Vẫn là thể chế pháp luật

Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vừa kết thúc. Trong chương trình, UBTVQH đã xem xét, cho ý kiến về 13 nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban. UBTVQH cũng định kỳ xem xét công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 12/2022 và tháng 1/2023. Công tác dân nguyện bao giờ cũng quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri nhiều tỉnh, thành sau Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV về nhiều nội dung liên quan đến công tác cán bộ.

Theo đó, cử tri quan tâm đến việc hoàn thiện thể chế, chính sách, hệ thống pháp luật cần đẩy mạnh xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Đề nghị siết chặt kỷ luật kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Đồng thời, cần quyết tâm xử lý triệt để các vấn đề như cơ chế xin - cho, “chạy vốn ngân sách”, “chạy việc”, “chạy chức”, “chạy dự án”, nhất là quản lý chặt chẽ các dự án, công trình đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách có quy mô lớn. Trong các nội dung “chạy”, có “chạy chức, chạy quyền”.

Thực ra câu chuyện “chạy chức, chạy quyền” không mới. Từ Quốc hội khóa X, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Nội vụ lúc đó là ông Trần Văn Tuấn trên nghị trường. Vì sao phải “chạy”? Đơn giản, vì chức, quyền sinh ra “bổng lộc”.

Đã 25 năm trôi qua, công tác cán bộ của Đảng luôn có nhiệm vụ chống “chạy chức, chạy quyền” và hành lang pháp lý ngày càng được cụ thể hơn. Gần đây, Chính phủ có Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 11/3/2022 ban hành Chương trình hành động (CTHĐ) của Chính phủ về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong CTHĐ có chống “chạy chức, chạy quyền”.

CTHĐ của Chính phủ nêu lên nhiệm vụ tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách, trong đó tiếp tục hoàn thiện pháp luật về sử dụng, quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm đồng bộ, liên thông với quy định của Đảng về công tác cán bộ. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.

Cuối năm 2021, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Tại đây, vấn đề khung khổ thể chế, pháp luật cho sự phát triển lại được nhắc đến. Phải chống tiêu cực, “lợi ích nhóm” ngay trong xây dựng thể chế, chính sách; trong đó có chính sách về cán bộ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhắc nhở, yêu cầu xây dựng “lồng” luật pháp. Để chống “chạy chức, chạy quyền” cũng phải bắt đầu từ thể chế luật pháp, bịt kín sơ hở.

Ngô Đức Hành

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/van-la-the-che-phap-luat-post467031.html