Vẫn khó phát huy giá trị bảo tàng vì quy định còn bất cập
Hiện nay, Việt Nam có 181 bảo tàng, trong đó có 128 bảo tàng công lập, 53 bảo tàng ngoài công lập. Các hệ thống kho của bảo tàng đang lưu trữ khoảng 4 triệu hiện vật. Đây là kho di sản đồ sộ, ngày càng được phát huy tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều vấn đề trong bảo quản, phát huy giá trị hệ thống bảo tàng, đặc biệt là các hiện vật đang được lưu giữ tại các bảo tàng.
Trong đó, việc bảo vật quốc gia - tác phẩm “Vườn xuân Trung Nam Bắc” tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh bị hư hỏng trong quá trình bảo quản, vệ sinh thời gian qua chỉ là hiện tượng điển hình.
Theo TS Nguyễn Hữu Toàn, hệ thống văn bản pháp luật về di sản văn hóa trong lĩnh vực bảo tàng đang có nhiều bất cập nên việc thực thi trong thực tiễn còn nhiều vướng mắc. Ngay quy định về các điều kiện thành lập bảo tàng hoặc được cấp phép hoạt động bảo tàng còn chung chung.
Cụ thể, Điều 49 Luật Di sản văn hóa năm 2001 quy định 3 điều kiện để thành lập bảo tàng bao gồm: Có sưu tập theo một hoặc nhiều chủ đề; Có nơi trưng bày, kho và phương tiện bảo quản; Có người am hiểu chuyên môn phù hợp với hoạt động bảo tàng. Tuy nhiên, thế nào là sưu tập? Tiêu chuẩn cụ thể của cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật (nơi trưng bày, kho, phương tiện bảo quản,…) đảm bảo cho việc bảo tàng được thành lập là gì? Tiêu chuẩn để xác định “người am hiểu chuyên môn phù hợp với hoạt động bảo tàng” cụ thể ra sao?…
Đến nay, những vấn đề đó vẫn gần như để ngỏ. Vì thế, quá trình xem xét để quyết định thành lập hoặc cấp phép hoạt động bảo tàng khá khó khăn, nhất là trường hợp cho phép ra đời các bảo tàng ngoài công lập.
Tại văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa (Nghị định 98), hàng loạt tiêu chí cụ thể của việc xếp hạng bảo tàng vẫn rất khó hoặc chưa có lời giải: Thế nào là một bảo tàng “có đủ tài liệu, hiện vật trưng bày phù hợp với đối tượng và phạm vi hoạt động của bảo tàng”? Trong số “100% tổng số tài liệu, hiện vật được bảo quản định kỳ, bảo quản phòng ngừa và có thực hành bảo quản trị liệu” thì số (phần trăm) hiện vật đảm bảo được thực hiện ở từng nghiệp vụ bảo quản là bao nhiêu và yêu cầu cụ thể về chất lượng, hiệu quả đối với từng nghiệp vụ bảo quản là thế nào?...
Như thế, cả việc định danh, định tính, định lượng cho từng tiêu chí vẫn chưa thể nói là đã cụ thể, rõ ràng, dễ xác định. Theo đó, việc xếp hạng bảo tàng chưa thể nói là đã thực sự khoa học, chính xác.
Cũng theo TS Nguyễn Hữu Toàn thì hệ thống pháp luật về bảo tàng thiếu nhất quán trong những quy định về phân loại bảo tàng. Nhiều mặt, lĩnh vực hoạt động chưa được pháp luật về bảo tàng điều chỉnh, nên chưa có cơ sở pháp lý cho các tổ chức, cá nhân xử lý tình huống, vụ việc có liên quan trong hoạt động thực tiễn.
Chưa có quy định về quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức chi phí,... cho nhiều lĩnh vực hoạt động bảo tàng, trong đó có trang thiết bị kỹ thuật và yêu cầu bảo quản hiện vật bảo tàng... Chưa có quy định về quy trình, thủ tục, trách nhiệm... liên quan đến việc phối hợp tổ chức trưng bày của các bảo tàng trong hệ thống như mượn và cho mượn hiện vật, trao đổi hiện vật... Chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hợp tác quốc tế về bảo tàng như đưa di vật, cổ vật ra nước ngoài để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản; tiếp nhận, hồi hương các hiện vật, sưu tập được các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài bàn, chuyển giao; sưu tầm hiện vật ở nước ngoài...
Hầu như chưa quy định pháp luật cụ thể liên quan đến chính sách, chế độ thực sự khuyến khích xã hội hóa các hoạt động bảo tàng. Hiệu quả của việc phổ biến, giáo dục hệ thống pháp luật về bảo tàng còn hạn chế…
Riêng về bảo quản hiện vật bảo tàng, theo Cục Di sản văn hóa, hiện nay, các yêu cầu kỹ thuật áp dụng kho bảo quản tại các bảo tàng chủ yếu từ kinh nghiệm, tài liệu từ các cuộc tập huấn quốc tế, tài liệu sách chuyên ngành quốc tế... Việc áp dụng các tiêu chuẩn kho bảo quản hiện vật phù hợp với sự đa dạng về chất liệu của hiện vật tại các bảo tàng, di tích ở Việt Nam đến nay vẫn chưa thống nhất và chưa căn cứ các tiêu chuẩn kỹ thuật rõ nguồn gốc hoặc đã được thực nghiệm một cách khoa học phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Mặc dù ở Việt Nam đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa, nhưng chưa có các văn bản quy phạm kỹ thuật và các quy định cụ thể về tiêu chuẩn kỹ thuật cho kho bảo quản hiện vật của bảo tàng. Trong các tài liệu chuyên ngành thường mới chỉ đề cập sơ sài không có thông số cụ thể hoặc chỉ có các quy định kỹ thuật của kho hiện vật trong một số trường hợp cụ thể. Chưa có các quy định chung và bao trùm đến các yêu cầu kỹ thuật của kho bảo quản hiện vật một cách hệ thống. Từ thực tiễn hoạt động của các bảo tàng hiện nay, Cục Di sản văn hóa đã xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về “Kho bảo quản hiện vật bảo tàng - Yêu cầu kỹ thuật”.
Đây là hoạt động nhằm giúp các bảo tàng cùng thống nhất áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật kho bảo quản hiện vật bảo tàng trong công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng, vận hành và đánh giá hoạt động của kho bảo quản hiện vật.
Các yêu cầu kỹ thuật chuyên ngành cụ thể và có tính áp dụng cao sẽ giúp các bảo tàng thuận tiện hơn khi xây dựng các phương án xây dựng, bố trí và vận hành kho bảo quản hiện vật của bảo tàng. Yêu cầu kỹ thuật sẽ được sử dụng trong các văn bản chỉ đạo quản lý Nhà nước về di sản văn hóa cũng như trong việc đánh giá chất lượng các hoạt động của bảo tàng làm cơ sở cho nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo tàng, như: Thành lập bảo tàng, xếp hạng bảo tàng, đăng ký di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia… Hiện tại, dự thảo đang được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong cả nước.