'Van khóa' chống trục lợi, thâu tóm hợp tác xã trong chuyển nhượng vốn góp
Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) không đặt vấn đề chuyển nhượng phần vốn góp cho cá nhân, tổ chức chưa phải là thành viên, tránh hiện tượng mua, bán phần vốn góp tương tự như công ty cổ phần.
Cân nhắc việc cho phép chuyển nhượng vốn
Sáng 5/4, đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, một trong những nội dung lớn được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo là về tài sản, tài chính của hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX.
Trong đó, vấn đề được quan tâm nhiều là chuyển nhượng vốn góp. Điều 78 dự thảo được chỉnh lý theo hướng cho phép các thành viên chuyển nhượng phần vốn góp trong nội bộ HTX, liên hiệp HTX và với các thành viên hiện hữu.
“Mức vốn góp tối đa của mỗi thành viên chính thức không quá 30% vốn điều lệ đối với HTX và 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp HTX. Tổng phần vốn góp tối đa của tất cả thành viên liên kết góp vốn không quá 30% vốn điều lệ đối với HTX và 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp HTX”, ông Thanh cho hay.
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, việc không đặt vấn đề chuyển nhượng phần vốn góp cho các cá nhân, các tổ chức không phải là thành viên HTX là chưa thật sự thuyết phục, bởi vốn các thành viên đóng góp là tài sản.
Ông Lâm lưu ý, quyền tài sản của mỗi cá nhân phải được bảo đảm theo quy định của Hiến pháp và pháp luật… Nếu không được chuyển nhượng thì sẽ là hạn chế về quyền tài sản. Do đó, đại biểu đề nghị không nên hạn chế việc chuyển nhượng góp vốn như dự thảo.
Trong khi đó, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đề nghị cân nhắc việc cho phép chuyển nhượng vốn giữa các thành viên trong HTX, liên hiệp HTX vì nếu việc cho phép chuyển nhượng vốn góp sẽ làm mất đi bản chất của HTX, làm cho các tổ chức kinh tế hoạt động như loại hình công ty cổ phần.
Liên quan đến quy định về quỹ chung không chia và tài sản chung không chia, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh (đoàn Hà Nội) đề nghị cân nhắc việc mở rộng mục đích sử dụng để đảm bảo nâng cao năng lực hoạt động, sức cạnh tranh của HTX.
Theo đại biểu, quy định như dự thảo Luật là quá chặt chẽ và có thể gây khó khăn, giảm hiệu quả sử dụng vốn, giảm tính hấp dẫn của mô hình HTX, nhất là quy định về phải bảo toàn vốn.
Không để hợp tác xã “chết mà không được chôn”
Quan tâm đến quy định giải thể tổ chức kinh tế hợp tác, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, vấn đề này hiện đang có mâu thuẫn. Dự thảo quy định chỉ được giải thể khi tổ chức thanh toán hết nợ, nghĩa vụ tài chính khác mà không có tranh chấp tại tòa, đồng thời quy định tòa án có thể ra quyết định giải thể.
Theo ông Lâm, cần phải quy định làm sao để hợp tác xã có thể giải thể được chứ không để hợp tác xã “chết mà không được chôn”. Ông Lâm đề nghị chuyển từ nghĩa vụ nợ của pháp nhân đã phá sản sang cá nhân hoặc giải quyết theo thủ tục phá sản khi không còn hoạt động.
Ông Vũ Hồng Thanh lý giải, dự thảo luật không đặt vấn đề chuyển nhượng phần vốn góp cho cá nhân, tổ chức chưa phải là thành viên của HTX, liên hiệp HTX. Quy định như vậy phản ánh đúng bản chất của HTX, liên hiệp HTX là tương trợ lẫn nhau nhằm đáp ứng nhu cầu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội.
Điều này cũng nhằm tránh hiện tượng mua, bán phần vốn góp tương tự như hoạt động của công ty cổ phần, công ty TNHH, “doanh nghiệp hóa HTX”, hạn chế việc thâu tóm, chi phối hoạt động HTX, liên hiệp HTX của một số tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đối với một số HTX, liên hiệp HTX đã được Nhà nước hỗ trợ nhiều nguồn lực.
“Quy định này tương tự như một chiếc van khóa chống trục lợi, thâu tóm HTX”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.