Vẫn hưởng lương nhưng không đóng BHXH có được không?
Công ty bà Nguyễn Thị Lan Hương (Quảng Ninh) có lao động sinh năm 1964, đóng BHXH được 37 năm, nay muốn tạm dừng đóng BHXH, bảo lưu thời gian đóng, nhưng vẫn làm việc và hưởng lương tại công ty. Bà Hương hỏi, hiện nay có chế độ nào như vậy không.
Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:
Căn cứ quy định tại Khoản 1, Khoản 3 Điều 2, Khoản 1 Điều 124 Luật BHXH năm 2014, người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng (từ ngày 1/1/2018) thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Người sử dụng lao động tham gia BHXH bắt buộc bao gồm cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
Đối chiếu quy định nêu trên, trường hợp lao động của công ty bà sinh năm 1964, đã đóng BHXH được 37 năm sau đó tiếp tục làm việc thì vẫn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Hàng tháng, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng và trích từ tiền lương của người lao động theo mức quy định để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH theo quy định tại Khoản 2 Điều 21 Luật BHXH năm 2014.