Văn Lôi một nét đan thanh
Văn Lôi từ lâu đã thành nơi tụ hội của người Việt cổ, để rồi chính ngôi làng này đầu Công nguyên đã theo một nam tướng của Hai Bà Trưng khởi nghĩa đánh đổ ách cai trị của nhà Hán, giành quyền tự chủ cho người Việt...
"Trên đất Tam Đồng, còn dấu tích hai tòa thành cổ, thành Cự Triền tương truyền của bà Trưng Nhị và thành Vượn, tương truyền của Mã Viện". Trong bài "Mê Linh: hôm qua - hôm nay - ngày mai". Sinh thời GS Trần Quốc Vượng đã viết như vậy. Thành Cự Triền tức thành Dền, sau lần thay đổi địa giới hành chính, đã chuyển sang xã Tự Lập quản lý. Còn thành Vượn, từ đợt khai quật khảo cổ học năm 1972, đến năm 1986 đã được Bộ Văn hóa công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia.
Thắng cảnh phong quang
Nắng xuân, chúng tôi bước trên những dải đồng màu bao quanh khu chiêm trũng Tam Đồng nho nhỏ. Đó là những ngọn đồi gò dạng vòm thấp xoải, rải rác đó đây mà GS Trần Quốc Vượng đã gọi "chứng tích cho mọi thềm sót (bậc 1) của sông Hồng". Cái rốn trũng của Tam Đồng nằm ở thôn Văn Lôi, vì thế, nơi đây đã có câu ca "Văn Lôi là đất quần ngư". Nước tụ thì tôm cá quần tụ. Đất lành chim đậu. Văn Lôi từ lâu đã thành nơi tụ hội của người Việt cổ, để rồi chính ngôi làng này đầu Công nguyên đã theo một nam tướng của Hai Bà Trưng khởi nghĩa đánh đổ ách cai trị của nhà Hán, giành quyền tự chủ cho người Việt.
Theo bản Thần tích được viết vào ngày tốt, tháng Giêng, năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) được Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn theo bản cũ, Quản giám bách thần Nguyễn Hiền vâng chép lại năm Vĩnh Hựu 6 (1740) đời vua Lê Ý Tông hiện lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết: Văn Lôi xưa có tên là Cổ Lôi, thờ phụng Lũ Lũy đại vương, một vị tướng lĩnh tài ba triều Trưng Vương.
Lũ Lũy sinh ngày mồng 7 tháng Giêng năm Quý Mão, thiên tư cao lớn, dáng vẻ khôi kỳ, mới lên 3 tuổi ông đã biết lễ nghĩa, kính trên nhường dưới, nghe người khác học mà biết, nghe tiếng nói mà hiểu được. Lên 7 tuổi thì đi học, thông suốt kinh sử, giỏi võ nghệ.
Khi Hai Bà Trưng mộ quân khởi nghĩa chống Tô Định - Thái thú nhà Hán cai trị, Lũ Lũy chiêu mộ được hơn 3.000 người về dưới trướng. Thấy ông có tài văn võ, Trưng Vương đã cử Lũ Lũy làm Chỉ huy sứ Thượng tướng quân, dẫn quân đi trước tuần triệt, đề phòng hai con đường phía Đông và phía Tây. Quân tướng rầm rập lên đường, cờ xí, chiêng trống ầm ầm như sấm động, vang dậy khắp nghìn trùng.
Khi tướng Lũ Lũy dẫn quân tiến đến đầu trại Cổ Lôi, sau đổi là trang Văn Lôi ông cho trú quân ở đây. Ngắm nhìn địa thế nơi đây có sông nước uốn quanh, rồng chầu hổ phục. Núi không cao nhưng có nhiều đá nhọn che chở, nước hữu tình mà lại trong xanh, tiện cho việc trú quân, như một nơi thắng cảnh phong quang. Ông liền truyền cho binh sĩ hạ trại. Nhân dân trại Cổ Lôi làm lễ xin được làm thần tử, ông đồng ý và chọn được 30 người thật cường tráng ở bản trang làm gia thần.
Khi 65 thành đều thu phục, Thái thú Tô Định bỏ trốn về Bắc quốc, thiên hạ thái bình, quốc gia vô sự. Trưng Vương mở tiệc chúc mừng, gia phong cho các tướng sĩ theo thứ bậc khác nhau. Lũ Lũy trở về nhiệm sở xây dựng đồn dinh và ở luôn trang Cổ Lôi.
Ba năm sau, vua Hán lại cử Mã Viện sang xâm chiếm. Trưng Nữ Vương cùng Lũ Lũy dẫn quân tiến đánh giặc. Thế yếu, Hai Bà Trưng gieo mình xuống sông. Còn tướng quân Lũ Lũy phá được vòng vây của giặc rồi cưỡi ngựa tiến thẳng đến xứ Gò Đống bên ấp ở địa đầu trang Văn Lôi ngửa mặt lên trời kêu rằng: "Trung thần không thờ hai vua". Ông ngã ngựa lao xuống gò. Hôm đó là ngày mồng 3 tháng 3 năm Ất Dậu. Trong chốc lát mối đã đùn thành ngôi mộ rất to, dân trang thấy vậy thật kinh hoàng. Ngay ngày hôm ấy dân làng làm lễ tế ngay trên nơi này và lập miếu thờ phụng ông (nay gọi là Cấm Địa).
Tương truyền, khi vua Đinh Tiên Hoàng dẹp 12 sứ quân, được tướng quân Lũ Lũy hiển ứng âm phù. Lên ngôi, nhà vua tôn phong là Lũ Lũy đại vương, tặng phong Thượng đẳng phúc thần. Từ đó trở về sau đều rất linh ứng. Trải nhiều đời vua đều được gia phong mỹ tự.
Chúng tôi vào đình Văn Lôi, thắp hương tưởng nhớ đức thành hoàng bản thôn xong, được các cụ ban hậu tự (cụ Phùng Văn Kìm, cụ Lê Văn Hồ, cụ Nguyễn Tăng Hoạt…) cho xem những chứng tích về một vùng đất linh ứng. Trong những bản sắc phong còn lưu giữ được, có Sắc phong năm Đồng Khánh thứ 2 (1886) có nội dung:
"Sắc cho: Bản cảnh thành hoàng linh phù chi thần, xưa nay hộ quốc giúp dân, tỏ nhiều linh ứng, mỗi khi lễ tiết được ban tặng sắc phong lưu giữ thờ cúng. Đến nay gặp khi vua nhận mệnh lớn, nhớ đến phúc thần, khá gia tặng là: Dực bảo trung hưng chi thần. Vẫn chuẩn cho xã Văn Lôi, huyện Yên Lãng, tỉnh Sơn Tây phụng sự như cũ. Thần hãy phù hộ bảo vệ cho dân đen của ta. Khâm tai!
Ngày mồng một tháng bảy năm Đồng Khách thứ hai (1886)
Bộ Lễ kính chép, xã Văn Lôi tuân chiếu phụng thờ".
Rạng ngời phả ngọc
Hiện đình Văn Lôi có 4 đôi câu đối, trong đó có hai đôi có niên đại Khải Định năm Canh Thân (1920). Tròn 100 năm cung tiến, hai cụ Tiên chỉ, cựu lý trưởng Nguyễn Huy Tiêm và cựu phó lý Nguyễn Văn Yết đều đã thành người muôn năm cũ. Song hậu duệ của các cụ đông đúc trong làng, nối dòng văn hiến, tiếp tục xây dựng quê hương. Xin dẫn nội dung hai câu đối cung tiến như sau:
"Dực tán Trưng vương, Tam Đới anh linh lưu thắng tích/ Đãng bình Hán tặc, nhị phương chủ tể lẫm hùng uy". (Dịch nghĩa: Phù tá vua Trưng, Tam Đới anh linh còn thắng tích/ Dẹp yên giặc Hán, hai phương chúa tể nổi uy hùng).
Và: "Uy chấn Bắc Nam, thanh hách sùng từ chung cổ tại/ Tài kiêm văn võ, quang lưu ngọc phả chí kim xưng". (Dịch nghĩa: Uy chấn Bắc Nam, hiển hách đền thờ từ trước có/ Tài kiêm văn võ, rạng ngời phả ngọc đến nay còn).
Cùng đôi câu đối là một bức hoành phi đề ba chữ: CỔ DĨ LÔI (Sấm vang trống giục) tạo tác năm Canh Thân (1920), đời vua Khải Định nhà Nguyễn. Ba chữ trên cũng được chạm lại trên hệ thống cửa võng trước gian thờ chính của đình. Cụ Nguyễn Văn Vưu, 93 tuổi, Đại tá hưu trí, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quân lương (Tổng cục Hậu cần - Quân đội Nhân dân Việt Nam) chia sẻ: Ba chữ Cổ Dĩ Lôi có nghĩa là: Trống nổi lên rồi.
Gần đây, trung niên và thanh niên trong làng khi ra ngoài chỉ gọi tắt là làng Văn mà không gọi đầy đủ hai tiếng Văn Lôi. Ấy là vì không hiểu hết ý tứ sâu xa của tiền nhân gửi gắm trong tên làng. Một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, cụ Nguyễn Quý Đôn, khi đi điền dã tìm hiểu hoành phi, câu đối hay ở các đình, đền đã bình luận:
"Tên làng là Cổ Lôi. Bức hoành chen một chữ Dĩ vào giữa, thật tài tình. Với danh từ riêng biểu dương địa phương mình, không phải ở cái tên, tác giả muốn tái hiện một thời Hai Bà Trưng, thanh niên nô nức đến bên cờ tụ nghĩa. Mẹ bảo con: "Trống nổi lên rồi". Người con chào mẹ, hăng hái lên đường, tỏ ra rằng đã nghe (Văn) thấy tiếng trống (Lôi) rồi. Về sau Cổ Lôi đổi thành Văn Lôi là như thế!"
Theo cụ Nguyễn Quý Đôn phân tích, chữ Dĩ biểu đạt ý giục giã, nhanh chóng lên, mau lên đi! Có 3 chữ thôi mà nói lên được khí thế của cả một dân tộc trước nạn ngoại xâm. Ba chữ rất "hiền lành", những người mẹ anh hùng và những người con dũng cảm đều thông hiểu.
"Thanh niên Tam Đồng đã bao nhiêu lần lên đường làm cách mạng, làm anh bộ đội, không chỉ riêng thời Hai Bà Trưng mà đã trở thành truyền thống. Viết được 3 chữ ấy, ắt phải là một nhà Nho uyên bác, có chí khí anh hùng!", cụ Nguyễn Quý Đôn cảm thán.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/van-loi-mot-net-dan-thanh-585613/