Vẫn khó tuyển dụng nhân sự cho năm học mới

Nhiều trường từ mầm non đến trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang “chạy đua” tuyển dụng nhân sự cho năm học mới 2024-2025. Với chính sách tiền lương mới, nhiều trường hy vọng sẽ bớt khó khăn hơn trong công tác tuyển dụng nhân sự.

Nhiều trường phổ thông hiện đang rất khó tuyển các vị trí như giáo viên Tổng phụ trách Đội. Trong ảnh: Giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Xuân Trường (huyện Xuân Lộc) trong buổi sinh hoạt với học sinh. Ảnh:C.Nghĩa

Nhiều trường phổ thông hiện đang rất khó tuyển các vị trí như giáo viên Tổng phụ trách Đội. Trong ảnh: Giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Xuân Trường (huyện Xuân Lộc) trong buổi sinh hoạt với học sinh. Ảnh:C.Nghĩa

Phó phòng Tổ chức cán bộ Sở Giáo dục và đào tạo Nguyễn Thị Trúc Tự cho hay: “Sở đã phê duyệt kế hoạch tuyển dụng đợt 1 cho 42 trường phổ thông thuộc sở trực tiếp quản lý với 159 nhân sự ở vị trí giáo viên, nhân viên và sắp tới sẽ tiếp tục phê duyệt tuyển dụng đợt 2”.

Nhiều trường chờ đợi ứng viên

Ngay sau khi nhận được chỉ tiêu tuyển dụng, các trường đã thông báo công khai kế hoạch tuyển dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội...

Trong số 159 nhân sự cần tuyển trong đợt 1 này, theo Sở Giáo dục và đào tạo, với những trường phổ thông ở khu vực thành thị có thể thuận lợi hơn trong công tác tuyển dụng, còn với những trường ở vị trí vùng sâu, vùng xa chắc chắn chưa hết khó khăn. Tương tự, trong 2 vị trí giáo viên và nhân viên trường học, vị trí nhân viên trường học nhiều năm nay vẫn rất khó tuyển dụng, do nguồn đào tạo ít, điều quan trọng hơn là mức lương thiếu hấp dẫn.

Nhiều trường tư thục tăng lương để thu hút giáo viên

Sau khi Chính phủ ban hành chính sách tiền lương mới cho cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có giáo viên, nhiều trường tư thục đã nhanh chóng nâng lương cho giáo viên và nhân viên trường học để giữ chân và thu hút thêm nhân lực. Hiện mức lương của các trường tư thục và công lập có khoảng cách khá lớn, khiến cho việc tuyển dụng của trường công lập càng thêm khó.

Theo Phó phòng Tổ chức cán bộ của Sở Giáo dục và đào tạo Nguyễn Thị Trúc Tự, không ít trường phổ thông nhiều năm nay được phân bổ chỉ tiêu giáo viên và nhân viên để tuyển dụng thêm nhưng không tuyển được. Điển

hình như Trường THCS-THPT Huỳnh Văn Nghệ (huyện Vĩnh Cửu), Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trường THPT Nhơn Trạch (huyện Nhơn Trạch) hay Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh (thành phố Biên Hòa).

Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm Nguyễn Văn Viên cho hay, nhà trường đang tuyển dụng 8 nhân sự mới, trong số này có 3 giáo viên trực tiếp đứng lớp và 5 nhân viên, gồm: 1 nhân viên kế toán, 2 nhân viên thư viện, 1 nhân viên quản trị công sở và 1 nhân viên giáo vụ.

“Nhiều vị trí nhân viên trường đã thông báo đăng tuyển “năm lần bảy lượt” rồi cũng chưa tuyển được và lâu nay hiệu trưởng, hiệu phó phải kiêm luôn những việc này”- ông Viên nói.

Vẫn chưa hết khó

Theo hiệu trưởng nhiều trường phổ thông, công tác tuyển dụng nhân sự đã được gỡ khó phần nào khi từ ngày 1-7 vừa qua, chính sách tiền lương mới được triển khai. Một số đối tượng giáo viên thuộc diện khó tuyển dụng như giáo viên mầm non, giáo viên dạy một số môn như: Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật ở các trường vùng sâu, vùng xa. sẽ nhận được chính sách hỗ trợ từ năm học sắp tới. Tuy nhiên, công tác tuyển dụng vẫn chưa thực sự hết khó vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau.

Phó hiệu trưởng Trường THPT Thanh Bình (huyện Tân Phú) Mai Mạnh Hảo cho hay, nhà trường thiếu 1 giáo viên dạy môn Ngữ văn 2 năm học nay. Năm học trước trường có thông báo tuyển dụng nhưng vẫn chưa tuyển được và đợt này nhà trường tiếp tục tuyển, còn việc có tuyển được hay không thì chưa thể chắc chắn, dù năm nay giáo viên đã có mức lương cao hơn.

Theo ông Mai Mạnh Hảo, ngoài nguyên nhân tiền lương chưa hấp dẫn, hiện sinh viên ngành sư phạm Ngữ văn do các trường sư phạm đào tạo không nhiều, khi tốt nghiệp giáo viên thường muốn ở lại thành thị hay những trường ở vị trí thuận lợi hơn là về huyện miền núi.

Phó chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh cho biết, với các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, Tin học không chỉ các trường ở huyện vùng sâu, vùng xa mà chính các trường ở thành phố Biên Hòa cũng khó tuyển, dù thành phố đã làm việc với các trường sư phạm, trường đại học có đào tạo những ngành này.

Không chỉ khó trong tuyển dụng giáo viên trực tiếp đứng lớp, các vị trí nhân viên trường học như kế toán, thư viện, văn thư, nhân viên y tế cũng đang trong tình trạng khó tuyển như “tìm kim đáy biển”. Hiệu trưởng một trường THPT cho hay: “Một nhân viên kế toán có trình độ đại học, nếu làm ở doanh nghiệp lương có thể trên 10 triệu đồng/tháng, trong khi được tuyển dụng vào làm ở trường học lương chỉ 6-7 triệu đồng là cao nên không mấy ai muốn vào”.

Hay như vị trí nhân viên y tế học đường, hiện rất nhiều trường từ mầm non đến phổ thông đang bị khuyết. Trong khi giáo viên và nhân viên khác trong trường học được xếp vị trí là công chức, viên chức thì nhân viên y tế lại chỉ được ký hợp đồng lao động, ở vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ. Bên cạnh đó, chế độ chính sách cho nhân viên y tế học đường cũng chưa đủ sức hấp dẫn với người làm công tác này nên các trường vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển dụng.

Công Nghĩa

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202408/van-kho-tuyen-dung-nhan-su-cho-nam-hoc-moi-41348c6/