Vận may chưa đến với 'làng Taobao'
Dù chỉ có vài trăm đến vài nghìn lượt theo dõi, những người bán hàng vẫn tin rằng họ có thể trở nên giàu có sau một đêm nhờ livestream tại Nghĩa Ô.
Sự phấn khích nhanh chóng tràn ngập căn phòng khi người hướng dẫn bắt đầu hô khẩu hiệu: “Hãy cho chúng tôi thấy con người tốt nhất của bạn!”, “Phá bỏ giới hạn!”, “Đừng suy nghĩ quá nhiều!”, “Đây là con đường dẫn đến thành công!”, “Bạn có thể làm được!”.
Những người đàn ông và phụ nữ tham dự, nhiều trong số đó ở độ tuổi trung niên, lắc lư theo điệu nhạc sôi động trong khi thi xem ai có thể đi từ đầu này sang phía bên kia của hội trường rộng rãi theo cách sáng tạo nhất.
Một số bị căng thẳng thấy rõ khi lăn lộn, vặn người, bò và nhảy tới nhảy lui. Cuộc “thi đua” càng kéo dài, động tác cơ thể của họ càng trở nên kỳ lạ và kém duyên, theo Sixth Tone.
Trong 3 năm qua, các buổi phát trực tiếp thương mại điện tử chuyển từ thị trường ngách sang nhu cầu cần thiết đối với người bán hàng ở Trung Quốc.
Những người tập kinh doanh, thương nhân tại trung tâm thương mại điện tử phía đông thành phố Nghĩa Ô (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) - nơi có các “ngôi làng Taobao” nổi tiếng, đăng ký để học cách quản lý tài khoản trên nền tảng video ngắn như Kuaishou và Douyin. Hầu hết đều gượng gạo trước máy ảnh. Họ ở đó để vượt qua áp lực, xây dựng sự tự tin và học các mánh khóe trong giao dịch.
Điều đó bao gồm cách đối phó với những thuật toán có thể chi phối sự tồn tại trên các nền tảng video ngắn.
Mặc dù các buổi phát trực tiếp thương mại điện tử lần đầu tiên xuất hiện trên Taobao của Alibaba vào năm 2016, sự phát triển của những nền tảng chuyên về video ngắn đưa mô hình này trở thành xu hướng thương mại.
Ôm mộng làm giàu
Ngày 20/4/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đứng trước buổi phát trực tiếp tại ngôi làng Jinmi phía tây bắc và tuyên bố những tiến bộ mới trong thương mại điện tử có tiềm năng rất lớn.
Điều này củng cố suy nghĩ mà nhiều người sớm đã biết: livestream bán hàng trở thành “fengkou” mới nhất của Trung Quốc.
“Fengkou” (gió thuận chiều) ra đời năm 2015 sau khi Lei Jun, người sáng lập gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Xiaomi, tuyên bố: “Ngay cả những con lợn cũng có thể bay nếu chúng gặp gió thuận chiều”.
Các nhà đầu tư mạo hiểm sử dụng thuật ngữ này để mô tả cơ hội đầu tư sinh lợi, nhưng nó cũng có thể đề cập đến hành vi cơ hội, đôi khi thiển cận trong kinh doanh. Xét cho cùng, những con lợn bay thường không còn ở trên không trung khi gió thuận biến mất.
Trong khi một số ít nhân vật có ảnh hưởng phát trực tiếp, bao gồm “ông hoàng son môi” Li Jiaqi và Wei Ya, kiếm bộn tiền, những người livestream ở Nghĩa Ô, nơi có thị trường hàng hóa bán lẻ lớn nhất thế giới, hoạt động ở quy mô nhỏ hơn nhiều.
Những người có ảnh hưởng ở tầm vi mô (nano-influencer) này thường có nhiều nhất là vài nghìn lượt theo dõi, nhưng vẫn tồn tại giấc mộng về sự giàu có chỉ sau một đêm từ “baodan” (bùng nổ đơn đặt hàng) khi bất ngờ lan truyền.
Việc lan truyền giống như trúng xổ số. Các thuật toán của nền tảng video ngắn không rõ ràng và việc phân phối lưu lượng truy cập rất khó đoán.
Để cải thiện tỷ lệ cược, những người có ảnh hưởng ở tầm vi mô thường bắt chước các clip thịnh hành và tạo ra đoạn video câu kéo sự chú ý dựa trên nội dung nhạy cảm, kỳ lạ hoặc đánh vào cảm xúc. Về cơ bản, đó là những doanh nghiệp siêu nhỏ. Thời gian làm việc kéo dài khiến nhiều người kiệt sức từ lâu trước khi “trúng số độc đắc”.
Để tiếp tục cập nhật nội dung, Kuaishou và Douyin chọn lọc tăng khả năng hiển thị của một tỷ lệ nhỏ video của người có ảnh hưởng ở tầm vi mô, tạo ra những “cơn gió ngược” không thể đoán trước cho một số ít người chiến thắng.
Một số người có ảnh hưởng ở tầm vi mô được truyền cảm hứng, không phải bởi những ngôi sao đã thành công như Li Jiaqi, mà từ sự thành công dường như kỳ diệu của những người bán hàng nhỏ lẻ trước đây như Xin Youzhi của Kuaishou (được biết đến với nghệ danh “Xinba 818”) hoặc Yige trên Douyin. Cả hai đều bắt đầu tự sản xuất video ngắn và hiện kiếm được hàng chục triệu nhân dân tệ chỉ từ một buổi phát trực tiếp.
Vận may không đến
Những người có ảnh hưởng ở tầm vi mô thường đến Nghĩa Ô với kinh nghiệm kinh doanh hoặc tự bán hàng, chủ yếu trong ngành nông nghiệp, giao thông vận tải và xây dựng. Họ mở nhà hàng, cửa hàng bán lẻ, thương mại điện tử,... và kinh doanh qua livestream, thường chuyển từ ngành này sang ngành khác để tìm kiếm cơ hội.
Nhiều người đến từ các vùng nông thôn hoặc thị trấn nhỏ và có trình độ học vấn hạn chế. Do đó, lựa chọn của họ ở các thành phố lớn bị hạn chế. Các công việc mà nhóm này có thể tìm được thường là trong những nhà máy hoặc ngành dịch vụ, đều mang lại quyền tự chủ, thu nhập và địa vị xã hội thấp.
“Tôi ghét khi người ta ra lệnh cho tôi”, một người có ảnh hưởng ở tầm vi mô trẻ tuổi, từng dành thời gian làm việc trong nhà máy sau khi bỏ học cấp ba, giải thích.
Người này bực bội khi camera giám sát được lắp đặt khắp nơi trong nhà máy, thậm chí còn có quy tắc về việc sử dụng nhà vệ sinh. Do đó, cô muốn trở thành ông chủ của chính mình.
Số khác nhấn mạnh mong muốn làm giàu nhanh chóng.
“Ước mơ của tôi là kiếm được nhiều tiền. Tôi sẽ làm việc khi tôi cảm thấy thích và nghỉ ngơi khi muốn. Vào mùa đông, tôi sẽ mua biệt thự ở đông bắc Trung Quốc để nhìn ra ngoài cửa sổ kiểu Pháp khi tuyết rơi bên ngoài và lửa cháy trong lò sưởi. Đó gọi là tự do tài chính”, một người khác nói.
Chưa đến 1/3 số người được Sixth Tone phỏng vấn từng trúng “baodan”. Thậm chí sau đó, thành công bền vững tỏ ra khó nắm bắt.
Một người đến Nghĩa Ô đầu tháng 6/2020 và có “baodan” đầu tiên trong vòng nửa tháng, kiếm được gần 200.000 nhân dân tệ (29.000 USD). Nhưng điều đó không bao giờ xảy ra lần nữa, anh mất tất cả khi mở rộng kinh doanh thất bại.
“Nhiều người trở nên giàu có nhờ Douyin khi chuyển sang từ Kuaishou và nhìn thấy ‘baodan’ của tôi. Bây giờ, tất cả họ đã gặp cơ hội đổi đời, trong khi tôi phải quay lại công việc bàn giấy. Đôi khi, điều này thực sự rất xấu hổ”, anh nói.
Theo thời gian, hy vọng và sự nhiệt tình của những người mới đến Nghĩa Ô bắt đầu phai nhạt.
“Có thể nhìn thấy tia sáng trong mắt những người mới đến. Họ tò mò và đam mê mọi thứ. Nếu ai đó ngồi đây với vẻ ủ rũ, anh ta chắc chắn ở đây được vài tháng và bắt đầu cảm thấy áp lực”, một người cho biết.
Sau nhiều tháng nỗ lực để giành “baodan” mà không thành công, một phụ nữ trẻ cho biết cô rơi vào trạng thái trầm cảm và trải qua những cơn lo âu khi nhìn thấy người khác “trúng số độc đắc” bằng video rất giống với nội dung của cô. Cô rời Nghĩa Ô ngay sau đó, nhưng nhiều người khác vẫn kiên trì, hy vọng sẽ đến lượt mình nếu làm việc đủ chăm chỉ.
Điều này hiếm khi xảy ra. Hầu hết người có ảnh hưởng ở tầm vi mô rời Nghĩa Ô mà không kiếm được bất kỳ lợi nhuận nào hoặc mất hết tiền tiết kiệm.
Xuất thân từ bên lề xã hội, nền tảng xã hội, văn hóa và kinh tế đặt họ ở ngoại vi của nền kinh tế kỹ thuật số và ở vị trí dễ bị tổn thương về cấu trúc.
Bị ràng buộc bởi bộ quy tắc bí ẩn, luôn thay đổi, chúng tạo thành hình thức lao động kỹ thuật số tự nguyện, không công khác, thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa tư bản kỹ thuật số, đồng thời tái tạo sự bất bình đẳng về cấu trúc của thế giới thực.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/giac-mong-doi-doi-dau-mong-manh-o-lang-taobao-post1425505.html