhiều vở tuồng. Người nghệ sĩ tài hoa mà khán giả đặt tên "Vua vọng cổ hài" nhưng với bà và các đồng nghiệp của thương hiệu Kim Chung vẫn quen gọi là anh Sáu.
Sinh thời, trong dịp đàm đạo về sân khấu, soạn giả Viễn Châu có kể, khi bài "Văn Hường đội sổ về trời" ra đời, Văn Hường cự: "Tôi chưa chết mà anh Bảy, sao viết bài điếu văn sớm vậy cha!". Ông liền đáp: "Ai rồi cũng đến chỗ đó, Văn Hường hơn thiên hạ, "đội sổ" mà nhìn thấy khán giả khóc thương mình, thì oai lắm!". Lúc đó nghệ sĩ Văn Hường cười và nói vui: "Ông dặn con cháu bỏ vô quan tài mớ giấy, bút để xuống dưới tiếp tục sáng tác để tôi xuống có bài mà ca, thế nào ông cũng đi trước tôi. Còn ngược lại tôi "đội sổ" trước, thì ông xuống ráng mà ca bài của tôi viết đó nha".
Nhắc lại chuyện này để minh chứng sự đa tài, ngoài ca, diễn với lối xuống hò ự ự rất độc đáo, nghệ sĩ Văn Hường khi đã ở đỉnh cao sự nghiệp, sắm nhà lầu, đi xe hơi, vẫn thi thoảng ghé đến thăm soạn giả Viễn Châu. Khi thì nhét vào túi áo vài triệu đồng, lúc thì vài chỉ vàng. Rồi một lần soạn giả khuyên "Vua vọng cổ hài", có vốn liếng rồi, lập gánh hát để tự mình làm những điều mình thích, nhất là tập sáng tác.
Nghệ sĩ Văn Hường nghe theo lời thầy, kết nghĩa với nghệ sĩ Thanh Hải lập gánh hát. Đây là giai đoạn ông sáng tác nhiều bài vọng cổ hài và viết cả kịch bản cải lương, tất nhiên trong đó ông dành đất diễn cho bản thân mình để khai thác tối đa chất vọng cổ hài khó ai bắt chước. Khi sáng tác ông lại tìm đến thầy để nhờ góp ý và chính vì thế mới sinh ra giai thoại "Văn Hường đội sổ về trời".
Vào nghề 15 tuổi, 17 tuổi đã nổi danh, 18 tuổi sắm xe, cưới vợ; 22 tuổi làm bầu, 23 tuổi sáng tác, nghệ sĩ Văn Hường từ một anh thanh niên chuyên bán hạt dưa trước rạp Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân ở đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP HCM), bỗng trở thành danh ca vọng cổ hài. Tên tuổi đi vào huyền thoại sân khấu với nghệ danh công chúng đặt: "Vua vọng cổ hài", "Tư Ếch Văn Hường"…
Tuy nổi danh, giàu có, nhưng nghệ sĩ Văn Hường sống lại rất bình dân. Dù từng ca bài "Văn Hường và 5 con" nhưng ông lại nhất mực chung thủy. Vọng cổ hài nhờ có giọng ca của ông mà soạn giả Viễn Châu chế tác ra thể điệu "vọng cổ hài", mượn chất châm biếm để "sửa lưng" thói hư, tật xấu của người đời trong bài vọng cổ. Và cứ mỗi lần dĩa mới ra mắt, khắp nơi từ ngõ hẻm đến quán xá, đi đâu cũng nghe tiếng ca Văn Hường. Bà con bàn tán, thấm thía với những câu chữ đả phá tệ nạn, lên án hủ tục, chỉnh đốn lối sống và mối quan hệ gia đình theo đúng truyền thống văn hóa người Việt.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông về cộng tác với Đoàn Cải lương tập thể Thống Nhất (Tây Ninh), rồi về Đoàn Cải lương Sống Chung (Phước Chung). Năm 1987, do tuổi cao, ông từ giã sân khấu, về mở quán đờn ca tài tử Văn Hường tại Long Thạnh Mỹ, Thủ Đức.
Tháng 2-2022, chương trình "Mai Vàng nhân ái" của Báo Người Lao Động đã đến thăm ông. Tại đó, ông đã trăn trở nỗi niềm mong các thế hệ sau ông giữ được thể loại vọng cổ hài, không để nó mất đi, vì sau ông đã có các hậu duệ: cố NSND Giang Châu, NSƯT Phú Quý, nghệ sĩ Hề Sa, Văn Chí Mỹ, Linh Trung, Dũng Nhí..., nhưng rồi lớp trẻ lại hiếm có thêm người kế nghiệp.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-huong-doi-so-ve-troi-196231208215551036.htm