Vẫn khó kéo giảm số người cai nghiện ma túy
Thống kê của Bộ LĐTBXH cho biết, tính đến ngày 15/12/2019, cả nước có 246.500 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó: 38.244 người đang cai nghiện bắt buộc trong các cơ sở cai nghiện ma túy; gần 80% có sử dụng ATS và chất hướng thần mới.
Đặc biệt, tại một số địa phương, tỷ lệ người nghiện sử dụng ATS và chất hướng thần rất cao (Đồng Nai 87%, Đà Nẵng 85%, Trà Vinh 90,7 %). Ngoài ma túy truyền thống, ATS, thì các loại ma túy khác như cần sa, “cỏ Mỹ”... xuất hiện ngày càng nhiều.
Mặc dù đã có nhiều chính sách được ban hành, nhưng theo đánh giá của Bộ LĐTBXH, nhiều chính sách pháp luật liên quan còn nhiều điểm chưa thống nhất. Cụ thể, Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) quy định, cơ quan xử lý hành chính phải chứng minh vi phạm hành chính, tức là phải xác định tình trạng nghiện. Thực tế rất khó xác định hoặc không xác định được tình trạng nghiện vì người nghiện không hợp tác trong việc khai báo các triệu chứng, đặc biệt là ma túy tổng hợp; Luật hiện hành không quy định việc tạm giữ người để theo dõi, làm xét nghiệm, xác định tình trạng nghiện.
Luật XLVPHC còn quy định người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định thì bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. “Việc xác định nơi cư trú ổn định là vấn đề khó khăn, các địa phương áp dụng khác nhau (như đến nhà xác định 3 lần vắng mặt thì kết luận là không nơi cư trú; sang địa bàn xã, phường khác sử dụng ma túy thì xác định là không có nơi cư trú....), đặc biệt là các tỉnh phía Nam, gần 100% người được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người không có nơi cư trú ổn định”- theo Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội Nguyễn Xuân Lập.
Cũng theo ông Lập, Luật Phòng, chống ma túy giao cho UBND cấp xã tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Trong khi tại cấp xã, điều kiện cơ sở vật chất, con người còn khó khăn, mà cai nghiện ma túy đòi hỏi chuyên môn cao, do vậy quy định này không phù hợp mang tính hình thức, không hiệu quả, nhiều địa phương không thực hiện.